Mãnh tướng mình hổ tay vượn khiến Tào Tháo kinh hồn khiếp vía: Được so sánh với Lã Bố, Bành Việt
Mãnh tướng khiến một quân chủ kiêu hùng như Tào Tháo lại phải chịu nhục nhã là ai?
- 06-02-20244 mãnh tướng được Gia Cát Lượng khen hết lời: Quan Vũ, Trương Phi không có trong danh sách
- 03-01-2024Top 8 mãnh tướng mạnh nhất thời Tam Quốc: Quan Vũ chỉ đứng thứ 6, Lã Bố, Triệu Vân, Mã Siêu đều bị loại
- 10-12-2023Đệ nhất mãnh tướng trong Tam Quốc, 3 lần độc đấu với Lã Bố, 2 lần khiến Quan Vũ phải nhượng bộ
Trong cuốn tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa", Tào Tháo là gian hùng thời kỳ Tam Quốc. Tào Tháo được phác họa giống như một nhà lãnh đạo tàn nhẫn, chiến binh đáng sợ. Sinh ra trong thời bình và lớn lên trong thời loạn, Tào Tháo đã chứng kiến toàn bộ quá trình hủ bại của triều đình nhà Hán. Quá thất vọng, Tào Tháo quyết định tự mình gây dựng quyền lực. Ông bắt đầu chiêu binh mãi mã, chiếm đất, chiếm thành, rồi sau đó lập công trạng, trở thành Thừa Tướng nhà Đông Hán. Khi đã thâu tóm quyền lực, Tào Tháo đã muốn thống nhất thiên hạ. Có thể nói, Tào Tháo là một trong những nhân vật nổi danh nhất thời bấy giờ.
Thế nhưng, Tào Tháo tuy là một quân chủ kiêu hùng nhưng ông từng phải chịu nhục chạy thoát thân trước một mãnh tướng. Đó là ai?
Người có thể khiến Tào Tháo phải bỏ chạy chính là Mã Siêu, một trong "Ngũ hổ tướng" dưới trướng của Lưu Bị. Trong Tam quốc diễn nghĩa, nhân vật Mã Siêu xuất hiện tại hồi thứ 10 và ông được miêu tả hoặc nhắc đến trong 21 hồi trên tổng số 120 hồi của tác phẩm này. Mã Siêu được biết đến vì sức mạnh và sự anh dũng, thiện chiến trong chiến đấu. Ngoại hình của ông được đề cập đến ít nhất ba lần ở ba hồi khác nhau. Tại hồi thứ 10, tác giả miêu tả Mã Siêu "là một viên tướng trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, mình hổ tay vượn, bụng beo lưng sói, tay cầm một ngọn giáo dài, mình cưỡi con ngựa đẹp".
Tại hồi thứ 58 mô tả Mã Siêu: "mặt như nhồi phấn, môi tựa thoa son, lưng hổ, tay vượn, thế hùng lực mạnh, mình mặc áo giáp bạc, tay cầm ngọn giáo dài, cưỡi ngựa đứng trước cửa trận"
Hồi thứ 65 miêu tả Mã Siêu: "đầu đội mũ chỏm sư tử, mình mặc áo giáp bạc, bào trắng, thắt đai Hổ Phù, mặt mũi khôi ngô, sức lực hơn người" và khua trống om sòm sau đó khi Lý Khối đến thuyết khách, ông ta "ngồi chễm chệ trên trướng".
Ngoài ra, nhân vật Mã Siêu được miêu tả là một hổ tướng sức địch muôn người, được Tào Tháo và Dương Phụ ví như Lã Bố tái thế, Khổng Minh so sánh với Kình Bố, Bành Việt. Sức mạnh của ông được thể hiện trong những trận chiến mà ông tham gia, đặc biệt là hai trận đánh tay đôi với Hứa Chử và Trương Phi, cũng như qua lời bàn về ông của các nhân vật khác.
Cũng trong tác phẩm này, Mã Siêu được miêu tả là xuất thân trong một gia đình "đời đời công hầu" là dòng dõi của Phục Ba tướng quân Mã Viện, gia đình ông có mối quan hệ thân thiết với các lãnh chúa quân phiệt cát cứ ở Tây Lương, bình sinh ông có sức khỏe, là con lai giữa người Hán và người Khương lại giõi võ nghệ, từ khi còn nhỏ, Mã Siêu đã theo cha thảo trừ bọn phản loạn. Sau đó, vì Tào Tháo giết chết cha và những người anh em của Mã Siêu nên Mã Siêu nhiều lần khởi binh tiêu diệt Tào Tháo. Tác giả còn ưu ái Mã Siêu thắng nhiều tướng Tào trong các trận giao chiến tay đôi. Thậm chí, Tào Tháo bị Mã Siêu đánh cho đại bại mà bỏ chạy.
Trong lúc truy tìm Tào Tháo giữa nơi hỗn chiến, Mã Siêu kêu lớn: "Kẻ khoác áo đỏ chính là Tào Tháo".
Nghe thấy vậy, Tào sợ đến nỗi phải vứt bỏ chiếc trường bào ấy.
Mã Siêu thấy vậy, tiếp tục hét lớn: "Tên râu dài chính là Tào Tháo".
Để có thể chạy thoát thân, Tào đành vội vàng cắt đi bộ râu của mình.
Mã Siêu lại lập tức nói lớn: "Kẻ râu ngắn chính là Tào Tháo".
Lúc này, vị quân chủ khét tiếng kia chẳng thể làm ra chiêu nào khác, chỉ đành vội vã bỏ chạy. Nhưng dù như vậy, ông vẫn không thoát khỏi sự truy kích của danh tướng họ Mã. Bấy giờ, nếu không có Tào Hồng kịp thời giải vây, chỉ e rằng Tào Tháo đã chẳng thể toàn mạng.
*Nguồn: Sohu
Đời sống & pháp luật