MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Cần tính toán kỹ để đảm bảo khả thi

24-10-2022 - 11:30 AM | Kinh tế số

Bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế. Ảnh minh họa

Bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế. Ảnh minh họa

Để sửa Luật Giao dịch điện tử, các chuyên gia cho rằng, cần tính toán, cân nhắc kỹ việc mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội...

“Lộ” nhiều bất cập

Theo đó, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung, cụ thể:

Thứ nhất , phạm vi điều chỉnh chưa phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển GDĐT hiện nay. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính.

Việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đang bị loại trừ.

Thứ hai , Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như: thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy... Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.

Thứ ba , các quy định về hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 còn thiếu quy định mang tính chất đặc thù trong hợp đồng điện tử như quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết qua hệ thống thông tin tự động.

Thứ tư , các quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã có, tuy nhiên cần phải bổ sung các quy định cụ thể như các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước… để bảo đảm các hoạt động của cơ quan nhà nước được ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm công tác: quản trị nội bộ, chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công, giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Thứ năm , Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu nhưng chưa đồng bộ với một số nội dung về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018 và chưa được cụ thể hóa để bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng trong giao dịch điện tử, do vậy, cần cụ thể hóa nội dung này trong dự thảo Luật.

Thứ sáu , hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử nhưng chưa được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Thực tế đã có một số văn bản dưới luật quy định liên quan đến nội dung này nhưng chưa được luật hóa như nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử…

Bởi việc quản lý, phát triển hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là không thể thiếu, vì đây là thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế số; là trung gian giao dịch giữa người dùng cuối và người dùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để kiểm soát các nền tảng số có người dùng lớn và rất lớn nhằm hạn chế sự bất bình đẳng, sự phát triển lành mạnh, hiệu quả của thị trường và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Cần tính toán kỹ để đảm bảo khả thi - Ảnh 1.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi số. Ảnh minh họa

Tính toán kỹ để đảm bảo khả thi

Được biết, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số, chủ động chuyển đổi số; khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, như giao dịch trong môi trường thực; khuyến khích giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy.

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 chương và 57 điều (Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có kết cấu gồm 8 chương và 54 điều). Nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý là phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử mở rộng tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội.

Ngoài dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử (dịch vụ chữ ký số công cộng) và dịch vụ cấp dấu thời gian đã triển khai, dự thảo Luật bổ sung dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu. Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu là dịch vụ của bên thứ ba (độc lập) xác nhận một thông điệp dữ liệu là đáng tin cậy, gồm: Tính nguyên vẹn, tính chống chối bỏ, tính sẵn sàng. Việc thiếu các hoạt động bảo đảm của bên thứ ba cho hoạt động giao dịch điện tử là rào cản lớn nhất cho việc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, khi mở rộng phạm vi thực hiện được những giao dịch điện tử yêu cầu cần có sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng mà hạ tầng công nghệ, kỹ thuật không đồng bộ, thì khi áp dụng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào cuộc sống rất khó khả thi.

“Ở nhiều nước phát triển không mở rộng giao dịch điện tử hết ở các lĩnh vực, trong đó có vấn đề các giao dịch liên quan đến đất đai. Nếu mở rộng phạm vi thì mở rộng đến đâu, trong thời gian bao nhiêu năm và phải đảm bảo tính khả thi khi Luật được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, Ban soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội…”, ông Tùng đề xuất.

Theo Khôi Nguyên

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên