MBS: HDBank được cấp room tín dụng cao hàng đầu ngành ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận kỳ vọng duy trì trên 28%/năm trong 5 năm tới
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) đánh giá triển vọng kinh doanh của HDBank tích cực trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025 nhờ kết quả kinh doanh vượt trội trong 6 tháng đầu năm nay.
HDBank là một trong những ngân hàng có room tín dụng cao nhất trong năm 2024
Theo MBS, tính đến ngày 30/06/2024, tăng trưởng tín dụng HDBank đã đạt 13,0% so với đầu năm, gấp hơn 2 lần so với mức tăng trung bình của hệ thống ngân hàng (6,0%) và cao hơn nhiều so với các ngân hàng niêm yết (7,6%). Động lực chính đến từ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (+59,4% so với cùng kỳ, +20,4% so với đầu năm); trong khi, dư nợ cho vay bán lẻ và tiêu dùng chỉ tăng nhẹ 3,2% và 5,3% so với đầu năm.
Trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng của HDBank chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất và thương mại, trong khi tín dụng bất động sản tăng trưởng chậm hơn do thị trường bất động sản phục hồi yếu. Cuối Q2/2024, dư nợ cho vay bất động sản tại HDBank chiếm khoảng 18% tổng dư nợ và tỷ lệ nợ xấu của các khoản vay này là 0,3%, thấp nhất trong các ngành.
Gần đây, NHNN đã thông báo mở rộng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng đã đạt vượt quá 80% hạn mức được giao. MBS dự kiến HDBank sẽ là một trong những ngân hàng có mức tăng hạn mức tín dụng cao nhất trong năm 2024 (ước tính khoảng 25%) nhờ tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong nửa đầu năm 2024. Hơn nữa, nhóm phân tích tin rằng HDBank có thể sử dụng hiệu quả 100% hạn mức tín dụng trong năm 2024 nhờ hai yếu tố.
Thứ nhất là sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng bán lẻ nông nghiệp do mạng lưới rộng khắp của HDB ở các vùng nông thôn và thành phố cấp 2 kết hợp với nhu cầu tín dụng sản xuất tăng cao trong nửa cuối năm;
Thứ hai là tín dụng tiêu dùng sẽ tăng tốc trong mùa tiêu dùng cao điểm cuối năm nhờ thu nhập của người lao động tăng lên sau khi sản xuất và xây dựng phục hồi. Tăng trưởng tín dụng của HDSaison dự kiến đạt khoảng 18% trong năm 2024.
Biên lãi suất cho vay sẽ mở rộng trong năm 2024
MBS dự kiến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) năm 2024 của HDBank sẽ tăng thêm 0,24 điểm % và đây sẽ là một trong số ít các ngân hàng dự kiến sẽ tăng NIM trong năm 2024 . Điều này là nhờ lãi suất tiền gửi giảm mạnh, chi phí vốn (COF) của HDBank đã giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2024, góp phần vào sự phục hồi mạnh mẽ của NIM.
MBS nhận thấy, sự suy giảm lợi nhuận tài sản của HDBank đã chậm lại nhờ tăng trưởng tín dụng cao, trong khi xu hướng giảm của chi phí huy động nhanh hơn do môi trường lãi suất thấp. Bên cạnh đó, sự phục hồi mạnh mẽ của tăng trưởng tín dụng HDSaison đã đóng góp đáng kể vào sự gia tăng NIM của HDBank trong những quý gần đây.
Sau 4 quý liên tiếp tăng trưởng âm, HDSaison đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng dương 4,2% tính từ đầu năm 2024. Mặc dù xu hướng này đã chậm lại trong quý 2/2024 (5,3% tính từ đầu năm, 1,1% so với quý trước), nhưng điều này đã hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi NIM của toàn ngân hàng.
Cũng theo MBS, nhờ kết quả kinh doanh rất tích cực trong nửa đầu năm 2024, HDBank đã đẩy nhanh việc dự phòng để kìm hãm số dư nợ xấu tăng lên khi tín dụng tăng trưởng. Hơn nữa, nhóm phân tích đánh giá cao nỗ lực của ngân hàng trong việc ổn định tỷ lệ nợ xấu của HDSaison trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực.
Trong nửa cuối năm 2024, nhóm phân tích dự kiến áp lực gia tăng nợ xấu của HDBank sẽ giảm nhờ tăng trưởng tín dụng cao hơn và đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. MSB kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của HDBank sẽ tiếp tục tập trung vào khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (CMB/SME) vốn có nhu cầu tín dụng cao và chất lượng tài sản tốt hơn so với khách hàng bán lẻ.
Với những đánh giá trên, MBS dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2024 của HDBank sẽ tăng trưởng 28%, đạt khoảng 13.200 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2025 dự kiến tăng 29,7% nhờ thu nhập ngoài lãi phục hồi mạnh mẽ đến từ sự phục hồi của bancasurrance và phí dịch vụ. Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần 2025 dự kiến duy trì đà tăng nhờ NIM và tín dụng duy trì mức tương đương năm 2024.
MBS cũng kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của HDBank sẽ duy trì trên 28%/năm cho 5 năm tới như trong 5 năm vừa qua. Trong đó, động lực chính vẫn đến từ NIM được duy trì trên 5% trong khi tăng trưởng tín dụng trên 20%. Theo đó, tỷ suất sinh lời ROE sẽ duy trì mức cao hàng đầu ngành nhờ khả năng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và sử dụng vốn, đóng góp cho tỷ lệ P/B của cổ phiếu HDB luôn vượt trội hơn các ngân hàng tương đương.
Tăng trưởng tín dụng HDBank hiện đạt trên 15%, ngân hàng mong muốn NHNN giao thêm chỉ tiêu
Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần, ngày 21/9, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank, cho biết ngân hàng đến nay ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt trên 15% so với đầu năm, quy mô dư nợ vượt 390 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ thấp, chỉ 1,74%. Đồng thời, HDBank cũng tích cực, chủ động tham gia tái cơ cấu hệ thống NHTM cũng như triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp và người dân.
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, lãnh đạo HDBank nêu một số đề xuất.
Thứ nhất, về tăng trưởng tín dụng, đại diện HDBank đề nghị NHNN trên cơ sở cân đối các mục tiêu điều hành, tiếp tục rà soát tình hình trong quý 4, để xem xét giao thêm chỉ tiêu cho các TCTD có năng lực cung ứng vốn tốt.
HDBank cũng đề xuất tái triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng hỗ trợ đời sống công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất tương tự gói 20 nghìn tỷ đồng từng triển khai trong năm 2023, để hỗ trợ người dân và DN trong mùa cao điểm cuối năm. Bên cạnh đó là room tín dụng phục vụ cho các chương trình nhà ở xã hội, nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ người dân phục hồi sau bão..
Thứ hai, HDBank mong muốn tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính để DN mở rộng sản xuất kinh doanh. Thông tin cho thấy không ít DN đang gặp vướng mắc về pháp lý, thủ tục phê duyệt, hơn là khả năng tiếp cận vốn sau khi lãi suất cho vay đã giảm sâu và việc xét cấp tín dụng được tinh gọn.
Thứ ba, hiện tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống còn ở mức cao, do đó, để hỗ trợ người dân và DN bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, Hội nghị nên xem xét việc gia hạn hiệu lực của thông tư Thông tư 06 về cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ tới sau ngày 31/12/2024 với các hướng dẫn cụ thể hơn về giãn, hoãn, thời hạn trả nợ.
Nhịp sống Thị trường
- KienlongBank tiên phong triển khai đồng bộ cả 2 dự án Basel III & ESG
- Fitch Ratings nâng mức triển vọng tín dụng dài hạn của ACB từ ổn định lên “tích cực”
- VDSC: Thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng trên diện rộng
- Rủi ro tài sản các ngân hàng thương mại được kiểm soát sau bão Yagi
- Ngân hàng tiên phong xây dựng văn hóa số sáng tạo và gắn kết