Lọt top 10 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới, VnIndex sẽ tiếp tục “thăng hạng” trong những tháng cuối năm?
Tính tới hết phiên giao dịch 6/10, VnIndex đã tăng 21,6% so với đầu năm, mức tăng trưởng tốt nhất Đông Nam Á và đứng thứ 10 trên Thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch 6/10, chỉ số VnIndex dừng tại 807,8 điểm, mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. So với thời điểm đầu năm 2017, VnIndex hiện đã tăng 21,6%, mức tăng trưởng tốt nhất Đông Nam Á và đứng thứ 10 trên Thế giới.
Việt Nam lọt top 10 TTCK tăng trưởng tốt nhất Thế giới từ đầu năm tới nay
Việc TTCK Việt Nam có mức tăng trưởng tốt hơn so với các thị trường trong khu vực có một phần nguyên nhân của hoạt động giao dịch khối ngoại khi họ mua ròng khá mạnh tại Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng 625 triệu USD trên HoSE và HNX, trong khi Thái Lan chỉ được mua 280 triệu USD, Indonesia thậm chí bị bán ròng hơn 800 triệu USD. Pakistan, thị trường vừa được nâng hạng lên Emerging Market cũng bị bán ròng 427 triệu USD trong cùng giai đoạn.
Khối ngoại mua ròng hỗ trợ đà tăng trưởng của TTCK Việt Nam
Mặc dù VnIndex đã tăng khá mạnh trong ¾ quãng đường năm 2017 nhưng so với các thị trường trong khu vực thì mức định giá Việt Nam hiện không quá cao. Theo đó, P/E VnIndex hiện đang ở quanh mức 16, thấp hơn so với P/E Thái Lan (Set Index) là 17,1; Indonesia (JCI Index) 23 và Philippines (PCOMP Index) 22,7. Bên cạnh đó, định giá P/B của Việt Nam hiện chỉ là 2,3, trong khi P/B Indonesia và Philippines hiện là 2,5.
Định giá Việt Nam vẫn thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực
VnIndex sẽ tiếp tục bứt phá trong những tháng cuối năm?
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng GDP quý 3 đột ngột tăng trưởng mạnh 7,46%, đưa mức tăng trưởng 9 tháng lên mức 6,41% là tín hiệu rất tích cực. Khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đóng góp lần lượt 2,45% và 2,8% mức tăng chung.
Ngoại trừ CPI tăng khá 0,59% do tăng giá xăng và tăng giá dịch vụ giáo dục các chỉ tiêu vĩ mô khác đều có chuyển biến đáng ghi nhận, như FDI đăng ký và giải ngân tăng 30% và 13,4% so cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 10,5%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9%; Tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng tăng lần lượt 9,6% và 11%. Cùng với chủ trưởng nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% hoàn toàn khả thi trong năm nay. Đây tiếp tục là bệ đỡ quan trọng giúp TTCK thu hút dòng tiền tạo đà tăng trưởng trong quý 4.
Hội nghị cấp cao APEC sẽ được tổ chức vào tháng 11 tại Việt Nam. Nhiều nguyên thủ hàng đầu, trong đó có tổng thống Donald Trump sẽ tham dự, đây cũng là cơ hội rất lớn cho Việt Nam thúc đẩy, tăng cường hợp tác kinh tế và quảng bá hình ảnh ra thế giới. TTCK cũng sẽ hưởng lợi từ sự kiện này.
Quý 4 sẽ là tâm điểm cho hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa các Công ty lớn. Nhiều công ty lớn như VNM, SAB, BHN, lọc dầu Bình Sơn, Pvoil, ... đang được xây dựng phương án thoái vốn và cổ phần hóa. Thị trường có cơ hội thu hút lượng vốn lớn từ NĐT trong nước và quốc tế. Cùng với HĐTL chỉ số VN30, chứng quyền có đảm bảo dự kiến đưa và hoạt động trong tháng 11, hứa hẹn là sản phẩm mang tính đột phá cho TTCK.
Trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường hiện tại, BSC cho rằng VnIndex hoàn toàn có thể đạt mức 820-850 điểm vào cuối năm.
Trường hợp tích cực, VnIndex sẽ tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới với sự hỗ trợ các của cổ phiếu Bluechips và luân chuyển giữa các nhóm ngành có tỷ trọng lớn như Ngân hàng, BĐS, Tiêu dùng, và Sản xuất. Thị trường có nhịp rung nhẹ vào nửa đầu tháng 10 và tăng trở lại vào cuối tháng đó nhận thông tin QKKD quý 3. Chính sách nới lỏng tiền tệ thẩm thấu và giúp thanh khoản hồi phục. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng, những cổ phiếu lớn có hoạt động thoái vốn nhà nước sẽ vẫn là trụ cột của thị trường.
Trường hợp tiêu cực, VnIndex sẽ quay lại dưới 780 điểm khi có thông tin bất lợi trong nước và quốc tế. Đồng thời khối ngoại chuyển sang trạng thái bán ròng cùng với xu hướng ở thị trường khu vực.
Dù vậy, kịch bản 1 vẫn được BSC đánh giá cao sẽ xảy ra nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ theo đuổi tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, cải thiện lợi nhuận của các Doanh nghiệp niêm yết đặc biệt trong lĩnh vực Tiêu dùng, Ngân hàng và BĐS, hoạt động mua vào tích cực của khối ngoại, sự mở rộng hoạt động đầu tư của NĐT nội.