Lời khuyên tài chính phổ biến nhưng khiến người trẻ vô cùng “đau đầu'
Có một số lời khuyên tưởng như phù hợp với tất cả mọi người nhưng thực tế lại trái ngược.
- 14-06-2023Khó tìm việc, chi phí tăng cao, cảm giác an toàn tài chính của người trẻ đến từ đâu?
- 07-06-2023Giới tài chính bất ngờ "chiếm spotlight" âm nhạc: Chủ tịch ACB hát dưới mưa gây bão mạng, "Finance Lady" lần đầu khoe giọng, than thở làm "chứng sỹ" khó hơn làm HOST
- 05-06-20236 kỹ năng về tài chính cá nhân cần biết trước tuổi 30
Có lẽ không khó để bắt gặp những lời khuyên tài chính trên các nền tảng MXH, từ những người lớn hơn hay thậm chí là từ bạn bè. Có một số bài học tài chính tưởng chừng như là một sự thật hiển nhiên ai cũng nên làm theo, song với nhiều bạn trẻ nó lại không phù hợp với lối sống cá nhân.
Tích lũy bằng vàng rồi lỗ hơn 3 triệu đồng
Ngọc Quỳnh (25 tuổi, TP Hồ Chí Minh) thường nhận 1 vài lời khuyên tài chính, trong đó lời khuyên cô bạn cảm thấy hiệu quả nhất là hãy tiết kiệm 1 khoản, đừng bao giờ tiêu hết tiền và để rơi vào cảnh nợ nần. Bởi vì luôn có 1 khoản tiết kiệm nên khi bị ốm đau hay đi chơi với bạn bè, cô bạn luôn sẵn sàng về mặt tài chính mà không phải đi vay mượn người khác.
Tuy nhiên, có một lời khuyên khiến cô bạn cảm thấy “đau đầu" khi nghĩ đến đó chính là đầu tư vàng. “Nhiều người thường xuyên tích lũy bằng cách mua vàng thay vì gửi tiết kiệm. Song, theo mình thấy bây giờ , giá vàng mua vào và giá vàng bán ra đã chênh lệch nhau khá nhiều khó để kiếm lời. Hơn thế nữa, với 1 người đi làm như mình muốn tháng nào cũng tiết kiệm 1 ít, mỗi tháng mình mua 1-2 chỉ vàng, sau đó lâu lâu gom lại bán thì thường sẽ bị lỗ”.
Ngọc Quỳnh chia sẻ rằng sau 6 tháng chi khoảng 60 triệu mua 10 chỉ vàng, lúc bán cô bạn chỉ thu về được 57 triệu đồng, lỗ 3 triệu đồng. Đây là chưa kể đến chi phí cơ hội nếu cô bạn gửi tiền tiết kiệm đã nhận được mỗi khoản lãi không nhỏ. Theo cô bạn 25 tuổi, đầu tư vàng sẽ nên phù hợp với những ai có khoản tiền lớn rồi, lúc đáy người ta sẽ đi mua vàng miếng để đầu tư thì bán mới có lãi được. Còn nếu chỉ muốn đầu tư mỗi tháng 1 ít thì không nên đầu tư vàng.
Hạn chế đi du lịch nên tích lũy cho mục tiêu dài hạn
Minh Anh (23 tuổi, Hà Nội) từng “bị” 1 người bạn nhận xét rằng “còn trẻ mà không tiết kiệm”, họ nghĩ thay vì dành tiền đi du lịch, cô bạn nên nhìn vào mục tiêu tích lũy dài hạn. “Nhưng thực chất mình vẫn có khoản tiền dành cho tiết kiệm hàng tháng, và khoản chi dành cho du lịch này cũng đã được mình lên kế hoạch rõ ràng. Với mình việc đi du lịch cũng giống như tham gia 1 khóa học, mình dùng số tiền đó để mua trải nghiệm cho bản thân, mua thời gian được tạo ra những kỉ niệm cùng bạn bè, và mua thật nhiều những bài học sau mỗi chuyến đi xa, số tiền đó mình sử dụng để xây dựng kinh nghiệm sống cho bản thân. Vậy nên với mình, số tiền đó đã được sử dụng hợp lí chứ không hề phung phí. Với mình nếu sống quá tiết kiệm và chắt bóp sẽ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và bỏ lỡ những cơ hội để sống 1 tuổi trẻ thật nhiều màu sắc”.
Cô bạn cho rằng mỗi người lại có 1 “phong cách” chi tiêu và mục tiêu tài chính khác nhau. Với một vài người thì có những khoản chi là vô bổ, không cần thiết nhưng với người khác lại thấy chúng phục vụ 1 mục đích khác và không hề thấy phung phí. Bên cạnh đó, trong thời kỳ bão thông tin, trên mạng xã hội cũng như trong cuộc sống thường nhật, cô bạn thường nhận được khá nhiều lời khuyên tài chính, những lời khuyên từ gia đình, đồng nghiệp, từ người có ảnh hưởng,... Cũng có đôi lúc, cô bạn tự hỏi liệu bản thân đã tiết kiệm đúng cách chưa và cũng có những lo lắng cho tương lai “đến khi nào mình sẽ đạt được tự do tài chính…
Song, Minh Anh nghĩ mỗi người có phong cách sống và mục tiêu khác nhau. Với những lời khuyên cô bạn cảm thấy không phù hợp với bản thân, vẫn tôn trọng và lắng nghe, nhưng việc thực hiện theo hay không sẽ tùy thuộc vào thời điểm đó có phù hợp với cuộc sống của cô bạn hay không.
Dành dụm cho những bất trắc về già
Quang Bùi (26 tuổi, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ rằng lời khuyên tài chính mà nhiều người nói đến nhưng không phù hợp với bản thân chính là chắt chiu dành dụm cho những bất trắc về già. “Mình không cho điều này là sai, vì đâu ai biết chuyện gì sẽ xảy ra đâu. Song việc quá khắt khe và chú trọng việc đó thì mình cảm thấy không phù hợp với mình. Tuổi trẻ mà, có dài được bao lâu đâu, làm bao nhiêu thì cũng nên thưởng cho mình xứng đáng, như một chuyến du lịch hoặc một bữa ăn sang trọng, hay tự mua cho mình một món đồ gì đó có giá trị. So với tiếc tiền, mình thấy tiếc thời gian khi còn trẻ nhiều hơn”.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Quang Bùi cho rằng nên chi tiêu lãng phí. Châm ngôn của cậu bạn là “Làm bao nhiêu - hưởng bấy nhiêu”. Vì mức sống và nhu cầu sống của mỗi người là khác nhau nên có thể nó phù hợp nhất nếu nói cho nhiều người. Làm ra 10 đồng thì chỉ nên tiêu 8 đồng, 2 đồng dành phòng thân, chứ làm ra 10 đồng tiêu 15, 20 thì phải xem lại.
“Dù có ý tốt thì vẫn chỉ nên dừng lại ở mức độ là “một lời khuyên”, người nghe họ làm theo hay không thì đó là quyết định của họ thôi. Về việc chệch hướng thì trộm vía là chưa, lối sống của mình thì chỉ có mình biết nó hợp hay không", Quang Bùi chia sẻ.
Phụ nữ Việt Nam