Masan: Chúng tôi rất mong tiếp đón đoàn thanh tra, truyền thông và công chúng tới chứng kiến tiêu chuẩn tại mỏ Núi Pháo
Thông cáo báo chí được tập đoàn Masan phát đi ngày 27/7 cho biết, mỏ Vonfram lớn nhất thế giới đang được công ty khai thác với những tiêu chuẩn môi trường rất nghiêm ngặt.
- 28-06-2016Masan Group rót 200 tỷ đồng cho Núi Pháo và Masan Resources
- 15-09-2015Núi Pháo: Hành trình từ khu đất trống đến khối tài sản hơn 1 tỷ USD
- 27-07-2015Biến động giá APT: Ẩn số lợi nhuận của mỏ Núi Pháo
Mới đây, bộ Tài nguyên môi trường cho biết sẽ thanh tra toàn diện vấn đề môi trường của công ty Núi Pháo - đơn vị đang khai thác mỏ vonfram có trữ lượng lớn nhất thế giới vào đầu tháng 8 này. Công tác kiểm tra sau khi Bộ nhận được phản ánh của người dân về nguy cơ ô nhiễm tại khu vực khai thác tài nguyên quý này.
Trả lời trước thông tin này, ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc Công ty Núi Pháo - công ty thuộc Masan Resource cho biết, vì Núi Pháo là một tài sản chiến lược và kho báu quốc gia của Việt Nam, công ty đã quan tâm và nỗ lực gấp đôi vào việc thực hiện các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường.
"Ngay từ đầu khi triển khai mỏ Núi Pháo chúng tôi đã thiết lập các tiêu chuẩn của mình dựa trên khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, gọi là “Nguyên tắc Xích đạo”, đó là “tiêu chuẩn vàng” cho sự phát triển của cộng đồng và môi trường cho những dự án khai khoáng", ông Bradshaw chia sẻ.
Masan Resources cho biết, công ty đã áp dụng các quy chuẩn khắt khe nhất để giám sát những tác động của hoạt động khai thác khoáng sản mỏ Núi Pháo đến môi trường và cộng đồng địa phương. Cụ thể là từ năm 2013, Công ty đã ký kết các hợp đồng quan trắc môi trường với các đối tác uy tín như công ty quốc tế SGS, Gusho Kohsan của Nhật Bản, và Viện Khoa Học Môi Trường và Sức Khỏe Cộng Đồng.
Bình quân mỗi ngày, các đối tác tiến hành lấy hàng chục mẫu thử để kiểm tra, và tổng số mẫu đã được lấy và thử nghiệm từ năm 2013 đến nay đã lên đến con số 15.563 mẫu, trong đó có 14.232 mẫu nước và số còn lại là các mẫu khác như nước sinh hoạt, mẫu đất và đuôi quặng…
Công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư cho hơn 2.600 hộ bị ảnh hưởng của dự án cũng đã tiêu tốn của Masan hơn 2.500 tỉ đồng.
Với đoàn thanh tra môi trường sẽ làm việc tại mỏ Núi Pháo vào tháng 8 tới, phía Masan cho biết, "công ty luôn sẵn sàng tiếp nhận các đánh giá khách quan của cơ quan chức năng để hoàn thiện tốt hơn nữa, và chia sẻ những tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu có thể áp dụng ở Việt Nam...
...Đồng thời, chúng tôi cũng đang gấp rút triển khai website tiếp nhận các đóng góp ý kiến của cộng đồng để có thể cùng nhau khắc phục các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả".
Mỏ Núi Pháo là mỏ vonfram có trữ lượng lớn nhất thế giới hiện nay, được tập đoàn Masan tiếp quản và triển khai từ năm 2013. Tuy nhiên, cho đến nay, mỏ này chưa mang về lợi ích kinh tế thực sự cho tập đoàn Masan.
Trí thức trẻ/CafeBiz