Luật chưa có bộ Giao thông vẫn ký, kiểm toán cắt thu phí, đại gia BOT phản ứng
Bộ Giao thông vận tải ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT một số điều khoản mà pháp luật chưa quy định. Kiểm toán Nhà nước yêu cầu loại trừ chi phí này, nhưng nhà đầu tư phản ứng.
- 22-09-2019Gỡ khó cho các nhà đầu tư BOT
- 15-08-2019Báo cáo kết quả kiểm điểm vi phạm về BOT: Chính phủ đã chậm gần 1 năm
- 06-07-2019Sai phạm tại 15 dự án BT, BOT làm thất thoát ngân sách
Cam kết với nhà đầu tư khi chưa có quy định pháp luật
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến kết luận Kiểm toán Nhà nước các dự án BOT năm 2017.
Còn cách hiểu khác nhau trong việc xác định chi phí một số dự án BOT.
Theo kết luận Kiểm toán Nhà nước, một số dự án đưa một số nội dung chưa có trong quy định vào phương án tài chính để hoàn vốn. 5/75 dự án tính lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong quá trình thi công hơn 1.400 tỷ đồng. 9/75 dự án tính chi phí bảo toàn vốn trong thời gian khai thác là hơn 940 tỷ đồng chưa phù hợp.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 14 dự án giao thông BOT vì có nội dung chưa có trong quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng. Thế nhưng, các nhà đầu tư đồng loạt phản ứng.
Thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo đàm phán điều chỉnh hợp đồng dự án để loại trừ các chi phí trên song căn cứ điều 4 Bộ luật dân sự năm 2005, các nhà đầu tư không đồng ý.
Đầu 2019, một loạt doanh nghiệp như Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh, công ty CP BOT quốc lộ 20, công ty TNHH BOT QL1K, Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa, Công ty CP xây dựng công trình 545, TASCO… đồng loạt có văn bản không đồng ý.
Các DN này cho rằng mức lãi suất bảo toàn vốn áp dụng cho nhà đầu tư là 4,8%/năm trong suốt thời gian thực hiện dự án. Bởi vì trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhà đầu tư phải huy động vốn của cổ đông và các tổ chức tín dụng khác để đảm bảo nguồn vốn theo kế hoạch hợp đồng, nhà đầu tư phải trả lãi vay cũng như cổ tức cho các cổ đông góp vốn.
“Nếu như trước đây Bộ Giao thông vận tải không tính khoản chi phí bảo toàn vốn trên vào dự án thì nhà đầu tư sẽ không ký kết hợp đồng đầu tư dự án do không đảm bảo phương án tài chính thu hồi vốn cũng như tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư”, một nhà đầu tư cho biết.
Còn TASCO lo ngại việc loại trừ các chi phí trên gây tổn thất cho nhà đầu tư, không đảm bảo việc thu hồi vốn.
Trên thực tế, 14 hợp đồng này đều được đàm phán và ký kết trong thời điểm từ 2002-2009. Pháp luật về BOT khi đó được quy định tại Nghị định 77 và Nghị định 78.
Do chưa có quy định của Nhà nước về cách xác định chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu và lợi nhuận cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đàm phán với nhà đầu tư và xác định trong hợp đồng dự án: Đối với các hợp đồng BOT thực hiện theo Nghị định 77 và Nghị định 78 năm 2007 trong tổng mức đầu tư có bao gồm phí bảo toàn vốn đầu tư trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong thời gian khai thác và lợi nhuận của nhà đầu tư trong thời gian xây dựng tùy từng hợp đồng cụ thể.
Hợp đồng thực hiện Nghị định 77, mức chi phí này với nhà đầu tư trung bình là 4,8%/năm, thời gian thu phí tạo lợi nhuận từ 2-3 năm.
Nghị định 78, lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu trong giai đoạn xây dựng theo từng thời điểm đàm phán hợp đồng từ 11-17%/năm và thời gian thu phí tạo lợi nhuận 3-4 năm.
Còn tại các hợp đồng thực hiện theo Nghị định 108, lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu trong giai đoạn xây dựng theo thời điểm đàm phán hợp đồng là 14%/năm.
Đáng chú ý, tại thời điểm ký hợp đồng, Nghị định 77 và Nghị định 78 không quy định cụ thể và hướng dẫn cách tính chi phí bảo toàn vốn, lợi nhuận của nhà đầu tư trên vốn chủ sở hữu.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng quyết
Cho ý kiến về nội dung này, Bộ Tài chính cho rằng chi phí bảo toàn vốn trong thời gian xây dựng và khai thác giai đoạn trước khi Nghị định 108/2009 có hiệu lực chưa được pháp luật quy định cụ thể. Tại các văn bản của Bộ tư pháp, Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến việc xử lý thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện và hợp đồng dự án đã ký.
Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT làm việc với Kiểm toán Nhà nước thống nhất quan điểm xử lý, báo cáo Thủ tướng những vướng mắc (nếu có).
Sau khi làm việc qua lại với Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải được phía kiểm toán trả lời rằng để đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân, nhà nước và nhà đầu tư, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ xem xét quyết định. Kiểm toán Nhà nước thống nhất thực hiện theo ý kiến kết luận của Chính phủ.
Báo cáo Thủ tướng mới đây, Bộ Giao thông vận tải cho rằng nội dung các hợp đồng ký kết trước thời điểm 27/11/2009 đều không trái với quy định của pháp luật thời kỳ đó.
Theo Bộ Giao thông vận tải, các đoàn thanh tra của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT thực hiện đều căn cứ hợp đồng và điều khoản chuyển tiếp của Thông tư 166 năm 2011 của Bộ Tài chính và không yêu cầu giảm trừ các chi phí có liên quan như nói ở trên.
Do vậy, Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư thống nhất tính chi phí lợi nhuận và chi phí bảo toàn vốn chủ sở hữu vào phương án tài chính một số dự án và việc tính toán này không trái với điều 4 Bộ Luật dân sự năm 2005. Bộ này đề nghị được quyết toán dự án theo hợp đồng đã ký với nhà đầu tư.
Vietnamnet