Meta bị kiện vì "gây nghiện" cho giới trẻ
Tổng chưởng lý 33 bang của Mỹ hôm 24-10 đệ đơn kiện Tập đoàn Meta và mạng xã hội Instagram mà công ty này sở hữu.
- 09-10-2023‘Cú sốc’ TSMC tại Mỹ: Chi phí đắt gấp 5, văn hoá khác biệt, không tìm được nhân công vì ai cũng thích làm việc cho Meta, Apple
- 19-09-2023Mark Zuckerberg lại biến Meta trở thành công ty ‘chân ái’: Nhân viên bỗng thích đi làm, được cắt tóc, uống cà phê miễn phí hậu khủng hoảng
- 26-08-2023Người đàn ông bí ẩn giúp Meta, Google, Amazon cùng hàng loạt gã khổng lồ "sống chung" với đạo luật khắt khe nhất thị trường công nghệ châu Âu
Đơn kiện cáo buộc Meta góp phần gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở giới trẻ bằng cách khiến các mạng xã hội của mình trở nên gây nghiện. Meta hiện đặt trụ sở ở bang California - Mỹ và đang sở hữu mạng xã hội Facebook.
Theo đơn kiện nộp lên tòa án liên bang ở bang California, Meta đã khai thác các công nghệ mạnh mẽ và chưa từng có để lôi kéo, thu hút và cuối cùng là gài bẫy giới trẻ và thanh thiếu niên với động cơ lợi nhuận.
Logo của ứng dụng di động Instagram được nhìn thấy trên màn hình điện thoại tại một sự kiện ở TP Mumbai - Ấn Độ hôm 20-9 Ảnh: REUTERS
Đơn kiện cũng cho rằng một số nghiên cứu đã liên kết việc trẻ em sử dụng các nền tảng mạng xã hội của Meta với một loạt vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, chứng mất ngủ, ảnh hưởng đến việc học tập, cuộc sống hằng ngày và nhiều tác động tiêu cực khác.
Các bang cũng cáo buộc Meta vi phạm luật cấm thu thập dữ liệu của người dưới 13 tuổi.
Ngoài vụ kiện của 33 bang nói trên, 8 bang khác và thủ đô Washington DC cũng có các hành động pháp lý tương tự chống lại Meta trong ngày 24-10.
Meta cho biết họ "thất vọng" vì vụ kiện mới nhất. "Thay vì làm việc hiệu quả với các công ty trong ngành công nghiệp để tạo ra những tiêu chuẩn rõ ràng, phù hợp với lứa tuổi cho nhiều ứng dụng được thanh thiếu niên sử dụng, các tổng chưởng lý đã chọn con đường này" - Meta phản ứng.
Trước Meta, mạng xã hội TikTok của Công ty ByteDance (Trung Quốc) và dịch vụ chia sẻ video YouTube của hãng Google (Mỹ) cũng đã phải đối mặt hàng trăm vụ kiện tương tự.
Người Lao động