Lợi ích nhóm “đá bay” lợi ích người tiêu dùng
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, từ khi Thông tư 20 ra đời, hàng trăm nhà nhập khẩu xe tư nhân Việt Nam đã bị loại ra khỏi cuộc chơi.
- 20-07-2016Ô tô nhập khẩu náo loạn vì bế tắc
- 09-07-2016‘Cơn bão’ giá ô tô nhập khẩu
- 08-04-2016Từ 1/7, giảm mạnh thuế với ô tô nhập khẩu
Thị trường xe Việt Nam hiện chỉ dành cho các “ông lớn” liên doanh và một số ít DN trong nước. Đại diện VCCI cho rằng, việc duy trì Thông tư 20 của Bộ Công Thương là trái luật, tạo rào cản cho những nhóm lợi ích trục lợi.
Đằng sau cuộc họp bất thường
Cuối tuần qua, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với các nhà sản xuất ô tô trong nước, các nhà nhập khẩu để nghe góp ý về Thông tư 20/2011. Tuy nhiên, chỉ 3 DN thuộc diện bị ảnh hưởng được vào dự, rất nhiều DN khác bị mời về. Bức xúc, đại diện một số DN đã giăng biểu ngữ trước cổng Bộ Công thương để thể hiện thái độ.
Trao đổi với PV, đại diện một DN nhập khẩu ô tô tham dự cuộc họp cho rằng, có nhiều bất thường trong tổ chức họp của Bộ Công Thương. Theo vị này, đây là cuộc họp quan trọng liên quan đến hàng trăm DN nhập khẩu nhưng chỉ có vỏn vẹn 3 DN nhập khẩu được gửi giấy mời tham dự.
“Họp vào thứ 5 nhưng chiều thứ 4 chúng tôi mới nhận được giấy mời. Không có nhiều thời gian chuẩn bị, chúng tôi chỉ có 2 người được phát biểu ý kiến về việc cần bãi bỏ thông tư này. Đến nay, sau hơn 5 năm có thể thấy mục tiêu chống gian lận thuế, hạn chế nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng như đề ra của Bộ Công Thương đã không thực hiện được. Ô tô nhập về đến nay không hề giảm, giá xe ngày càng tăng. Người tiêu dùng đã không có nhiều lựa chọn về giá cả”, vị này cho biết.
Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phúc cũng khẳng định, có thể thấy Thông tư 20 đã giúp cho nhiều DN liên doanh nước ngoài, nhập khẩu chính hãng giàu lên trông thấy; khi một mình một chợ bán xe, vừa điều tiết thị trường vừa điều tiết giá bán. “Bản thân Bộ Công Thương nêu lý do muốn giữ Thông tư 20 nhằm quản lý xe nhập khẩu nhưng thực tế không làm được. Chưa kể nhờ thông tư này, xe Trung Quốc những năm gần đây vào Việt Nam rất nhiều trong khi các nước khác thì không vào được”, ông Tuấn nói.
Để người tiêu dùng, thị trường lựa chọn
Trao đổi với PV, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ KH&ĐT chuyên gia kinh tế cho rằng, Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu ô tô đã hết hiệu lực, cần bãi bỏ. Từ đó, tạo ra thị trường cạnh tranh giữa các DN nhập khẩu xe. DN yếu kém sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường.
“Nhà nước không nên đứng ra can thiệp làm méo mó thị trường. Đó phải là quyền lựa chọn của người mua, của thị trường. Mỗi nhà sản xuất có quyền lựa chọn đại lý nhập khẩu của họ, nhà nước cũng không can thiệp được”.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT
Đặng Huy Đông
Cũng tại hội thảo về rà soát các điều kiện kinh doanh do Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ và VCCI phối hợp tổ chức cuối tuần qua, tự nhận là nạn nhân của Thông tư 20, ông Nguyễn Đình Quyết - Giám đốc Công ty Hưng Hà cho rằng, quy định thương nhân khi làm thủ tục nhập khẩu phải nộp bổ sung 2 chứng từ (gồm Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng sản xuất kinh doanh loại ô tô đó và Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp) không phù hợp tinh thần của Luật Đầu tư 2014.
“Luật Đầu tư 2014 hướng tới môi trường kinh doanh lành mạnh. Tôi mong cơ quan chức năng tạo sân chơi bình đẳng cho mọi DN. DN nhỏ như chúng tôi có điều kiện lớn lên”, ông Quyết nói.
Ông Lâm Chí Quang, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lại ủng hộ duy trì Thông tư 20 khi cho rằng, ô tô là mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường và sự an toàn của con người. Nếu cấp phép tràn lan cho DN sẽ ảnh hưởng đến môi trường, tính mạng của người tham gia giao thông.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, từ khi thông tư này ra đời, hàng trăm nhà nhập khẩu xe tư nhân Việt Nam đã bị loại ra khỏi cuộc chơi. Những quy định trong Thông tư 20 của Bộ Công Thương không hề có trong Luật Doanh nghiệp và cần phải sớm được bãi bỏ. “Bảo vệ người tiêu dùng tốt nhất là bằng cách thức thúc đẩy cạnh tranh. Cần nghiêm khắc trừng trị DN làm ăn gian dối. Nhưng không vì một số DN làm ăn gian dối mà dành hẳn cuộc chơi cho các ông lớn”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Quan điểm của đại diện VCCI được sự ủng hộ của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông. Theo ông Đông, nếu hạn chế DN mới gia nhập thị trường, sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường. Mua xe như thế nào phải là quyền lựa chọn của người mua, quyền lựa chọn của thị trường, nhà nước không nên can thiệp.
Sao phải lo hộ các DN độc quyền?
Theo DN nhập khẩu ô tô, sau 5 năm thực hiện Thông tư 20, những quy định đó không những gây khó cho DN nhập khẩu ôtô Việt Nam mà còn vô tình tạo ra lợi thế kinh doanh độc quyền cho DN nước ngoài, khiến thị trường bị méo mó.
Trước khi Thông tư 20 được ban hành, con số DN nhập khẩu ô tô khoảng 200, nay chỉ còn khoảng 20 DN. Ông Hồ Quốc Phi, Chánh văn phòng Tập đoàn Mai Linh cho rằng: “Pháp luật quy định, người dân được kinh doanh bất cứ thứ gì luật không cấm. Cấm gì mấy cái ô tô nhập khẩu? Càng cấm thì các hãng độc quyền càng có lợi, người dân lại chịu thiệt nhiều nhất, trả phí cao” – ông Phi nói.
Trong khi đó, ông Âu Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, vừa qua, đơn vị đã có văn bản gửi Bộ Công Thương hỏi về “số phận” của Thông tư 20. Theo Tổng cục Hải quan, việc nhập khẩu ô tô chở người loại 9 chỗ ngồi trở xuống không thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Như vậy, thủ tục nhập khẩu ô tô trên không yêu cầu phải có các chứng từ chứng minh việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, văn bản hết hiệu lực pháp lý không thể tiếp tục dùng dằng. Thông tư 20 là quyết định thiên vị cho DN lớn, gây ra bất bình đẳng trong cạnh tranh; gây hại cho DN nhỏ và người tiêu dùng. Trong thời gian chưa có quy định mới thì không tiếp tục thực hiện thêm Thông tư 20 này nữa.
Tiền phong