MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạt doanh nghiệp bung hàng đón sóng, liệu BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu có tạo nên sự đột phá vào cuối năm?

19-09-2021 - 19:58 PM | Bất động sản

Loạt doanh nghiệp bung hàng đón sóng, liệu BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu có tạo nên sự đột phá vào cuối năm?

Tình hình dịch bệnh tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam còn diễn biến tương đối phức tạp. Tuy nhiên, động thái “ngược sóng ra khơi” của một số doanh nghiệp BĐS đang tạo nên niềm tin cho thị trường BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu, ít nhất là sự kì vọng tích cực vào quý cuối năm 2021.

Doanh nghiệp chờ sóng cuối năm

Những năm gần đây, Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là thị trường mới nổi, có nhiều tiềm năng phát triển. So với các tỉnh lân cận Tp.HCM như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An, tỉnh này có độ trễ nhất định trên thị trường bất động sản. Điều này cũng mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư mới, khi mặt bằng giá đang còn ở giai đoạn đầu tăng trưởng.

Đến nay, ngoài những thương hiệu lớn đã tìm hiểu và đầu tư ở Bà Rịa - Vũng Tàu như Vingroup, Sungroup, Novaland, Tuần Châu, FLC, Hưng Thịnh… thì một số doanh nghiệp BĐS địa phương như Công ty TNHH MTV Lan Anh, Công ty CP Phát triển nhà BR – VT(HODECO), Công ty Cổ Phần BARIMEX, Golden Alpha... cũng đang là những doanh nghiệp tạo dấu ấn trên thị trường này với các dự án BĐS chất lượng.

Ghi nhận cho thấy, sau một thời gian khá im ắng vì dịch Covid-19, hiện một số doanh nghiệp BĐS đang có động thái hợp tác, chuẩn bị bung hàng để đón sóng tại thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu khi dịch được kiểm soát. Chẳng hạn như, mới đây, Hưng Vượng Holdings công bố 2 dự án mua lại từ chủ đầu tư Lan Anh. Theo kế hoạch, dự án đầu tiên The Fusion với trên 400 sản phẩm. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một trong những thị trường trọng điểm được Hưng Vượng Holdings tập trung phát triển trong thời gian tới với nguồn cung hơn 1.500 sản phẩm.

Trước đó, tại thị trường này, ông lớn Hưng Thịnh đã triển khai thành công Lavida Vũng Tàu hơn 1.000 sản phẩm, hiện giao dịch thứ cấp chênh lệch trên dưới 500 triệu/căn. Năm 2020, Tập đoàn Novaland báo cáo với UBND Bà Rịa – Vũng Tàu dự án nghỉ dưỡng Khu đô thị phức hợp Palm Beach Vũng Tàu tại trục đường 3/2 thuộc phường 10 và 11, thành phố Vũng Tàu. Dự án có diện tích khoảng 99,5 ha.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng đã từng có cuộc làm việc nghe Công ty CP Bất động sản Tiến Phước báo cáo ý tưởng quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị mới Cỏ May thuộc địa bàn phường Phước Trung, TP.Bà Rịa. Dự án có diện tích khoảng 149ha với mức đầu tư lên đến gần 9.000 tỷ đồng.

Loạt doanh nghiệp bung hàng đón sóng, liệu BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu có tạo nên sự đột phá vào cuối năm? - Ảnh 1.

Việc một số doanh nghiệp chuẩn bị động thái bung sản phẩm mới đón sóng thị trường cuối năm đang tạo niềm tin cho TT BĐS Bà Rịa -Vũng Tàu "bật dậy" hậu Covid-19

Một thị trường "lọt vào tầm ngắm" của nhiều ông lớn địa ốc thì chắc chắn tiềm năng là rất lớn, hứa hẹn một cuộc "đánh thức" vùng đất này. Do dịch diễn biến phức tạp, hiện các hoạt động mua bán BĐS tại thị trường Bà Rịa- Vũng Tàu khá im ắng theo tình hình chung. Tuy nhiên, động thái kí kết hợp tác cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng giỏ hàng mới của một số doanh nghiệp BĐS đang là dấu hiệu cho thấy, chỉ cần dịch được kiểm soát thì BĐS nơi đây sẽ "bật dậy" mạnh mẽ vốn như đã từng xảy ra nhiều đợt trước đó. Đây cũng là tín hiệu tạo niềm tin cho thị trường BĐS nơi đây hậu Covid-19.

Theo các chuyên gia, hiện nay tiền đầu tư trong dân còn khá lớn, chỉ vì dịch diễn biến phức tạp nên một số nhà đầu tư có tâm lý chần chừ "xuống tiền". Nếu dịch được kiểm soát tốt vào cuối năm thì chắc chắn BĐS vẫn sẽ là phân khúc được đa số lựa chọn. Dự báo, sau dịch nhiều nhà đầu tư sẽ chốt lời từ chứng khoán chuyển sang BĐS, trong đó có phân khúc đất nền – phân khúc mà đã từng "tạo sóng" vào thời điểm đầu năm 2021 tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Với giới đầu tư địa ốc, đất nền vẫn là "món hời" được quan tâm.

Chia sẻ tại toạ đàm mới đây, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng, nếu dịch được kiểm soát tốt, vào cuối năm rất có thể sẽ diễn ra "đợt sốt nhẹ" ở phân khúc đất nền tại các tỉnh lân cận Tp.HCM. Khi đó, giá đất sẽ tăng lại, ít nhất là 10-20% hoặc hơn nữa. Sẽ có làn sóng đầu tư đất nền sau khi dịch được kiểm soát. Theo vị chuyên gia này, hiện lãi suất ngân hàng thấp, dòng tiền trong dân còn lớn, họ cũng không biết đầu tư vào đâu, tâm lý an toàn vẫn là bỏ vào BĐS. Cho nên, sau dịch Covid-19 nhiều người muốn mua mảnh đất xa thành phố để đó sau này làm secondhome, nhà vườn, hay của để dành…là xu hướng dễ thấy. Hơn nữa, dịch kiểm soát tốt, kinh tế phát triển trở lại theo ông Quang dĩ nhiên kéo theo thị trường BĐS tăng theo.

Chỉ ra những khu vực dễ sốt đất khi dịch đi qua, vị chuyên gia này cho rằng, đó là đất nền khu công nghiệp (Long An, Đồng Nai, Bình Dương); đất nền khu nghỉ dưỡng (Bà Rịa –Vũng Tàu, Lâm Đồng); ngoài ra, địa phương nào có CĐT có dự án quy mô, phát triển dài hạn thì đất nền cũng phát triển nóng theo.

Vì sao BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu được giới đầu tư địa ốc kì vọng đột phá?

Trong những năm gần đây, Bà Rịa- Vũng Tàu nhận được sự quan tâm không ít của nhà nước cùng các doanh nghiệp khi đổ bộ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cũng như các khu vực kinh doanh, du lịch, khu công nghiệp sầm uất. Điều này dẫn theo vô số sức hút về mảnh đất tiềm năng. Cùng với đó là sự nhập cư của không ít các dân cư nơi khác đến làm ăn, sinh sống và phát triển. Từ đó tạo ra cơ hội đột phá cho thị trường BĐS nơi đây.

Ở góc độ vĩ mô, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn ngân sách huy động cho đầu tư công là 34.632 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 198/QĐ-UBND, ngày 25/1/2021, về kế hoạch đầu tư công của tỉnh này cho biết, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư công khoảng 112.351 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư công của Bà Rịa - Vũng Tàu trong 5 năm tới tăng gấp 3 lần so với 5 năm vừa qua.

Các chuyên gia đánh giá, với kế hoạch đầu tư công này, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ vào top những địa phương đầu tư công mạnh nhất. Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực đầu tư công của tỉnh sẽ cần nguồn vốn hơn 70.000 tỷ, chủ yếu dành cho các công trình hạ tầng giao thông. Như vậy, nhu cầu vốn đầu tư công của Bà Rịa - Vũng Tàu gấp khoảng 1,6 lần so với Đồng Nai.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Thọ, nguồn vốn đầu tư công ưu tiên phân bổ cho các dự án trọng điểm, dự án mang tính chất kết nối vùng. Trong đó, dự án hạ tầng giao thông được kỳ vọng nhất là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư khoảng 23.075 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025, theo phương thức hợp đồng BOT. Tuyến cao tốc này đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao hiệu suất lưu thông hàng hóa, tăng cường giao thương, dịch vụ - du lịch, và rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp.HCM xuống Bà Rịa - Vũng Tàu.

Được biết, Hội đồng thẩm định liên ngành, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trước đó, ngày 16/2, Bộ Giao thông vận tải có tờ trình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thẩm định hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Loạt doanh nghiệp bung hàng đón sóng, liệu BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu có tạo nên sự đột phá vào cuối năm? - Ảnh 2.

Thị trường Bà Rịa- Vũng Tàu đã từng chứng kiến cơn sốt BĐS vào đầu năm 2021. Theo các chuyên gia, rất có thể BĐS nơi đây sẽ có đợt sóng mới vào cuối năm nay khi dịch được kiểm soát, nhất là khi đang được hỗ trợ các thông tin tốt về hạ tầng giao thông, đầu tư....

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm khác cũng được đưa vào kế hoạch triển khai từ 2021 - 2025 như: Dự án cầu Phước An, kết nối thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư khoảng 4.879 tỷ đồng; Dự án Đường 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép, tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng… Việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sẽ là đòn bẩy phát huy các thế mạnh của địa phương, đặc biệt là cảng biển, công nghiệp và dịch vụ - du lịch. Từ đó, kích thích cho thị trường BĐS phát triển theo.

Nhìn lại cơn sốt đất đầu năm 2021 tại thị trường này, cho thấy, không phải ngẫu nhiên mà Bà Rịa – Vũng Tàu lọt vào tầm ngắm của giới đầu tư. Trong thời gian dịch bệnh, lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại đều rất thấp nên không còn hấp dẫn người dân. Cùng đó, nhiều nhà đầu tư thắng lớn từ thị trường vàng và chứng khoán đã nhanh chóng chuyển hướng sang BĐS. Chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng giá đất từ 15-20% cùng với nhu cầu nhà ở tăng mạnh trên toàn thị trường và hàng loạt quy hoạch về hạ tầng như sân bay, cao tốc…đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư rót vốn vào BĐS.

Nguồn cung BĐS khan hiếm, đắt đỏ tại Sài Gòn và Hà Nội là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng các nhà đầu tư và các doanh nghiệp BĐS đổ về các tỉnh lân cận. Trong đó Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương được đánh giá cao khi có cơ sở hạ tầng phát triển như vũ bão, hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư của tỉnh đang hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với hàng loạt dự án trọng điểm quy mô lớn.

Cùng với đó, tâm lý "ăn chắc mặc bền" đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt. Vì vậy, BĐS liền thổ vẫn luôn là "miếng bánh ngon" trong danh mục đầu tư của giới đầu tư địa ốc. Có thể nói, nhờ những yếu tố trên mà các chuyên gia vẫn đánh giá cao tiềm năng của thị trường BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu, kì vọng sự đột phá trong thời gian tới là hoàn toàn có căn cứ.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên