MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Miễn giảm lãi vay cho khách bị thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi: Xác đáng nhưng cần tránh thất thoát

23-03-2019 - 14:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Rủi ro cao trong ngành chăn nuôi nói riêng, nông nghiệp nói chung thường sẽ làm "chùn bước" các tổ chức tín dụng, bởi họ không thể mạo hiểm ném vốn vào những lĩnh vực mà khả năng trả nợ của người vay phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố khó hoặc không kiểm soát được.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đưa ra yêu cầu các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sau dịch kết thúc v.v... đối với những gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi.

NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố được yêu cầu nắm sát diễn biến dịch trên địa bàn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng kịp thời thống kê dư nợ cho vay chăn nuôi lợn, dư nợ bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra để chủ động có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ban, ngành kịp thời tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Chỉ đạo trên của NHNN là phù hợp với định hướng thúc đẩy và phát triển các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Định hướng này được cụ thể hóa trước tiên ở những giải pháp yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Do các lĩnh vực ưu tiên này có nhiều rủi ro, chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp thì có thiên tai, dịch bệnh, mất mùa hoặc tồn ứ sản phẩm, nên NHNN buộc phải có thêm những giải pháp khác để giảm rủi đầu tư vào các lĩnh vực này.

Trong trường hợp ngành chăn nuôi lợn, NHNN có giải pháp yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới với người chăn nuôi chịu thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi nhằm giảm thiệt hại và khích lệ người dân và doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và phát triển chăn nuôi, không vì rủi ro dịch bệnh (và mất giá) mà thoái lui khỏi ngành.

Tuy nhiên, đến đây, một câu hỏi sát sườn được đặt ra là, vậy quyền lợi của các tổ chức tín dụng thì giải quyết thế nào?

Như đã nói, rủi ro cao trong ngành chăn nuôi nói riêng, nông nghiệp nói chung thường sẽ làm "chùn bước" các tổ chức tín dụng, bởi họ không thể mạo hiểm ném vốn vào những lĩnh vực mà khả năng trả nợ của người vay phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố khó hoặc không kiểm soát được. Nên lẽ thường tình khi NHNN muốn khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay nông nghiệp thì NHNN buộc phải chìa ra "củ cà rốt" để các tổ chức tín dụng trở nên tích cực hơn với ngành nông nghiệp. Những đãi ngộ từ NHNN như vậy có thể là những gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp có nguồn gốc từ NHNN mà các tổ chức tín dụng thực tế chỉ đóng vai là kênh phân phối, hoặc những ưu đãi dưới dạng này hay dạng khác gồm, ví dụ, quota tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Điều dường như nghịch lý là trong trường hợp xấu như khi nổ ra dịch tả lợn châu Phi, NHNN lại yêu cầu các tổ chức tín dụng tiến hành xem xét giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay v.v... Tức là NHNN dường như đang "làm khó" thêm các tổ chức tín dụng đang phải đối mặt với khả năng không thu hồi được nợ do dịch bệnh?

Thực ra, trong chỉ đạo của NHNN, có chi tiết chi nhánh NHNN các tỉnh thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương có các giải pháp xử lý rủi ro, tháo gỡ khó khăn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó thiệt hại của các tổ chức tín dụng đến từ việc khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho người vay chịu thiên tai, dịch bệnh sẽ được bù đắp bởi ngân sách nhà nước. Cụ thể hơn, Nghị định 116 quy định: "Số tiền lãi tổ chức tín dụng không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách nhà nước cấp tương ứng từ ngân sách địa phương. Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách trung ương".

Như vậy, nếu thực hiện theo đúng yêu cầu và chỉ đạo của NHNN thì các tổ chức tín dụng khi tăng cường cho vay các lĩnh vực ưu tiên sẽ, về nguyên tắc, hầu như không phải chịu thiệt hại đáng kể nào dù rủi ro cho vay là cao. Bởi, rốt cuộc mọi thiệt hại và rủi ro đều được ngân sách nhà nước trung ương và địa phương "gánh hộ".

Điều đáng nói còn lại ở đây là tránh thất thoát từ chủ trương xóa nợ, giãn nợ, giảm lãi này. Khi dịch tả lợn châu Phi mới nổ ra, đã có những đề xuất nhà nước trợ cấp, đền bù cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy vì dịch một tỷ lệ nào đó so với giá thị trường (chẳng hạn 80% giá thị trường). Nếu giải pháp này được thực thi, sẽ có nhiều trường hợp hộ/doanh nghiệp chăn nuôi được hưởng lợi hai lần, từ trợ cấp trực tiếp cho lợn bị tiêu hủy, và từ việc được tổ chức tín dụng xóa nợ, khoanh, giãn nợ, giảm lãi vay v.v...

Và cũng không loại trừ khả năng có sự thông đồng, cấu kết giữa hộ/doanh nghiệp chăn nuôi với cán bộ ngân hàng và của cơ quan hữu quan để khai khống thiệt hại, làm tăng khoản đền bù từ ngân sách.

Với những rủi ro thất thoát nêu trên và những rủi ro thất thoát khác, NHNN cũng nên có thêm chỉ đạo và phối hợp các đơn vị, cơ quan chức năng có các biện pháp thanh tra, giám sát, kiểm soát các hành vi trục lợi từ một chủ trương đúng để giảm thiểu thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Đây là điều rất quan trọng nhưng vẫn còn thiếu vắng trong định hướng và chỉ đạo của không chỉ của NHNN mà còn của nhiều cơ quan hữu quan khác, trong khi thực tế cho thấy nhiều chủ trương, giái pháp tương tự của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương từ trước đến nay thường xuyên bị trục lợi.

TS. Phan Minh Ngọc

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên