MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

MBS: “Margin thị trường chưa đáng lo ngại, VN-Index vẫn nằm trong một sóng lớn”

MBS: “Margin thị trường chưa đáng lo ngại, VN-Index vẫn nằm trong một sóng lớn”

Đối với việc có một số thông tin cho rằng lượng margin trên thị trường quá lớn, MBS cho rằng, mỗi con số đều có một số mức độ ý nghĩa nhất định và cũng không nên đi đến kết luận dựa trên việc đọc lướt qua một chỉ báo duy nhất. Như với thông tin về margin được cho là quá lớn cần phải đặt trong bối cảnh thanh khoản hoặc vốn hóa hoặc GDP.

Trong báo cáo mới được công bố, CTCK MBS đã có những đánh giá tích cực về triển vọng TTCK Việt Nam sau những biến động mạnh thời gian gần đây.

Theo MBS, sự trỗi dậy của dòng tiền nội tiếp tục là chất xúc tác giúp thị trường duy trì trên ngưỡng 1.200 điểm kể từ đầu tháng 4 cho tới nay. Dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào nhóm VN30 là điểm nhấn đáng chú ý, đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp thanh khoản nhóm VN30 đạt trên 10.000 tỷ đồng/phiên, một mức kỷ lục. Thanh khoản bình quân toàn thị trường kể từ đầu tháng 4 cho tới nay hiện đang ở mức cao kỷ lục gần 23.000 tỷ đồng/phiên (tính cho cả 3 sàn).

Trong 2 tuần gần đây, mức thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX đạt bình quân 19.000 tỷ đồng, trong đó nhóm VN30 chiếm một nửa. Trong khi nhóm nhà đầu tư cá nhân vẫn liên tục mua ròng kể từ khi chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.150 điểm thì khối tự doanh lại bán ròng nhiều hơn là mua ròng và tuần vừa qua cũng là tuần đầu tiên khối tự doanh quay trở lại mua ròng sau 3 tuần bán ròng liên tiếp.

Dù chỉ giao dịch 4/5 phiên trong tuần vừa qua, tuy nhiên 2 phiên cuối tuần rất đáng chú ý. Nếu như phiên ngày thứ 5, thị trường giảm mạnh 40 điểm và được cho là có nguyên nhân từ thông tin margin quá lớn thì phiên ngược dòng ngày thứ 6, thị trường đã lấy lại ¾ số điểm đã mất sau khi quỹ ETF Fubon giải ngân.

Margin tăng mạnh nhưng chưa đáng lo ngại

Đối với việc có một số thông tin cho rằng lượng margin trên thị trường quá lớn, MBS cho rằng, mỗi con số đều có một số mức độ ý nghĩa nhất định và cũng không nên đi đến kết luận dựa trên việc đọc lướt qua một chỉ báo duy nhất. Như với thông tin về margin được cho là quá lớn cần phải đặt trong bối cảnh thanh khoản hoặc vốn hóa hoặc GDP.

Theo thống kê, thanh khoản thị trường đang ở mức kỷ lục, giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường đã đạt mốc 1 tỷ USD do vậy thanh khoản cao sẽ chứng minh cho việc margin cao. So sánh với các thị trường trên thế giới, hiện dư nợ margin ở thị trường Mỹ cũng đang ở mức cao kỷ lục kể từ năm 1995. So với thị trường Trung Quốc hồi năm 2015, lượng margin/vốn hóa lưu hành tự do (Free float) vào khoảng hơn 9%. MBS đánh giá với lượng margin như hiện tại đâu đó khoảng 110 nghìn tỷ đồng, thậm chí có thể dự phóng lên 150 nghìn tỷ đồng thì tỷ lệ này hiện vẫn dưới 7,09% lượng margin/vốn hóa lưu hành tự do (Free float) đối với thị trường trong nước.

Nhìn về diễn biến thị trường gần 2 tháng vừa qua, trong khi cả tháng 3 hầu như thị trường đi ngang tích lũy dưới ngưỡng 1.200 điểm nên lượng margin vào thị trường sẽ không lớn, thông thường margin lên cao khi thị trường tăng nóng. Cho tới khi thị trường chính thức vượt ngưỡng 1.200 điểm vào đầu tháng 4, mặc dù chỉ số tăng nhưng phần lớn cổ phiếu giảm trong thời gian này ngoại trừ các cổ phiếu trụ. Theo thống kê trên sàn HSX, ở thời điểm hiện tại vẫn có gần 65% số cổ phiếu chưa vượt ngưỡng 1.200 điểm hồi đầu tháng 4 (tính theo giá đóng cửa ngày 22/4). Do vậy, MBS cho rằng việc margin có tăng cũng phù hợp trong bối cảnh thanh khoản tăng và chưa đáng lo ngại.

VN-Index vẫn ở trong Bigtrend, canh mua cổ phiếu trong rổ ETFs

Tuần giao dịch này nằm trong hạn cuối (29/4) các quỹ ETF thực hiện tái cơ cấu danh mục và các chỉ số mới sẽ có hiệu lực kể từ ngày 4/5. Do vậy, MBS đánh giá thị trường có thể thận trọng ở nửa cuối tuần, dư địa tăng vẫn còn khi mà chứng khoán thế giới vẫn tiếp tục đi tìm đỉnh cao mới, trong nước các quỹ ETF vẫn đang giải ngân, kể từ đỉnh mới vừa qua chỉ số VN-Index cũng đã giảm hơn 70 điểm (so với mức thấp nhất) trong đó 1,5 phiên giảm cuối tuần có tác dụng rũ bớt lượng margin giúp thị trường tạo đà đi lên.

MBS: “Margin thị trường chưa đáng lo ngại, VN-Index vẫn nằm trong một sóng lớn” - Ảnh 1.

Một năm trước, chỉ số VN-Index đang còn ở mức đáy Covid, bây giờ chỉ số đang ở mức cao nhất kể từ trước tới nay, do vậy có thể coi xu hướng trung hạn của thị trường đang ở trong một Bigtrend và hiện chỉ số vẫn đang tạo khoảng cách khá an toàn so với trendline này.

MBS cho rằng chỉ số chung đang khá nhiễu do có sự phân kỳ với mặt bằng cổ phiếu. Mặc dù chỉ số vẫn duy trì trên ngưỡng 1.200 điểm nhưng vẫn có gần 65% số cổ phiếu ở sàn HSX hiện vẫn nằm dưới ngưỡng này, tức không theo kịp mức tăng của thị trường.

Trong ngắn hạn, việc re-test lại ngưỡng kháng cự tại vùng trading-range (1.226 - 1.266) cùng với cản của đường Trendline trung hạn chính là yếu tố khiến chỉ số rung lắc mạnh trong những phiên gần đây với đặc điểm các cây nến có biên độ giá tương đối rộng.

Điểm tích cực là chỉ số VN-Index vẫn duy trì tốt xu hướng tăng hiện tại khi nằm trên đường MA20 và kiểm nghiệm khá thành công vùng này trong phiên cuối tuần qua. Hơn nữa, việc điều chỉnh của đa phần các mã trong rổ VN-Index trong tuần qua có vẻ như sắp qua đi khi % số mã trong rổ VN-index nằm trên đường MA20 chỉ còn 31,8% - một trong những mức tiệm cận các vùng đáy kỹ thuật gần đây của chỉ số (như hình vẽ). Thứ hai là % số mã có RSI 14< 30 sau khi tăng lên gần 8% (thể hiện sự suy yếu của cổ phiếu) đã giảm trở lại chỉ còn 2,96% cho thấy giá nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh mạnh thời gian qua đang phục hồi trở lại.

MBS cho rằng vùng dao động hiện tại vẫn là điều chỉnh tích lũy tạo mặt bằng giá và thanh khoản mới. Trong điều kiện thị trường không có thông tin nào bất ngờ, chỉ số có thể sẽ tiếp đà phục hồi kiểm nghiệm lại vùng kháng cự tại trendline và đỉnh gần nhất ở 1.266 và 1.286 điểm. Vùng hỗ trợ ngắn hạn ở MA20 và vùng biên dưới của dải dao động là 1.216 và 1.226. Trên cơ sở đó, mặc dù rung lắc có thể tiếp diễn nhưng các thông số kỹ thuật hiện tại cho thấy rủi ro không nhiều và cơ hội để 65% cổ phiếu còn lại trong rổ VN-Index vượt đỉnh của chính mình sẽ tạo sức lan tỏa tích cực cho thị trường chung.

MBS: “Margin thị trường chưa đáng lo ngại, VN-Index vẫn nằm trong một sóng lớn” - Ảnh 2.

Về chiến lược đầu tư, MBS cho biết nhà đầu tư canh mua ở trong các nhịp retest với khối lượng thấp, cơ cấu sang nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 hoặc các cổ phiếu trong rổ các ETF khi các chỉ số mới sẽ có hiệu lực kể từ đầu tháng 5. Các cổ phiếu được mang tính chu kỳ, được hưởng lợi từ sự phục hồi hoặc mở cửa trở lại của nền kinh tế như ngân hàng, chứng khoán, thép, bán lẻ, công nghệ, cao su, dầu khí, khai khoáng… vẫn sẽ là tiêu điểm.

Minh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên