MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luộc rau nên đậy vung hay mở vung? Hóa ra nhiều bà nội trợ kinh nghiệm cũng làm sai, mất hết dưỡng chất

19-04-2024 - 05:02 AM | Sống

Rau xanh là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể. Nếu luộc rau, nấu canh rau không đúng cách sẽ làm mất hết vitamin trong rau, chỉ còn lại chất xơ.

Khi luộc rau, nhiều bà nội trợ thường có thói quen mở vung. Điều này nhằm giúp cho rau xanh ngon, đẹp mắt. Tuy nhiên theo TS. Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, rau khi luộc, nấu canh, xào, hấp đều ít nhiều bị hao hụt dưỡng chất. Cần biết cách chế biến, nấu đúng để giữ lại được vitamin, khoáng chất trong rau.

Thông thường, vitamin trong rau sẽ hao hụt theo thời gian từ lúc cắt rau, sơ chế và trong quá trình nấu rau. Khi luộc rau, nếu mở vung nồi có thể rau sẽ xanh và đẹp mắt nhưng vitamin cũng sẽ bay theo hơi và hao hụt. TS Từ Ngữ cho rằng, để giữ lại dưỡng chất trong rau, mọi người không nên mở nắp vung nồi khi luộc hoặc nấu canh.

Trong trường hợp không muốn rau luộc bị vàng và vẫn giữ được dưỡng chất trong rau, mọi người chỉ thả rau vào nồi nước luộc khi nước đã sôi già. Vì nếu cho rau vào từ khi nước lạnh, vitamin có trong rau sẽ bị hòa tan trong nước trong suốt quá trình nước nóng dần tới khi sôi. Khi rau chín, lượng vitamin đã mất gần như hết.

Để rau không bị vàng, vị chuyên gia dinh dưỡng tư vấn mọi người có thể làm theo cách sau: Khi nước sôi già, cho rau vào đảo một lần rồi đậy vung lại. Đợi nước sôi trở lại, đảo rau một lần nữa rồi đậy vung, đợi nước sôi và vớt ra ngay. Với cách luộc này, giá trị dinh dưỡng trong rau sẽ không bị hao hụt nhiều mà rau vẫn có màu xanh đẹp.

Ngoài ra, mọi người cũng cần lưu ý không luộc rau quá lâu vì thời gian tiếp xúc với nhiệt dài thì lượng vitamin cũng giảm đi.

Luộc rau nên đậy vung hay mở vung? Hóa ra nhiều bà nội trợ kinh nghiệm cũng làm sai, mất hết dưỡng chất- Ảnh 1.

Luộc rau (ảnh minh họa).

Sơ chế rau đúng cách để tránh mất dưỡng chất

TS Từ Ngữ cho biết, ngoài việc luộc rau đúng cách thì bước sơ chế rau cũng cực kỳ quan trọng, quyết định giá trị dinh dưỡng của rau. Theo đó, khi mua rau về mọi người cần nhặt lá vàng, rửa sạch. Lưu ý khi rửa rau không được vò nát rau vì các vitamin sẽ phôi ra, hòa tan trong nước.

Với một số loại rau dễ bị dập nát như mùng tơi, rau đay, rau ngót, mướp... thì không nên cắt nhỏ trước khi rửa, lúc rửa rau cũng cần nhẹ nhàng, tránh vò mạnh để hạn chế làm hao hụt chất dinh dưỡng.

Cách chọn rau an toàn

Theo vị Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam, rất khó có thể phân biệt rau sạch, rau "bẩn" có hóa chất bằng mắt thường. Do vậy, để chọn rau an toàn, ông đưa ra 4 nguyên tắc:

- Ưu tiên chọn rau chính vụ sẽ hạn chế được việc dùng thuốc bảo vệ thực vật

- Ưu tiên chọn các loại rau ít sâu bệnh sẽ hạn chế được việc có thuốc trừ sâu như rau muống, rau ngót...

- Ưu tiên ăn rau củ, quả.

- Ăn đa dạng nhiều loại rau trong cùng một bữa ăn.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức tiêu thụ rau quả tối thiểu là 400g/người/ngày. Lượng rau quả này không bao gồm khoai tây và các loại củ giàu tinh bột khác để ngăn ngừa các bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư, đái tháo đường và béo phì, cũng như ngăn ngừa và giảm thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng.

WHO cũng nhấn mạnh rằng, 400g rau quả/ngày là mức khuyến nghị tối thiểu. Các quốc gia, vùng lãnh thổ có thể tùy thuộc vào đặc điểm tự nhiên, tập quán ăn uống của người dân để xây dựng các mức khuyến nghị riêng, tuy nhiên không nên dưới mức 400g/người/ngày.

Theo Ngọc Minh

Đời sống pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên