Mạnh tay xử lý các “ông lớn” Nhà nước làm ăn mập mờ, ém nhẹm thông tin
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu các bộ, ngành mạnh tay xử lý các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn không minh bạch như không công bố thông tin hoạt động và doanh nghiệp đã phát hành cổ phiều lần đầu (IPO) mà trong vòng 1 năm sau không thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
- 07-02-2017Nhiều “ông lớn” nhà nước "phớt" luật, chưa chịu minh bạch thông tin
- 18-01-2017Kiểm toán đòi, ‘ông lớn’ nhà nước nộp thêm 7.455 tỷ
- 10-01-2017Các “ông lớn” nhà nước làm ăn ra sao?
Theo đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp yêu cầu nếu tới hạn mà doanh nghiệp không công bố thông tin thì các bộ, ngành, địa phương phải công khai tên các doanh nghiệp này rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Việc công khai tên các doanh nghiệp này nhằm để xã hội, nhà đầu tư giám sát, thúc ép lãnh đạo các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đổi mới sản xuất để bảo toàn và phát triển đồng vốn Nhà nước. “Không để tình trạng tranh tối, tranh sáng làm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp được”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.
Trước đó vào trung tuần tháng 10/2016, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước nghiêm túc quán triệt và thực hiện công bố đầy đủ thông tin hoạt động theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước .
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định 81; báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định và đề xuất xử lý đối với các vi phạm về công bố thông tin.
Theo đó, trong số 620 ddoanh nghiệp phải công bố thông tin thì chỉ có 241 đã công bố (chiếm 38,8%), còn lại 379 không thực hiện.
Tính theo ngành, các doanh nghiệp này chủ yếu thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, doanh nghiệp là công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương.
Đặc biệt các công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (5 doanh nghiệp), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2 doanh nghiệp), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (6 doanh nghiệp), Tập đoàn Cao su Việt Nam (4 doanh nghiệp) chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho biết, tính đến 31/12/2016, trong số 241 doanh nghiệp đã công bố thông tin thì hầu hết trong số này chưa công bố đẩy đủ 9 loại báo cáo phải thực hiện công bố. Trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ công bố khoảng 4/9 loại báo cáo.
Tính riêng trong số 41 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ có 2 doanh nghiệp là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng số 1 thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc công bố thông tin theo quy định. Còn lại chưa thực hiện đầy đủ.
Trong số 6 Tập đoàn kinh tế, có 5 Tập đoàn là Dầu khí Việt Nam ( PVN ), Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Điện lực Việt Nam (EVN), Hóa chất Việt Nam (Vinachem) công bố báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất 2015. Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) công bố báo cáo tài chính 2015 trước kiểm toán (chưa có báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất).
Một số tổng công ty lớn như Thuốc lá, Công nghiệp tàu thủy, Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Phát triển đường cao tốc, Cà phê, Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Bắc chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính 2015.
Không chỉ các doanh nghiệp, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đề cập tới tình trạng các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh chưa thực hiện xây dựng chuyên mục và công bố thông tin của doanh nghiệp theo quy định. Tính đến ngày 31/12/2016, mới có 7 bộ, ngành; 7 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương và 6 tập đoàn kinh tế có chuyên mục riêng về công bố thông tin theo quy định.
Bizlive