MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản: Hai nửa sáng tối

04-08-2016 - 10:11 AM | Doanh nghiệp

Trong khi Vĩnh Hoàn (VHC) và Hùng Vương (HVG) gây phấn khích với khoản lãi vượt trội thì Nam Việt (ANV) tạo ra sự chú ý với khoản lỗ lớn.

Sau khi sụt giảm liên tục trong năm 2015, xuất khẩu thủy sản của cả nước từ quý 1/2016 đã có tín hiệu hồi phục, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã đưa ra dự báo, ngành thủy sản trong quý 2 sẽ tiếp tục phục hồi, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sẽ tốt hơn.

Theo đó, mặc dù thời tiết không thuận lợi kéo dài và sự cố ô nhiễm môi trường diễn ra phức tạp, song giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 của Việt Nam vẫn tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ 2015. Kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng đều tăng mạnh, như Mỹ tăng 10,9%, Trung Quốc tăng 49,06%, Thái Lan tăng 9,92% và Anh tăng 8,83%.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên hai sàn chứng khoán, triển vọng tốt hơn đã không xảy ra với tất cả các doanh nghiệp, một bức tranh nửa sáng, nửa tối hiện rõ trong KQKD quý 2 vừa được các doanh nghiệp ngành này công bố.

Mảng sáng

Đầu tiên phải kể đến KQKD ấn tượng của Vĩnh Hoàn (VHC) với mức doanh thu thuần quý 2 của Vĩnh Hoàn đạt 2.066 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. LNST đạt 206,5 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ 2015. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận Vĩnh Hoàn tăng 61% so với cùng kỳ lên 307 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch cả năm. Kết thúc 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Hoàn vào thị trường Mỹ đạt hơn 80 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ, thị trường Trung Quốc và Nhật Bản tăng trưởng gấp đôi so với năm 2015. Với kết quả này, VHC tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu ngành cá tra, với việc đóng góp 16% với giá trị xuất khẩu cả nước (đạt gần 140 triệu USD) và dẫn đầu ngành thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2016.

Sau khoản lãi khiêm tốn 1,5 tỷ đồng ở quý 1/2016, Hùng Vương (HVG) cũng đã trở thành hiện tượng của ngành thủy sản. Riêng quý 3 (niên độ 31/3 đến 30/6), doanh thu thuần đạt 6.612 tỷ đồng, tăng trưởng 45%; Lãi ròng hợp nhất đạt 226 tỷ đồng, tăng trưởng 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty có doanh thu thuần 14,936 tỷ đồng, tăng trưởng 27%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 243 tỷ đồng, tăng trưởng 311%. Được biết vào cuối năm trước, Hùng Vương đã công bố chuyển hướng kinh doanh thêm mảng thức ăn gia súc kết hợp chăn nuôi heo khép kín. Và vào cuối tháng 7 vừa qua, một chuyên cơ riêng chở 750 con heo giống cụ kỵ (GGP) từ Đan Mạch đã về đến Việt Nam. Đây là lô heo giống đầu tiên do Tập đoàn Danbred của Đan Mạch cung cấp cho Hùng Vương theo hợp đồng mua trọn gói 4.200 con (trong đó có 1.500 GGP) ký hồi cuối năm trước. HVG cũng đang đẩy mạnh dự án xây dựng hệ thống trang trại tại An Giang, Long An, Bến Tre, Bình Định và các tỉnh thành khác.

Một doanh nghiệp cùng ngành với VHC là Thực phẩm Sao Ta (FMC) mặc dù lợi nhuận không tăng trưởng nhưng vẫn có thể thấy FMC đã thực sự vượt khó khi doanh nghiệp này liên tục gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn và sự kiện Brexit. Theo đó, doanh thu xuất khẩu từ hoạt động chế biến giảm 71 tỷ đồng với sản phẩm giá trị gia tăng từ tôm giảm gần 70 tỷ đồng, trong khi doanh thu nội địa tăng đến 45%, đạt hơn 67.5 tỷ đồng. Lãi ròng quý 2 đạt hơn 21 tỷ đồng, giảm nhẹ so cùng kỳ năm trước. Tính trong 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 1.182 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 36 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), Nông nghiệp Hùng Hậu (SJ1) cũng lọt vào danh sách các doanh nghiệp thủy sản có kết quả lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, thậm chí AGF còn là doanh nghiệp thủy sản có mức tăng trưởng doanh thu tốt nhất (tăng 55,7%)

Mảng tối

Ở chiều ngược lại, Nam Việt (ANV) đã gây bất ngờ với khoản lỗ lớn lên tới 112 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tăng trưởng 37%, nhưng do ghi nhận hơn 53 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi và khoản lỗ 114,5 tỷ đồng từ hoạt động liên doanh liên kết - đây chính là khoản lỗ do công ty DAP2 – Vinachem gây lên. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, ANV đạt 1.341 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 22% so với cùng kỳ, LNST âm 107 tỷ đồng. Được biết trong thời kỳ hoàng kim của mình, Nam Việt (Navico) từng là công ty lớn nhất ngành xuất khẩu cá tra, khi đó bỏ xa Vĩnh Hoàn hay Hùng Vương. Nhưng từ năm 2009 trở lại, công ty đã mất dần vị thế.

Thủy sản Việt Nhật (VNH) tiếp tục công bố mức lỗ hơn 5,5 tỷ đồng trong quý 2 – Đây cũng là quý thứ 11 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ, lũy kế 6 tháng VNH lỗ ròng 6,5 tỷ đồng. Đáng chú ý sau 5 quý không có doanh thu, thì đến quý 2 VNH đã có hơn 10 tỷ đồng doanh thu từ bán cá ngừ nguyên liệu, tuy nhiên mặt hàng này đã tồn kho từ tháng 7,8/2014, hàng bị thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên có mùi gắt dầu, chất lượng giảm, công ty phải bán hạ giá nên lỗ 4,5 tỷ đồng. VNH đã lỗ liên tiếp trong 2 năm 2014 và 2015, để thoát án hủy niêm yết năm 2016 công ty dự kiến lãi 4,5 tỷ đồng.

XNK Thủy sản Bến Tre (ABT) cũng đã công bố mức lợi nhuận quý 2 giảm 19%, 6 tháng lãi giảm 35% so với cùng kỳ do chi phí trích BHXH tăng so với năm 2015, tiền lương tăng 15% và nước mặn kéo dài ảnh hưởng đến chi phí nuôi cá. Ngoài ra, Thủy sản Cà mau (CMX) và Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) cũng công bố mức lợi nhuận quý 2 lần lượt giảm 21% và 24% so với cùng kỳ.

Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do nhiều yếu tố: giá giảm, biến động tiền tệ, các rào cản phi thuế quan, thuế chống bán phá giá, thiếu nguyên liệu… Tuy nhiên SSI Retail Research cho rằng, thủy sản sẽ là 1 trong 6 nhóm ngành đáng chú ý trong 6 tháng cuối năm. Trong ngành thủy sản, SSI Retail Research chú ý cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn – nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất và cổ phiếu FMC – CTCP Thực phẩm Sao Ta – nhà xuất khẩu tôm hàng đầu. Trong đó VHC được hưởng lợi trong năm 2016 nhờ không bị áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ và mảng collagen và gelatin sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận từ năm 2016. FMC mở rộng thêm 50ha vùng nuôi giúp tăng sản lượng tôm nguyên liệu thêm 30%.

Tú Anh

HNX&HSX

Trở lên trên