MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý giải "điều khó hiểu nhất" trong các vụ lừa đảo: Vì sao cảnh sát không bắt được thủ phạm dù biết đó là ai?

10-09-2023 - 17:43 PM | Kinh tế số

Khi nạn nhân bị lừa chuyển tiền vào số tài khoản của kẻ lừa đảo, chúng ta đều thắc mắc vì sao cảnh sát không đến ngân hàng để hỏi chủ nhân số tài khoản đó là ai và bắt ngay người đó. Hóa ra mọi thứ không dễ dàng như vậy.

Chúng ta có lẽ đều từng thắc mắc khi kẻ lừa đảo lừa tiền nạn nhân và gửi tiền vào tài khoản ngân hàng, cảnh sát tại sao không tìm ra danh tính của chủ tài khoản ngân hàng đó để truy bắt?

Có một sự thật là những tài khoản mà kẻ lừa đảo sử dụng đều là những "tài khoản ma", hay nói cách khác chúng là những tài khoản được mua lại từ người khác. Bản thân chủ nhân cũng không biết tài khoản của mình được dùng cho mục đích xấu.

Dưới đây là câu chuyện về những người vô tình tiếp tay cho kẻ lừa đảo bằng việc cho tội phạm sử dụng số tài khoản ngân hàng đứng tên mình.

Bán tài khoản ngân hàng

Vào năm 2021, Zack nhìn thấy quảng cáo bán tài khoản ngân hàng lấy tiền trên Instagram. Khi ấy, anh là sinh viên 17 tuổi ở Singapore, được mẹ cho 10 SGD/ngày.

Zack liên lạc với người đăng quảng cáo. Giải thích qua tin nhắn trên Telegram, người đàn ông tên J cho biết tài khoản ngân hàng mua lại sẽ được sử dụng để đầu tư.

Zack không hỏi quá nhiều. Anh được hứa trả 800 SGD (khoảng 14 triệu đồng) cho mỗi tài khoản ngân hàng được mở. Thiếu niên lập tài khoản tại ngân hàng UOB và OCBC rồi gửi tiền do J đưa vào mỗi tài khoản.

Zack gặp J một thời gian sau để đưa cho anh ta thẻ ngân hàng và thông tin chi tiết. Sau khi gặp J, Zack bắt đầu thuyết phục bạn bè và những người lạ mở tài khoản ngân hàng cho người đàn ông này.

Lý giải "điều khó hiểu nhất" trong các vụ lừa đảo: Vì sao cảnh sát không bắt được thủ phạm dù biết đó là ai? - Ảnh 1.

"Tôi đi rao khắp nơi và mọi thứ lan truyền từ đó", Zack nói. Dựa vào đây, anh cũng kiếm thêm tiền từ người mới tham gia.

"Với mỗi thẻ ngân hàng, tôi nhận được 800 SGD. Tôi đưa cho họ 400 SGD và tôi giữ lại 400 SGD. Hoặc tôi có thể đưa cho họ 300 SGD và kiếm được 500 SGD cho chính mình. Như vậy đôi bên cùng có lợi".

Trong hai tháng, anh kiếm được tổng cộng 2.800 SGD, nhưng vào tháng 9/2021, ba cảnh sát mặc thường phục bắt giữ anh tại nhà riêng ở Bukit Merah.

Zack được cảnh sát cho biết, những tài khoản mà anh bán bị tội phạm lợi dụng để rửa tiền từ các nạn nhân lừa đảo. Người ta nói anh chỉ là con tốt thí giúp bọn chúng thực hiện giao dịch.

"Tôi không nghĩ mình đang làm hại ai cả. Tôi không biết tội phạm đang sử dụng thứ này để lừa đảo mọi người", Zack nói.

Mặc dù khẳng định không biết gì nhưng anh thừa nhận bản thân từng hoài nghi về việc kiếm được tiền dễ dàng và đối tượng J chưa bao giờ cho biết tên đầy đủ.

Zack, hiện 19 tuổi, nói: "Bạn không nghĩ mình sẽ bị bắt, nhưng luật pháp lúc nào cũng bắt kịp bạn".

Cảnh sát Singapore đã điều tra hơn 19.000 trường hợp tốt thí như Zach từ năm 2020 đến năm 2022, nhưng chưa đến 250 người bị truy tố. Rất khó để chứng minh những người này có chủ đích tham gia vào hoạt động tội phạm bằng cách bán tài khoản ngân hàng hay không.

Nhưng mới đây, mọi chuyện đã khác khi quốc gia châu Á bắt đầu có những điều chỉnh về mặt pháp luật nhằm ngăn chặn lỗ hổng nói trên.

Làm ăn

Irfan vừa bỏ học tại Học viện Sư phạm Kỹ thuật vào năm 2021 khi nghe tin mình có thể kiếm tiền bằng cách mở tài khoản ngân hàng cho người khác đánh bạc trực tuyến.

Không giống như Zack, người được tuyển dụng bởi một kẻ mà anh gặp trên mạng, Irfan, hiện 18 tuổi, cho biết anh bị lôi kéo bởi những người bạn cấp hai đang "làm ăn".

Họ nói anh có thể nhận được khoản thanh toán một lần là 400 SGD bằng cách bán tài khoản hoặc khoản thanh toán hàng tháng là 150 SGD nếu lựa chọn cho thuê tài khoản.

Một người bạn đưa cho anh 1.000 SGD để mở hai tài khoản ngân hàng và một thẻ SIM có số mới để đăng ký tài khoản.

"Thủ tục rất đơn giản. Tất cả những gì tôi phải làm là gặp cậu ấy tại trung tâm mua sắm và mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn khi tôi gặp nhân viên ngân hàng", Irfan nói.

Lý giải "điều khó hiểu nhất" trong các vụ lừa đảo: Vì sao cảnh sát không bắt được thủ phạm dù biết đó là ai? - Ảnh 2.

Anh đã bán một tài khoản ngân hàng UOB và cho bạn mình thuê một tài khoản ngân hàng OCBC khác. Trong ba tháng, Irfan kiếm được 850 SGD.

Sau đó, anh bắt đầu nhận được bản sao kê ngân hàng qua đường bưu điện, trong đó có một bản dài 60 trang. Nó thể hiện các giao dịch từ người lạ, bao gồm cả chuyển khoản lên tới 80.000 SGD.

"Tôi nghĩ tội phạm đang lừa đảo người nước ngoài. Và tôi sợ mọi thứ sẽ đổ lên đầu mình", Irfan nói.

Hai tháng sau, tài khoản ngân hàng của anh bị đóng băng và bị cảnh sát điều tra.

Kết cục

Zack tự mô tả mình là một "nạn nhân" bị lừa bán tài khoản ngân hàng mà không biết nó thực sự được dùng vào mục đích gì.

Nhưng chuyên gia Azri Imran Tan từ IRB Law cho biết sự thiếu hiểu biết không phải là lời bào chữa và luật pháp đã đúng khi truy tố những người đã nghi ngờ bản thân phạm tội nhưng vẫn tiếp tục.

"Họ khởi đầu là nạn nhân và trở thành thủ phạm. Thực tế là bạn đã nhúng chàm nên dù gì bạn cũng là đồng phạm", ông nói thêm.

Những kẻ lừa tiền có xu hướng coi hành động của mình là tội nhẹ vì không khiến ai bị thương về mặt thể chất.

"Nhưng điều đó có thể gây tổn hại cho toàn bộ hệ thống tài chính, khiến mọi người mất việc làm hoặc được sử dụng để hỗ trợ cho các tổ chức tội phạm hay khủng bố", chuyên gia lưu ý.

Irfan hiện đã trở lại trường học. Anh hiện đang thực tập trong ngành du lịch, đồng thời có công việc bán thời gian là trợ lý hành chính tại một câu lạc bộ quyền anh.

Anh kiếm được khoảng 500 SGD một tháng.

Còn với Zack, anh vẫn báo cáo cho cảnh sát mỗi tháng một lần như một phần của điều kiện tại ngoại.

Một ngày nọ, anh nhìn thấy J ở đó. Người đàn ông này cũng bị bắt nhưng không có vẻ gì là cảm thấy ăn năn.

Anh ta nhắn tin hỏi Zack có muốn bán tài khoản ngân hàng tiếp không. Cậu thiếu niên từ chối lời đề nghị.

"Tôi chỉ là một con tốt. J giống như quân mã hay xe. Ở trên luôn có quân hậu và vua. Chúng sẽ không bao giờ bị bắt vì đã có những kẻ thế mạng bên dưới rồi", Zack cay đắng.

"Khi bị bắt, kiếm bao nhiêu tiền cũng chẳng ích gì. Số tiền được kiếm bởi công sức và mồ hôi của chính mình mới là thứ có giá trị".

Theo Mạnh Kiên

Phụ nữ số

Trở lên trên