MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận ngân hàng khả quan là tín hiệu đáng mừng

21-06-2021 - 06:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Lợi nhuận ngân hàng khả quan là tín hiệu đáng mừng

Theo các chuyên gia, ngân hàng được xem là huyết mạch của nền kinh tế, ở tầm vĩ mô, khi hoạt động ngân hàng ổn định, lợi nhuận khả quan thì sẽ tạo nền tảng vững chắc để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô. Đây sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng để duy trì và nâng hạng tín nhiệm quốc gia, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Thành
Ông Nguyễn Xuân Thành
Giảng viên Chính sách Công- Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và Nhà nghiên cứu của Viện Rajawali về Châu Á tại Trường Harvard Kennedy
23 bài viết

Mới đây, Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm của 15 ngân hàng Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hàng tín nhiệm, gồm Moody’s, S&P và Fitch Ratings đồng loạt nâng triển vọng lên tích cực, qua đó các tổ chức đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh và ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới.

Ngân hàng khỏe – Nền tảng vững chắc để hỗ trợ phục hồi kinh tế

Nhìn vào báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại cuối năm 2020 và đầu năm 2021, ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam-cán bộ nghiên cứu cao cấp của Trường Harvard Kenedy thuộc Đại học Harvard, nêu quan điểm, trong bối cảnh chung hiện nay, việc các ngân hàng thương mại đạt được tỷ suất lợi nhuận bình quân cao là rất tích cực, đảm bảo sức mạnh, sức khỏe của các ngân hàng. Ông nói: "Trước đây khoảng 10 năm, chúng ta từng lo lắng cho sức khỏe ngân hàng khi nhiều ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu. Trong những năm gần đây, các ngân hàng còn phải đảm bảo đủ vốn, đáp ứng theo chuẩn Basel II. Việc lợi nhuận cao sẽ giúp ngân hàng bổ sung vốn. Việc ngân hàng có đủ vốn, hoạt động lành mạnh là cơ sở vững chắc để trong giai đoạn hậu Covid-19, hệ thống ngân hàng có thể hỗ trợ rất nhiều cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế".

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân của các ngân hàng có báo cáo tài chính là khoảng 14,5%. Tỷ suất này chỉ nhỉnh hơn một chút so với một số ngành khác như mức 13,8% của logistic và hàng tiêu dùng hay mức 12% của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, nhưng cũng thấp hơn một số ngành khác cụ thể là ngành bất động sản (17%). "Tỷ suất lợi nhuận 14,5% cũng rất khả quan trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ Covid-19"- ông đánh giá.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, ngành ngân hàng được xem là huyết mạch của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng và phục hồi kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô. Nếu ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan thì sẽ có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, thông qua giảm lãi suất, cung ứng vốn và nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp. Ở tầm vĩ mô, cùng với kết quả trong điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng ổn định, lành mạnh sẽ góp phần gia tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đối với hệ thống tài chính tiền tệ và môi trường đầu tư của Việt Nam, điều đó có ý nghĩa trong việc duy trì và nâng xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, từ đó thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành nhận định, khác với những nền kinh tế khác, ngành tài chính ngân hàng Việt Nam ít chịu tác động trong ngắn hạn của Covid-19. Các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục có thể đẩy mạnh tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt thực hiện mục tiêu kép ( vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi, vừa phải kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô). Với việc giảm lãi suất đầu vào cũng giúp ngân hàng duy trì tỷ lệ lãi ròng (chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay) từ đó giữ được lợi nhuận khả quan.

Thực tế, nhìn vào nội bộ ngành, tỷ suất lợi nhuận cũng biến thiên giữa các ngân hàng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cho biết, nhóm top đầu tỷ suất lợi nhuận có thể lên tới 20-27%, nhóm cuối chỉ từ 5-7%. "Nhóm ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận cao, điều này có thể đến từ việc quản trị, đổi mới các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, nhiều ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động, mở rộng được thị trường, tiếp cận được doanh nghiệp tốt, phát triển tín dụng tiêu dùng, đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán số thường có mức lợi nhuận cao" - ông Thành nói.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu nhìn vào kết quả tín dụng so với cùng kỳ năm 2020 thì có thể nói, lợi nhuận của các ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2021 có một phần vẫn đến từ hoạt động cho vay. Đến hết quý I/2021, tín dụng đã dần hồi phục khi gần đạt mức 3% (cao hơn mức 1,3% cuối tháng 3/2020 và gần bằng mức tăng 3,26% vào cuối tháng 6/2020), đến cuối tháng 6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế ước tăng 6% so với cuối năm 2020.

Thêm nữa, sự cải thiện kết quả kinh doanh của hệ thống TCTD còn đến từ hoạt động phi tín dụng như dịch vụ, nhờ đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán.

Ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích, trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản trị, điều hành, tích cực chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm được chi phí, nhờ đó tối đa hóa lợi nhuận. Các ngân hàng đã ứng dụng nhiều công nghệ đột phá vào hoạt động nghiệp vụ để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, tiện lợi mang lại trải nghiệm, lợi ích thiết thực cho khách hàng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng, từ đó thu hút lượng lớn khách hàng, gia tăng lợi nhuận từ dịch vụ.

Ngoài ra, kênh bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) đang là động lực giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận. Một số phân tích khác cho rằng, nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận "khủng" thời gian qua là do thị trường chứng khoán bùng nổ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng lên mạnh chính là kênh tạo lợi nhuận khá lớn cho các ngân hàng. Còn Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng giải thích thêm nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận "khủng" của nhiều ngân hàng thương mại còn do kết quả thu hồi nợ xấu, khi các ngân hàng đã nỗ lực với việc bán, phát mại tài sản này và thu về được khoản lợi nhuận khổng lồ, hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, các ngân hàng thương mại hiện không bị áp lực trích lập dự phòng khi lộ trình trích lập dự phòng được kéo dài trong 3 năm và cho phép giữ nguyên nhóm nợ với nhiều khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Điều này cũng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong Quý I/2021.

Ngân hàng đang "tiết kiệm" được khoản trích lập dự phòng rủi ro

Cụ thể, theo các chuyên gia, kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại thời gian gần đây chỉ là kết quả được ước tính từ chênh lệch thu - chi và thường sẽ thấp hơn khi các ngân hàng công bố báo cáo tài chính, nhất là vào cuối năm khi các ngân hàng trích lập đủ dự phòng rủi ro, khi đó con số lợi nhuận sẽ giảm.

Hơn nữa, rủi ro liên quan đến giảm lợi nhuận của tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn còn lớn khi các khoản lãi dự thu, các khoản nợ xấu tiềm ẩn vẫn ở mức cao, đặc biệt khi thực hiện theo quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (có hiệu lực từ 17/5/2021) trong đó yêu cầu các TCTD phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo lộ trình. Cụ thể, Thông tư 03 yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung và thực hiện phân bổ số tiền này trong 3 năm, tối thiểu 30% tại thời điểm cuối năm 2021, tối thiểu 60% tại thời điểm cuối năm 2022 và 100% tại thời điểm cuối năm 2023.

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) nhận xét, báo cáo lợi nhuận của hệ thống ngân hàng chưa phản ánh đầy đủ, bởi vì vào cuối năm các ngân hàng mới trích lập đủ dự phòng rủi ro, khi đó các khoản lãi sẽ giảm.

Ông Lực phân tích: "Thông tư 03 của NHNN cho phép ngân hàng chưa phải chuyển nhóm nợ với các khoản nợ cơ cấu lại, khoảng 357.000 tỉ, để cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Đó là chính sách tôi cho là khá nhân văn. Đến cuối năm nay, các ngân hàng bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro cho phần tín dụng tiềm ẩn nợ xấu (khoảng 40.000 - 44.000 tỷ đồng). Khoản này sẽ được trừ vào lợi nhuận của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng sẽ không còn mức lãi "khủng" như báo cáo".

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, với những quy định tại Thông tư 03, khách hàng vay, chủ yếu là các doanh nghiệp chính là người hưởng lợi trước tiên từ chính sách này, còn TCTD vẫn phải có trách nhiệm thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản vay này (theo lộ trình), khi đó, con số lợi nhuận sẽ giảm tại một số TCTD. Đối với doanh nghiệp, phạm vi khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ được mở rộng hơn so với Thông tư 01. Do vậy, Thông tư 03 sẽ hỗ trợ được nhiều khách hàng (doanh nghiệp) hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn. Quy định mới còn khuyến khích TCTD cho vay mới khách hàng để duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện trả nợ đúng hạn cho TCTD theo thời hạn cơ cấu lại do tạm thời chưa phải ghi nhận rủi ro thực tế đối với số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 (thông qua việc giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng).

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thực hiện quy định tại Thông tư 03 nói trên giúp các ngân hàng "tiết kiệm" được chi phí dự phòng cho năm 2021 và 2022, đồng nghĩa với lợi nhuận ngân hàng "phình" lên cho năm nay và năm sau từ khoản "tiết kiệm" này. Ông nói: "Các khoản nợ xấu nếu không được cải thiện thì sự thiệt hại không đến trước cũng sẽ đến sau. Điều này còn liên quan đến sức khỏe của doanh nghiệp khi chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 làm suy giảm khả năng trả nợ, nguy cơ nợ xấu sẽ gia tăng trong tương lai. Nếu bây giờ dự phòng ít (của để dành ít) thì trong tương lai phải lấy lợi nhuận ra bù đắp cho thiệt hại khi nợ xấu không thu hồi được".

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cũng nhìn nhận, hiện nay, các ngân hàng dù vẫn tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro nhưng nợ xấu dưới tác động của Covid-19 chưa xuất hiện nhiều, cuối năm 2020 và Quý I năm 2021 lợi nhuận thời điểm này chưa phản ánh được nợ xấu có thể phát sinh. Trong thời gian tới, dưới tác động của Covid vẫn tiếp diễn rất phức tạp, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại có thể không được cao như cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã có những chính sách, giải pháp kịp thời, thiết thực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, điển hình là việc ban hành Thông tư 01 và Thông tư 03 sửa đổi Thông tư 01.

Theo số liệu của NHNN, đến ngày 17/5/2021, các TCTD đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 260 nghìn khách hàng với dư nợ trên 347 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho hơn 675 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1, 2 triệu tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến cuối tháng 5/2021 đạt trên 3,4 triệu tỷ đồng cho hơn 476 nghìn khách hàng.

Ngoài ra, để giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân, NHNN đã điều chỉnh giảm 3 lần lãi suất điều hành trong năm 2020, theo đó, mặt bằng lãi suất liên tục giảm (đến cuối tháng 4/2021, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm khoảng 0,3% so với cuối năm 2020). Nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, các ngân hàng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, cũng như nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay.

Phương Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên