Mẹ Việt tiết lộ cách nuôi dạy con giản dị đến không ngờ: Con ngoan ngoãn tự lập, mày mò học hỏi và giành loạt thành tích đáng nể
Bí quyết dạy con của chị Vy khiến nhiều người ngạc nhiên!
- 11-03-2024Trao con gái 2 tuổi cho vợ chồng Pháp nhờ nuôi, mẹ Việt giàn giụa nước mắt khi thấy hình hài 21 năm sau
- 31-07-2023Mẹ Việt ở Úc lý giải: Vì sao học sinh nước này học theo kiểu "đuổi bướm hái hoa" nhưng nhiều em ra đời vẫn thành công?
- 15-05-2023Mẹ Việt tiết lộ chuyện nuôi dạy con ở Nhật
Năm nay học lớp 12, nhưng Hân Trần, con chị Vy Trần đã giành được loạt thành tích đáng nể. Nhờ được mẹ cho "tắm" tiếng Anh từ nhỏ nên khi qua Mỹ định cư 5 năm trước, Hân không bị bỡ ngỡ mà nhanh chóng hòa nhập và bứt phá trong học tập, đạt toàn bộ điểm A+ trong lớp 7. Lớp 8, lúc mới 14 tuổi, Hân bắt đầu học đa số lớp nâng cao của cấp 3 và được là học sinh nổi bật trong hội học sinh giỏi của trường.
Lớp 9, Hân học các lớp AP (Chương trình xếp lớp nâng cao). Đến thời điểm hiện tại, Hân đã học xong 12 lớp AP, tính đến lớp 12 thì em sẽ học gần 20 lớp AP. Tất cả các lớp em học và đã thi có điểm 2 năm trước là điểm 4 và 5 (AP điểm 4 hay 5 sẽ được đổi qua tín chỉ bậc đại học, rút ngắn thời gian học đại học). Hân đứng thứ 35/500 học sinh lớp 11, top 7% của trường (xếp hạng tổng các lớp đã học từ cấp 3).
Em từng có 1 giải thưởng về làm game từng được nhận làm thực tập viên cho 2 chương trình của Đại học Rice - thuộc top 20 của Mỹ và top 1 của tiểu bang Texas. Đó là chương trình thực tập về Digital Health chỉ dành cho 11 học sinh cấp 3 và 1 chương trình Toán number theory (Lý thuyết số) dành cho nữ. Hân cũng dành thời gian dạy Toán, sinh 100 giờ cho các bé nhỏ ở Phi, Mỹ. Em tham gia nhiều câu lạc bộ, giúp đỡ cộng đồng…
Khi mới học lớp 11, Hân được nhận vào University of Texas at Austin để tham gia nghiên cứu khoa học mùa hè với trị giá học bổng gần 6000 USD (bao gồm phần chi phí nghiên cứu 3.500 USD, và tiền được cấp hỗ trợ nghiên cứu 2.250 USD.
Đồng thời, Hân cũng được trao học bổng 4500 USD (chưa kể chi phí nghiên cứu) để nghiên cứu ở trường đại học tiểu bang South Dakota. Đây là nghiên cứu về đo mạch máu nhân tạo mà Hân rất thích, phù hợp với ngành nghề tương lai em chọn.
Hiện Hân còn mở lớp dạy STEM miễn phí cho nhiều bạn trẻ khắp nơi trên thế giới.
Không cho con học thêm, không ép con học giỏi
Nói về chuyện học hành của con, chị Vy cho biết, chị chưa bao giờ ép con học giỏi, bắt con học thêm và con cũng chưa bao giờ học thêm dù chỉ 1 giờ. Từ năm lớp 10 và đặc biệt là lớp 11, con mới bị áp lực học tập vì bài vở nhiều. Hân thức đêm học bài, chị xót con, còn phải giục con nghỉ ngơi sớm. Có những ngày chị xin phép cho con nghỉ 2 lớp đầu để ngủ rồi mới lên trường kiểm tra những môn sau.
"Câu cửa miệng của mình mỗi lần đón con đi học về lúc nhỏ: Nay con đi học có vui không, có bị ai bắt nạt không, có gì vui kể mẹ nghe không, có đói bụng không? Lớn 1 chút thì mỗi lần buồn con đều nói: Mẹ chở con đi mua bánh ăn đi, con buồn. Đứa trẻ nào cũng cần cha mẹ vỗ về, cũng cần được quan tâm, cũng cần được chơi chứ không phải ép học", chị Vy nói.
Từ nhỏ, chị chú trọng cho con học tiếng Anh và Toán. Tự nhận mình là một bà mẹ không biết tiếng Anh, không phải giáo viên, gia đình không khá giả, vậy nên chị để con tiếp xúc với tiếng Anh bằng cách luôn mở những bài hát, xem phim hoạt hình 100% tiếng Anh.
Chị dạy con biết vào Google tìm thông tin khi con học lớp 1 nên đến bây giờ con chưa bao giờ phải nhờ bất cứ dịch vụ tư vấn hỗ trợ nào để giúp ích cho việc học. Con cũng tự tìm thông tin học bổng, thực tập, tình nguyện viên, nghiên cứu...
Một trong những điều chị Vy chú trọng dạy con đó chính là sự lễ phép, biết chào hỏi, dạ thưa hay cảm ơn, xin lỗi. "Mình không có lộ trình gì cho con, mình nương theo tính cách của con chứ không bắt ép bất cứ gì. Mình gần như dành hoàn toàn thời gian cho con từ nhỏ tới bây giờ", chị Vy nói.
Một số hoạt động chị Vy luôn đồng hành cùng con:
1. Đọc sách: Chị mua sách có hình ảnh đẹp cho con từ bé, cho bé vào nhà sách chơi, nhìn sách đủ màu bé rất thích. Con thích đọc sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi còn ở Việt Nam. Qua Mỹ thì trường khuyến khích con đọc sách để có điểm nên con càng hăng say đọc. Thói quen này duy trì cho đến vậy giờ.
2. Debate (tranh biện): Em học 1 năm ở trường và tham gia club đến nay. Hân có đi thi đấu, không vào vòng sâu nhưng chủ yếu để dạn dĩ hơn, khi tranh luận bài bản hơn và viết văn hay hơn.
3. Speaking: Hân tự bắt chước giọng Mỹ ngay từ khi còn ở Việt Nam qua Youtube.
4. Lộ trình học: Chị không có lộ trình, cứ theo từng năm của con. Khi qua Mỹ học, Hân tự chọn lớp học theo khả năng và tiến bộ từ từ. Lớp 8 thì Hân đã học vài lớp của cấp 3; Từ lớp 9, 10 hầu hết là lớp nâng cao và AP, không có lớp thường; Lớp 11 tự chọn hết lớp AP. Bên này 1 năm học 7 môn (7 lớp), thời khóa biểu mỗi ngày đều giống nhau; Lớp 12 cũng 7 môn thì con học đủ 7 lớp AP.
Khuyến khích con tham gia các hoạt động theo sở thích
Năm nay lên lớp 12, Hân chọn ngành học là Biochemistry (Pre med). Chị Vy cho biết, hiện tại con muốn làm bác sĩ nhưng ngày còn nhỏ bé rất mê game, ước mơ của con là làm Youtuber về game, bé chơi game rất giỏi. Rồi bé rất ham tìm hiểu về chính trị và lại ước mơ lớn sẽ thành chính trị gia.
Lớn hơn 1 chút em lại thích trang điểm, sơn móng tay. Hân hay xin mẹ mua đồ trang điểm, rồi tự quay các video trang điểm bằng tiếng Anh. Sẵn có cuộc thi trên tivi, em đăng ký luôn dù hơi nhát và chưa bao giờ được rèn luyện đứng trước đám đông, chưa bao giờ lên sân khấu 1 mình nhưng vẫn gan dạ đi thi. Hân cũng mới tham gia cuộc thi Miss teen Việt ở thành phố đang sống. Em vẫn nhát nhưng đã vượt qua bản thân để đi thi. Mỗi lần con bảo thích làm cái gì đó chị đều ủng hộ, động viên.
"Ngày xưa mình cũng ước mơ đủ thứ nhưng không có điều kiện và khi có con gái thì mình luôn tạo điều kiện cho những gì bé thích, cho con cuộc sống thoải mái nhất, luôn lắng nghe con kể chuyện, không gò bó con, không áp đặt ước mơ lên con.
Mình luôn nói với con: Chỉ có học mới thay đổi cuộc sống. Theo mình, sự động viên của bố mẹ chính là liều thuốc tốt nhất giúp con có thể làm được bất cứ thứ gì con mong muốn. Mình không áp lực con học hay làm gì. Bây giờ con lớn hơn nên học hành căng thẳng, thấy con mệt mình còn bắt con ngủ, con hẹn giờ để thức dậy học bài mình còn lén tắt hết đồng hồ.
Điều cuối cùng là mình chấp nhận tính cách, năng lực, khả năng của con trong học tập, không đòi hỏi, con biết rằng con làm được thì mình đặt niềm tin hoàn toàn vào con", chị Vy nói.
Phụ nữ mới