MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Milo không sữa và "thịt lợn" không làm từ thịt: Màn cược lớn vào thực phẩm gốc thực vật ở châu Á

13-04-2021 - 19:29 PM | Tài chính quốc tế

Milo không sữa và "thịt lợn" không làm từ thịt: Màn cược lớn vào thực phẩm gốc thực vật ở châu Á

Nestlé và các thương hiệu khác đặt cược lớn vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật ở châu Á trong bối cảnh chúng đang nổi lên như một giải pháp mới trong thực đơn của loài người.

Sữa Milo là một sản phẩm rất phổ biến ở Đông Nam Á nhiều thập kỷ qua. Bây giờ, bữa sáng và món khoái khẩu này sắp dậy sóng khi thức uống này hoàn toàn không có sữa.

Sản phẩm này là một trong những phát minh mới nhất dựa trên thực vật của Nestlé và sẽ sớm góp mặt ở thị trường Đông Nam Á trong tuần này. Cụ thể, từ ngày 15/4, chúng sẽ bắt đầu có mặt trong các siêu thị ở Malaysia. Tập đoàn đa quốc gia của Thụy Sĩ cũng lên kế hoạch để đưa sản phẩm này góp mặt ở các quốc gia khác.

Milo, thứ thức uống quen thuộc với khá nhiều người Việt Nam, sẽ không có sữa bởi công ty nhận ra tiềm năng của các sản phẩm protein thực vật. Đây trở thành ví dụ mới nhất cho việc các doanh nghiệp đang đặt cược vào các sản phẩm có nguồn gốc thực vật ở châu Á thay thế các sản phẩm từ động vật truyền thống.

Thực phẩm có nguồn gốc thực vật không phải điều gì lạ lẫm ở châu Á. Tuy nhiên, chúng đang trở nên thu hút hơn bởi nhiều lý do, từ việc khách hàng muốn áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh hơn đến lo ngại về tác động của chăn nuôi đến môi trường. Trong khi đó, một số người tiêu dùng chỉ đơn giản muốn mình không bỏ lỡ một xu thế mới, nhất là khi nhiều người trẻ tuổi muốn giảm bớt khẩu phần thịt trong thực đơn hàng tuần của mình.

Tuy nhiên, đối với các công ty trong lĩnh vực F&B, điều này thực sự là cơ hội để khai thác khoản doanh thu 25 tỷ USD trong khu vực. David Yeung, người sáng lập Green Monday – một trong số ít công ty chuyên về protein thực vật được công nhận rộng rãi trên toàn cầu, nói rằng: "Tình thế đang thay đổi. Khái niệm về các loại protein thay thế đang dần trở nên phổ biến hơn".

Khi Yeung bắt đầu kinh doanh vào năm 2012, nhiều người châu Á tin rằng ăn chay có nghĩa chỉ ăn rau hoặc đậu phụ. "3 năm trước, chúng tôi rất khó để giao hàng cho các siêu thị. Người ta sẽ thường hỏi những câu như cái này là cái gì, nó chẳng bán được đâu. Tuy nhiên, bây giờ, mọi người nhanh chóng nhận ra thịt thực vật. Chúng đang rất thịnh hành ở Hồng Kông", Yeung nói.

Ngay cả trong các cửa hàng cà phê, các sản phẩm từ thực vật cũng nằm trong thực đơn. Chúng đang trở nên phổ biến và được rất nhiều người đầu tư, bao gồm cả các nhà đầu tư nổi tiếng. Tuy nhiên, sản phẩm này không nhận được sự chào đón ở phương Tây.

Dữ liệu cho thấy nhu cầu với thịt có nguồn gốc thực vật tăng ổn định ở châu Á vài năm qua. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, sản phẩm này vẫn tăng trưởng mạnh. Theo nhà nghiên cứu thị trường Euromonitor International, tính đến năm 2020, các ngành công nghiệp sản xuất thịt và sữa thay thế ở châu Á – Thái Bình Dương có trị giá tổng cộng 25,6 tỷ USD, tăng 21,5 tỷ USD so với 5 năm trước.

Chính phủ Singapore cũng nắm bắt được xu thế này, tạo thêm động lực cho các công ty. "Chúng tôi nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với protein thay thế. Đó sẽ là một cơ hội tăng cường an ninh lương thực của thế giới", một quan chức phụ trách lương thực của Singapore cho biết.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên