MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mạnh tay xử lý hàng nghìn tỷ phải thu, đầu tư ngoài ngành trước khi bàn giao cho Vinamilk, GTNfoods báo lỗ 58 tỷ đồng quý 4

Nhờ hoạt động bán vốn, xử lý khoản phải thu, tổng lượng tiền và tương đương tiền (tiền gửi kỳ hạn tại ngân hàng) lên đến 2.000 tỷ, tăng mạnh so với con số hơn 1.000 tỷ đồng đầu năm 2019.

Công ty cổ phần GTNfoods (GTN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2019. Đáng chú ý là dù mảng Sữa đã tăng trưởng trở lại, GTNfoods vẫn chịu lỗ do tái cơ cấu những khoản đầu tư không hiệu quả và xử lý thu hồi hàng loạt khoản phải thu. Trước khi chuyển giao về Vinamilk, số dư các khoản phải thu giảm mạnh, tổng tiền mặt gần 2000 tỷ, cấu trúc Tập đoàn đơn giản hơn rất nhiều.

Mạnh tay xử lý hàng nghìn tỷ phải thu, đầu tư ngoài ngành trước khi bàn giao cho Vinamilk, GTNfoods báo lỗ 58 tỷ đồng quý 4 - Ảnh 1.

Chịu lỗ tái cơ cấu những khoản đầu tư không hiệu quả và xử lý thu hồi hàng loạt khoản phải thu trước khi chuyển giao về Vinamilk

Báo cáo tài chính kết thúc năm 2019 của GTNfoods cho thấy, các khoản phải thu ngắn hạn của GTNfoods đã giảm mạnh từ 846,3 tỷ đầu năm 2019 xuống còn 102,5 tỷ đồng thời điểm cuối năm. Tức, trong Quý 4 năm 2019, GTNfoods đã thu hồi hàng loạt khoản phải thu về ngưỡng rất thấp, phần còn lại phần lớn liên quan các khoản phải thu và trả trước người bán đến từ hoạt động kinh doanh thường xuyên ở mảng Sữa.

Mạnh tay xử lý hàng nghìn tỷ phải thu, đầu tư ngoài ngành trước khi bàn giao cho Vinamilk, GTNfoods báo lỗ 58 tỷ đồng quý 4 - Ảnh 2.

Trích Báo cáo tài chính của GTNfoods

Quý 4/2019, GTNfoods cũng đã có thực hiện thoái vốn tại Công ty Tre. Điều này giúp công ty thu hồi về khoản tiền ~860 tỷ đồng và đẩy lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư từ gần 79 tỷ đồng đầu năm lên dương 883 tỷ đồng cuối năm. Tuy nhiên, điều này cũng khiến công ty chịu lỗ hơn 9 tỷ quý 4 và 12,5 tỷ cả năm 2019 cho công tác thoái vốn. Hiện tại, GTNfoods chỉ còn 3 công ty liên kết là Vinatea, Ladofoods và Nhựa Miền Trung.

Quý 4 lỗ 58 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính, doanh thu thuần quý 4/2019 tương đương bằng cùng kỳ, đạt 704 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện mạnh từ ngưỡng chỉ hơn 12% cùng kỳ năm 2018 lên hơn 17% quý 4/2019 do hoạt động kinh doanh chính chỉ còn tập trung vào mảng Sữa cốt lõi. Tính chung cả năm 2019, biên lãi gộp đã đạt gần 16%. Như vậy là, trong suốt hơn 1 năm rưỡi qua, GTNfoods đã cải thiện đáng kể biên lãi gộp sau khi tái cơ cấu.

Mạnh tay xử lý hàng nghìn tỷ phải thu, đầu tư ngoài ngành trước khi bàn giao cho Vinamilk, GTNfoods báo lỗ 58 tỷ đồng quý 4 - Ảnh 3.

Tuy đạt lãi gộp tăng mạnh trong quý 4 nhưng hoạt động mạnh tay xử lý các vấn đề tồn đọng như thu hồi các khoản phải thu, bán lỗ vốn một số khoản đầu tư không cốt lõi, ghi nhận chi phí tái cơ cấu Vinamtea sau khi quyết toán vốn xong đã đẩy mọi chi phí trong kỳ của GTNfoods lên cao. Hệ quả là, GTNfoods báo lỗ trước thuế 58,27 tỷ và lỗ sau thuế 51,45 tỷ. Cùng kỳ năm 2018, GTNfoods lỗ ít hơn.

Lũy kế cả năm 2019, GTNfoods chỉ còn báo lãi vỏn vẹn 12,6 tỷ đồng nhưng phần lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ âm 61,6 tỷ đồng. Với kết quả này, GTNfoods có mùa báo cáo kết quả kinh doanh giảm sâu so với năm 2018.

Bức tranh tài chính "sạch" trước khi bàn giao về Vinamilk

Thông tin trước đây chúng tôi có được cho thấy, GTNfoods và Vinamilk đã có chuỗi ngày đám phán khá dài trước khi Vinamilk nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 75%. Với "phong cách" đầu tư của Vinamilk thì khi đạt tỷ lệ sở hữu nhất định sẽ tái cấu trúc công ty mục tiêu để hoàn toàn không phải lo nghĩ gì sau khi sáp nhập. Chính bởi thế, chúng tôi cho rằng GTNfoods đã sớm đạt được thỏa thuận với Vinamilk trong việc tái cấu trúc và đã xử lý được trên 700 tỷ đồng khoản phải thu, giảm hàng trăm tỷ đồng hàng tồn kho, thoái hơn 130 tỷ đồng đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết và giảm hơn 220 tỷ đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.

Tất cả những hành động kể trên cho thấy, những điểm còn tồn đọng tại GTNfoods lâu nay đều đã được mạnh tay xử lý dứt điểm, Công ty đã tái cơ cấu thành công và cơ bản đã trở thành một công ty ngành Sữa. Tất cả khoản phải thu, thoái vốn, thúc đẩy bán hàng tồn…đều được công ty chuyển hóa sang tài sản tiền mặt. Chính bởi vậy, tổng lượng tiền và tương đương tiền (tiền gửi kỳ hạn tại ngân hàng) lên đến 2.000 tỷ, tăng mạnh so với con số hơn 1.000 tỷ đồng đầu năm 2019. Như vậy từ 2020 trở đi, hoạt động kinh doanh của GTNfoods được dự báo sẽ có hiệu quả cao hơn do không còn các mảng ngoài ngành gây lỗ; GTNfoods sẽ chỉ còn tập trung phát triển Mộc Châu Milk, hiện đang là một doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, được quản trị điều hành bởi doanh nghiệp Sữa số 1 Việt Nam Vinamilk.

Vân Thu

Trở lên trên