Mặt hàng quan trọng giúp Việt Nam thu về 2,02 tỷ USD: Tại một quốc gia, giá vừa tăng tới 500%
Đây là mặt hàng vật tư chiến lược và vật tư hàng hóa có tác động rất lớn đến chỉ số CPI, ổn định kinh tế vĩ mô.
- 01-03-2024Tăng trần giá vé máy bay gây tác động ra sao?
- 01-03-2024Tăng lương hưu, bao nhiêu là phù hợp?
- 01-03-2024Làng giàu lên nhờ nhiều Youtuber
Cuba tăng giá xăng 500%
Báo Granma, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Vladimir Regueiro cho biết sẽ tăng giá xăng 500% từ ngày 1/3. Lần tăng giá này muộn hơn một tháng so với dự kiến trước đó. Đây như một phần loạt biện pháp nhằm giảm thâm hụt ngân sách.
Bộ trưởng Tài chính và Vật giá Vladimir Reguero nhấn mạnh, những thay đổi này nhằm mục đích "hồi sinh" nền kinh tế Cuba đang sa lầy trong khủng hoảng.
Theo biểu giá mới, một lít xăng thông thường tăng từ 25 peso (0,2 USD - khoảng 25.700 đồng) lên 132 peso (135.700 đồng), xăng loại tốt nhất tăng từ 30 peso (30.800 đồng) lên 156 peso (160.300 đồng). Du khách tới Cuba sẽ phải thanh toán tiền xăng bằng ngoại tệ.
Mặc dù giá xăng điều chỉnh tăng cực mạnh nhưng giá vé dịch vụ giao thông công cộng tại quốc gia này vẫn được giữ nguyên. Giá khí đốt tự nhiên cũng chưa tăng.
Theo nhà kinh tế học Omar Everleny Perez thuộc Đại học Havana, giá xăng ở Cuba thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới, tuy nhiên, khi xét trên bình diện mức lương trong nước thì nó lại rất đắt. Ông cho rằng giá xăng mới sẽ tác động lên "toàn bộ xã hội".
Cùng với tăng giá xăng, giá điện cũng sẽ tăng 25% so với cùng kỳ đối với khách hàng sử dụng nhiều điện ở các khu dân cư.
Xăng dầu - ngôi sao sáng của xuất khẩu Việt Nam
Tại Việt Nam, xăng dầu là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, luôn nằm trong top các sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của nước ta.
Trong năm 2023 xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam đạt 2.377.887 tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, tăng 13,2% về lượng và giảm 1,1% về trị giá. Campuchia vẫn là thị trường xuất khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam, trong năm 2023, đạt 517.220 tấn, trị giá 438,06 triệu USD, chiếm hơn 21% tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xếp thứ 2 là thị trường Hàn Quốc chiếm 9 - 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 220.775 tấn, kim ngạch 208,9 triệu USD.
Singapore đứng ở vị trí thứ 3, chiếm 13,5% về tổng lượng và 9,9% về tổng kim ngạch, đạt 322.018 tấn, kim ngạch 202,18 triệu USD.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt 227.585 tấn, trị giá 193,1 triệu USD. Campuchia vẫn là thị trường xuất khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam, đạt 43.829 tấn, trị giá 36,6 triệu USD. Các vị trí tiếp theo là Trung Quốc 27.798 tấn, Hàn Quốc 24.742 tấn, Lào 14.277 tấn...
Xăng dầu là mặt hàng vật tư chiến lược và vật tư hàng hóa có tác động rất lớn đến chỉ số CPI, ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ Công Thương cho biết, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước là gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giao nhiệm vụ chung cho các bộ, ngành, địa phương, trong mọi tình huống, không được để thiếu nguồn cung xăng dầu, không được để đứt gãy, kể cả là cục bộ.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, trong năm 2024, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được Bộ Công Thương phân giao 1,5 triệu m3/tấn, so với sản lượng xuất bán của Tập đoàn năm 2023 thì con số này tăng 12%. Riêng với dầu diesel, mức tăng là 22% so với sản lượng xuất bán của Tập đoàn năm 2023. Đầu tháng 1/2024, Tập đoàn đã tích cực mua từ 2 nhà máy trong nước và nhập khẩu thêm, với mức tăng 10% so với khối lượng được phân giao trung bình.
Trong khi đó, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội được phân giao hạn ngạch tăng 30% so với kế hoạch năm 2023, tăng 18% so với thực hiện của năm 2023.
Đời sống và Pháp luật