MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do Việt Nam có thể trở thành lựa chọn hàng đầu trong hoạt động offshoring

Có rất nhiều điểm đến khả thi khi xem xét hoạt động offshoring, nhưng tại sao Việt Nam lại là lựa chọn hàng đầu?

Trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư đang có rất nhiều lựa chọn trong hoạt động offshoring. Offshoring là hình thức doanh nghiệp sử dụng các nguồn lực từ quốc gia khác vào việc sản xuất - kinh doanh của mình, không phụ thuộc vào việc các nguồn lực đó có thuộc về cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp đó hay không. Mục đích của offshoring là nhằm giảm giá thành và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm/dịch vụ.

Khi việc thuê ngoài (outsourcing) không mang lại kết quả kinh doanh như mong đợi và chi phí thuê nguồn lực trong nước đắt đỏ, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng sang hoạt động offshoring. Tuy vậy, việc lựa chọn quốc gia offshoring tốt nhất là điều cần phải xem xét kỹ khi các doanh nghiệp muốn mở rộng đội ngũ công nghệ ở nước ngoài.

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn cục diện kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lựa chọn địa điểm để mở rộng hoạt động. Bởi hầu hết thị trường trên khắp Đông Nam Á đều đang đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đáng chú ý, Việt Nam hiện đang được đánh giá cao nhờ những tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển hệ sinh thái kinh doanh năng động trong khi vẫn kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Thực tế, lãnh đạo các doanh nghiệp đều đang xem xét việc mở rộng kinh doanh tại các quốc gia có tiềm năng phục hồi kinh tế nhanh giai đoạn hậu Covid-19.

Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đã "thống trị" thị trường offshoring trong một thời gian dài, nhưng hiện nay, đây không còn là những điểm đến đầu tư có chi phí nhân công rẻ hay chất lượng ổn định nữa. Đặc biệt, các quốc gia khu vực Đông Nam Á đã trở thành đối thủ mới nổi khi họ đã tập trung tăng cường khả năng cạnh tranh trong những năm gần đây.

Các doanh nghiệp startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ có trụ sở tai Singapore đã liên kết với nhiều quốc gia ASEAN khác để nâng cao khả năng phát triển sản phẩm mà không mất nhiều ngân sách.

Một số điểm đến offshoring phổ biến hiện nay bao gồm: Việt Nam, Indonesia, Philippines, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Malaysia. Các quốc gia này nổi tiếng với chi phí lao động và sinh hoạt rẻ, đồng thời số lượng nhân viên CNTT thành thạo tiếng Anh ngày càng tăng cũng là một lợi thế.

Lý do Việt Nam có thể trở thành lựa chọn hàng đầu trong hoạt động offshoring - Ảnh 1.

Theo nghiên cứu của Tech JDI - công ty Sáng kiến Phát triển Liên kết Công nghệ (Singapore), Việt Nam là lựa chọn phù hợp về nguồn nhân lực công nghệ, đứng trước Thái Lan và Malaysia. Điều này không chỉ lý giải khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực mà còn cho thấy Việt Nam là nước phát triển tốt về nhân lực, cũng như ổn định về môi trường kinh doanh.

Cụ thể, dưới đây là 3 lợi thế chính khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam là điểm đến offshoring phù hợp.

Nhân công rẻ, chất lượng cao

Hiện nay, Singapore đang đối mặt với thách thức về thiếu hụt nhân lực công nghệ trầm trọng. Trong khi đó, Việt Nam có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp CNTT tham gia vào lực lượng lao động hằng năm. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí lao động trong lĩnh vực công nghệ rẻ hơn nhiều so với các nước láng giềng.

Lý do Việt Nam có thể trở thành lựa chọn hàng đầu trong hoạt động offshoring - Ảnh 2.

Chi phí lao động của Việt Nam rẻ hơn Thái Lan và Malaysia từ 15% đến 50%. Bên cạnh đó, chi phí thuê một kỹ sư dữ liệu hoặc kỹ sư phần mềm tại Việt Nam khoảng 9.600 USD đến 18.000 USD mỗi năm, trong khi chi phí này tại Singapore có thể lên tới 38.000 USD đến 84.500 USD mỗi năm. Đây là yếu tố hấp dẫn rất nhiều doanh nghiệp startup.

Việc giáo dục ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) tại Việt Nam được đánh giá là tương đối tốt, tạo điều kiện cho nguồn nhân lực phát triển kỹ thuật và giải quyết các vấn đề thị trường khác nhau. Nguồn nhân lực Việt Nam được đánh giá là có tính linh hoạt, thích ứng cao ngay cả khi thị trường thay đổi nhanh chóng.

Môi trường kinh tế ổn định

Nền kinh tế các quốc gia khu vực châu Á đang gặp khó khăn do bất ổn chính trị và xã hội, điển hình như ở Thái Lan hay Malaysia. Việt Nam may mắn là một trong những quốc gia ổn định với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, Chính phủ cũng chú trọng trong việc hướng dân số trẻ vào hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện cho thị trường phát triển hơn. Trên thực tế, các công ty startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp tới 50% việc làm trên cả nước. Việt Nam cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuế và luật pháp thuận lợi, tạo môi trường lý tưởng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một minh chứng khác đó là năm 2019, Enterprise Singapore, Quest Ventures và Saigon Innovation Hub (SIHUB) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) để tăng sự cường hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp Singapore và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các đối tác của họ tại Việt Nam.

Lợi thế địa lý

Cuối cùng, vấn đề thiên tai ở Đông Nam Á đã khiến không ít doanh nghiệp lo ngại về việc đầu tư. Mặc dù Việt Nam cũng phải chịu những trận mưa lớn và bão, tuy nhiên vẫn được đánh giá là quốc gia chịu ít thiệt hại hơn so với các nước trong khu vực, ví dụ như Philippines.

Ngoài ra, thời tiết của Việt Nam cũng được coi là dễ chịu hơn nhiều so với các nước ASEAN, điển hình như Campuchia, nơi có độ ẩm cao quanh năm và nhiệt độ trung bình vào mùa hè lên tới 35 độ.

Q.L

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên