MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt bằng lãi suất cho vay hiện chỉ bằng 40% năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005-2006

31-05-2017 - 15:29 PM | Tài chính - ngân hàng

Từ cuối tháng 4/2016 đến nay, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và điều chỉnh giảm về tối đa 10%/năm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ban Dân nguyện Quốc hội vừa công bố các báo cáo tổng hợp các ý kiến chất vấn của cử tri kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị ngành Ngân hàng cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất ưu đãi để cải tiến công nghệ máy móc, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Trả lời vấn đề này, NHNN cho biết trong năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận nguồn vốn tín dụng, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Cụ thể, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn để đảm bảo cân đối vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; Điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND, lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên, góp phần giảm mặt bằng lãi suất hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Từ cuối tháng 4/2016 đến nay, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và điều chỉnh giảm về tối đa 10%/năm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD hiện chỉ bằng 40% lãi suất cho vay năm 2011, thấp hơn mức lãi suất cho vay giai đoạn 2005-2006.

Ngoài ra đã chỉ đạo, hỗ trợ các TCTD hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV.

Chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn giảm lãi vốn vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng vay; xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng đã ký trước đây xuống mức lãi suất cho vay hiện hành; đổi mới quy trình cho vay vốn theo hướng giảm bớt phiền hà cho khách hàng, rà soát và hoàn thiện hồ sơ theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ cho doanh nghiệp.

Tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp nêu trên, NHNN còn xây dựng, triển khai các chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực mà trong đó có đối tượng thụ hưởng là các DNNVV như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; Chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách cho vay đối với chăn nuôi và thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1149/TTg-KTN ngày 08/8/2012; Chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ; Chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; Chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.

Ngoài ra, để tăng khả năng tiếp cận tài chính của DNNVV, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, NHNN đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành chủ quản trong việc triển khai chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển DNNVV, cũng như xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cụ thể:

Ban hành Thông tư số 29/2014/TT-NHNN ngày 09/10/2014 hướng dẫn các ngân hàng thương mại phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc thực hiện cơ chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn theo quy định tại Quy chế bảo lãnh ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg.

Ban hành Thông tư số 05/2015/TT-NHNN hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong xử lý khó khăn vướng mắc, hoàn thiện 02 cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn nhằm đưa Quỹ Phát triển DNNVV đi vào hoạt động, tạo thêm 01 kênh hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn.

Thực hiện Nghị quyết số 89/2015/QH13 ngày 09/6/2015 của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan (trong đó có NHNN) xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2; trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật báo cáo Ủy ban Thường Vụ Quốc hội, dự kiến tiếp tục trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3.

Dự thảo Luật quy định nhiều chính sách hỗ trợ đối với đối tượng DNNVV, trong đó có các chính sách hỗ trợ về tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng, tiếp cận tín dụng từ các Quỹ và các hỗ trợ tài chính khác. Đặc biệt, dự thảo Luật còn quy định về việc hỗ trợ DNNVV theo các chương trình hỗ trợ trọng tâm trong từng thời kỳ, trong đó nhấn mạnh vào hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành nhằm thúc đẩy DNNVV đổi mới công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh và sản xuất kinh doanh bền vững.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên của ngành Ngân hàng đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận vốn nhất là các DNNVV trong việc cải tiến công nghệ máy móc, mở rộng sản xuất kinh doanh. Trên thực tế, các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, khả thi đã tiếp cận vốn dễ dàng với lãi suất hợp lý.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, nhất là DNNVV gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng chủ yếu là do năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý... Ngoài ra, một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện vay vốn nhưng chưa có nhu cầu vay vốn do còn gặp khó khăn về thị trường. Vì vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng ngoài những giải pháp từ ngành Ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, tạo niềm tin để các TCTD yên tâm cấp tín dụng.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ và giải pháp về hoạt động ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý; đồng thời, NHNN sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong sửa đổi, hoàn thiện chính sách về bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn thông qua các Quỹ, cũng như khung khổ pháp lý hỗ trợ DNNVV theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hiện thực hóa các chính sách và tăng khả năng tiếp cận tài chính của đối tượng doanh nghiệp này.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên