Lý do chưa đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2021
Để đưa ra phương án cuối cùng khuyến nghị Chính phủ là chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, Hội đồng tiền lương quốc gia đã nhóm họp 2 phiên, dù còn 1 số ý kiến chưa đồng thuận, đặc biệt đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã không bỏ phiếu.
- 04-11-2020Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dù một hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải bằng hoặc tốt hơn trước đây
- 03-11-2020Bộ trưởng Bộ GTVT: Nâng giao thông cao tốc ĐBSCL lên hơn 300 km
- 03-11-2020Business Times: Triển khai Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN qua Việt Nam
Bộ LĐ-TB&XH - cơ quan giữ ghế Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia vừa báo cáo Chính phủ khuyến nghị về việc hội đồng này thống nhất chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19.
Được biết, để đi đến phương án khuyến nghị cuối cùng này, rất nhiều vấn đề được đưa ra “mổ xẻ”, tranh luận, thậm chí có thành viên không bỏ phiếu.
Hội đồng tiền lương quốc gia tổ chức 2 phiên thương lượng về lương tối thiểu vùng năm 2021. Hội đồng đã thực hiện các bước đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới kinh tế - xã hội, sản xuất của doanh nghiệp, việc làm, đời sống của người lao động.
Tại phiên họp lần thứ nhất diễn ra hồi tháng 6, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đã đưa ra báo cáo: Lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng từ 150 - 240 nghìn đồng/tháng/vùng (tăng từ 5,1% - 5,7%) so với năm 2019. Mức tăng này dựa trên cơ sở tính toán chỉ số giá tiêu dùng năm 2019-2020 tăng khoảng 4%/năm. Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng năm 2019 chỉ tăng hơn 2,7%, nên mức lương áp dụng năm 2020 đã cao hơn 1,51% so với mức sống tối thiểu.
Trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới nền kinh tế - xã hội, bộ phận kỹ thuật đưa ra 2 phương án cho lương tối thiểu vùng năm 2021. Phương án 1 là không tăng, phương án 2 là tăng khoảng 2,5% nhưng thực hiện từ ngày 1/7/2021 (thay vì ngay từ đầu năm như thông lệ).
Phía đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đề nghị chưa xem xét mức lương tối thiểu tại thời điểm này (tháng 6), để cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 mới xem xét theo diễn biến của dịch COVID-19.
Trong khi phía đại diện chủ sử dụng lao động (VCCI, đại diện hiệp hội doanh nghiệp) đề nghị chưa tăng lương vì doanh nghiệp, nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, phải có thời gian để phục hồi.
Phiên họp thứ nhất của Hội đồng tiền lương quốc gia tạm khép lại khi chưa có phương án nào được lựa chọn.
Tháng 8/2020, Hội đồng tiền lương quốc gia nhóm họp phiên thứ 2, trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát lần thứ 2 tại Việt Nam.
Tại phiên họp thứ 2 này, đại diện người lao động đề xuất 2 phương án, là tăng lương từ 1/7/2021, mức tăng từ 110.000 - 180.000 đồng (bình quân tăng 3,95%) so với mức lương thực hiện năm 2020; phương án 2 là tăng lương từ ngày 1/1/2021, mức tăng từ 80.000 - 110.000 đồng (tăng bình quân 2,5%) so với năm 2020.
Trong khi đó, đại diện giới chủ sử dụng lao động tiếp tục bảo lưu quan điểm không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, đại diện Bộ LĐ-TB&XH đưa ra quan điểm không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, chưa ban hành lương tối thiểu theo giờ để phù hợp với việc chưa tăng lương.
Đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH dựa trên các cơ sở gồm: Bộ Luật lao động không quy định bắt buộc hàng năm phải điều chỉnh lương tối thiểu; tác động của dịch COVID-19 khiến tăng trưởng kinh tế giảm, thị trường lao động bất ổn khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao (tăng 2,26%, tương ứng 1,2 triệu người không có việc làm); tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn tác động lên lao động việc làm và thu nhập; trong khi đó lương tối thiểu tăng liên tục các năm từ 2008-2020, mức tăng bình quân 15,5% mỗi năm, và mức tăng lương năm 2020 đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51%.
Ngoài ra, hiện Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo việc làm cho người lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên chính sách tiền lương tối thiểu cũng cần theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tăng lương cơ bản cũng được lùi lại tới 1/7/2022 (thay vì tăng từ 1/7/2021).
Sau khi có ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH, đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương đã thay đổi đề xuất theo hướng chưa tăng lương tối thiểu tới hết tháng 6/2021, sau đó có thể xem xét tăng lương từ ngày 1/7/2021 trở đi.
Trên cơ sở kết quả thảo luận, thương lượng của cả 3 bên, mặc dù còn có vấn đề chưa thống nhất. Tuy nhiên, các bên đều đồng thuận cần tạo điều kiện và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cùng với đó, tiền lương tối thiểu cần công bố sớm để doanh nghiệp chủ động lên phương án sắp xếp sản xuất, bố trí việc làm cho người lao động.
Sau đó Hội đồng tiền lương đã bỏ phiếu lựa chọn phương án lương tối thiểu vùng năm 2021 để khuyến nghị Chính phủ là chưa tăng trong năm tới.
Kết quả, trong số 13 thành viên Hội đồng dự họp, có 9 phiếu thu về (4 thành viên đại diện phía Tổng Liên đoàn Lao động không bỏ phiếu). Tất cả 9 phiếu đều lựa chọn phương án chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, chưa quy định lương tối thiểu theo giờ. Do đó, Hội đồng đã khuyến nghị Chính phủ theo phương án này.
Hội đồng cũng phân tích, trong ngắn hạn (trong năm 2021) nếu chỉ số giá tiêu dùng tăng cao (trên 2,5%) thì tiền lương tối thiểu thực tế sẽ bị giảm so mức sống tối thiểu của người lao động.
Lương tối thiểu vùng là cơ sở để khối doanh nghiệp căn cứ trả lương cho người lao động, và đây là mức lương thấp nhất doanh nghiệp được áp dụng.
Tiền Phong