MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó tìm việc, chi phí tăng cao, cảm giác an toàn tài chính của người trẻ đến từ đâu?

14-06-2023 - 20:23 PM | Lifestyle

Người trẻ đang nỗ lực để có thể vượt qua khoảng thời gian khó khăn khi nền kinh tế có nhiều biến động như hiện tại.

Hiện nay, không khó để bắt gặp những bài đăng về câu chuyện khó tìm việc ra sao, những lời khuyên không nên nghỉ việc trong thời gian này. Có thể thấy, sau một thời gian “bão sa thải" ập đến cùng với nền kinh tế có nhiều biến động, phần lớn người trẻ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Vậy họ đang tìm thấy cảm giác an toàn tài chính từ đâu trong khoảng thời gian này?

Nghỉ việc hơn 3 tháng, chuyển đến sống ở thành phố mới

Ánh Dương (23 tuổi) đang trong quá trình nghỉ ngơi sau khi nghỉ việc từ tháng 3 năm nay. Cô bạn chia sẻ rằng bản thân gặp khá nhiều khó khăn vì quyết định chuyển tới một thành phố mới sau khi chính thức nghỉ việc.

Khó tìm việc, chi phí tăng cao, cảm giác an toàn tài chính của người trẻ đến từ đâu? - Ảnh 1.

Ánh Dương

“Hiện tại mình không có nguồn thu nào ngoài các công việc bán thời gian không ổn định cũng như hỗ trợ từ gia đình. Mình phải cân đối chi tiêu hơn bằng nhiều biện pháp như sử dụng phương tiện công cộng, nấu ăn tại nhà, hay chuyển sang tham gia các hoạt động vui chơi không tính phí”.

Ánh Dương chia sẻ rằng, nghỉ việc trong khi thị trường lao động khó khăn như hiện nay khiến cô bạn có đôi chút lo lắng. Ánh Dương lo sợ sẽ không tìm được công việc như ý khi quay lại thị trường lao động nhưng cũng chưa đến mức quá căng thẳng. Trong thời gian nghỉ, cô bạn đã lên một kế hoạch tương lai nhất định cũng như lấy được các chứng chỉ cần thiết để giúp mình có ưu thế hơn khi tìm việc. “Mình nghỉ ngơi nhưng đồng thời cũng chuẩn bị. Mỗi người cần chuẩn bị sẵn tinh thần cũng như kinh tế để đương đầu vì khó khăn có thể xảy ra vô cùng bất ngờ”.

Bên cạnh đó, đối với Ánh Dương, cảm giác an toàn tài chính sẽ đến từ tiết kiệm và các khoản thu nhập thụ động. Trước đây nếu muốn nghỉ việc, bạn có thể chỉ cần dành ra khoảng 3 tháng lương để chi tiêu trong quá trình tìm việc mới. Nhưng đến hiện tại, cô bạn nghĩ khoảng 3-6 tháng lương tiết kiệm sẽ là một khoản để dành chắc chắn hơn vì không ai đảm bảo trong thời gian đó có thể tìm được một công việc tương đương vị trí cũ.

Ngoài ra, Ánh Dương cho rằng an toàn cũng sẽ đến bằng cách tự phát triển kỹ năng của bản thân, đảm bảo rằng công ty khó tìm được thay thế cho giá trị lao động của mình. “Mình nghĩ rằng với những người trẻ mới tham gia thị trường lao động thì tài sản sẽ là vật ngoài thân, còn năng lực là điều quyết định”.

Bỏ phố về quê, làm việc tự do

Nga Phùng (25 tuổi, người viết tự do) chia sẻ rằng vì khoảng thời gian này đã chuyển về quê sinh sống, chi tiêu cũng ít hơn, công việc tự do đem lại thu nhập cao hơn hẳn so với đi làm văn phòng trước đây nên hầu như không gặp rắc rối về chuyện tiền bạc.

“Trước sự kiện bão giá và sa thải hàng loạt như bây giờ, công việc tự do của mình không bị ảnh hưởng, mình thấy nhiều bạn làm việc tự do thu nhập vẫn tăng đều. Quan trọng là bản thân mình cũng tâm niệm cần phải vừa làm vừa phát triển các kỹ năng tốt hơn, công việc và thu nhập sẽ tốt hơn lên”.

Với Nga Phùng, cảm giác an toàn tài chính có lẽ đến từ việc bản thân luôn học hỏi, phát triển, nâng cao kiến thức, tư duy. Kiến thức trong đầu mới là thứ tài sản bền vững tạo ra tiền cho mình mãi mãi.

Khó tìm việc, chi phí tăng cao, cảm giác an toàn tài chính của người trẻ đến từ đâu? - Ảnh 2.

Nga Phùng

Bên cạnh đó, Bảo Trang (28 tuổi, đang là giáo viên luyện thi đại học đồng thời làm việc tự do) chia sẻ rằng thời gian đầu năm cô bạn có gặp chút rắc rối do mới nghỉ việc chuyển sang làm tự do. Tuy nhiên, do có dự phòng trước tài chính rất kỹ và cũng không chi tiêu mua sắm nhiều nên mọi thứ vẫn trong mức kiểm soát ổn.

Theo Bảo Trang, cảm giác an toàn tài chính là khi mình thấy bản thân có khả năng tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau mà không phụ thuộc vào sự ổn định hay bất kỳ ai, chứ không phải tiền có sẵn trong ví. Vì nếu có nhiều tiền trong ví mà mỗi ngày bản thân không tạo ra được thu nhập thì vẫn thấy lo lắng hơn rất nhiều.

Khó tìm việc, chi phí tăng cao, cảm giác an toàn tài chính của người trẻ đến từ đâu? - Ảnh 3.

Bảo Trang

Không dám nghỉ, cố gắng làm việc qua thời gian này

Khánh Linh (26 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ rằng vì công việc hàng ngày luôn lặp đi lặp lại nên có chút mệt mỏi và chán nản. Tuy nhiên, thời điểm này quá khó để tìm việc, lương thưởng của nhiều công ty đã bị cắt giảm nên cô bạn vẫn không dám nghỉ việc.

“Đối với mình, công việc là một phần cuộc sống cũng là công cụ để giúp mình trang trải chi phí sinh hoạt. Đúng là hiện tại mình rất muốn nghỉ việc và mong muốn trải nghiệm một môi trường mới, song điều kiện tiên quyết là mình phải ‘nuôi' được mình đã. Mình đã khảo sát một số trang tuyển dụng và cảm thấy thời điểm này quá khó để tìm việc, số lượng công ty tuyển thêm người cũng rất ít và yêu cầu khá nhiều kỹ năng".

Khánh Linh chia sẻ rằng trong khoảng thời gian bão sa thải, chi phí tăng cao như hiện tại, việc có một công việc ổn định, nhận lương hàng tháng khiến cô bạn cảm thấy an toàn hơn rất nhiều. Cô bạn cũng có một khoản tiết kiệm đề phòng trường hợp xấu nhất là rơi vào “bão sa thải", không còn việc làm, Khánh Linh vẫn có thể sống thoải mái không quá áp lực về tài chính trong 6 tháng.

“Mình nghĩ cảm giác an toàn lớn nhất không phải được làm những điều mình thích mà được phép từ chối làm những điều mình ghét. Dù đang khá chán nản với công việc, mình vẫn có thể phát triển thêm một số kỹ năng ở công ty hiện tại. Hơn thế nữa, mình vẫn đang có thu nhập khá tốt so với độ tuổi, đối với mình vậy là ổn và an toàn - đặc biệt trong thời gian khó khăn này".

Theo Tô Diệp

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên