Mở lại vụ xử cựu lãnh đạo Ngân hàng MHB: Đề nghị triệu tập kiểm toán viên, giám định viên
Các luật sư đề nghị hội đồng xét xử triệu tập kiểm toán viên, giám định viên có mặt tại tòa để làm rõ thiệt hại trong vụ án.
- 19-11-2018Bộ sậu MHB lập công ty sân sau để trục lợi Pháp luật
- 17-10-2018'Đại án' MHB: Lộ dòng tiền 5.000 tỷ đồng rời ngân hàng
- 16-10-2018Cựu chủ tịch Ngân hàng MHB bị truy tố
Sáng nay (19/11), TAND TP.HCM trở lại vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần chứng khoán Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MBHS), Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long ( MHB ), sau hơn 4 tháng trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Nguyên đơn dân sự trong vụ án này là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Thẩm phán Trần Minh Châu giữ vị trí chủ tọa phiên tòa lần này thay cho thẩm phán Vũ Thanh Lâm. Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 21/11.
Ngoài bị cáo Huỳnh Nam Dũng (nguyên chủ tịch MHB, MHBS) còn có các bị cáo Nguyễn Phước Hòa (nguyên Tổng Giám đốc MHB), Bùi Thanh Hưng (nguyên Phó Tổng giám đốc MHB), Nguyễn Văn Thanh (nguyên Kế toán trưởng MHB), Lữ Thị Thanh Bình (nguyên Tổng giám đốc MHBS), Đặng Văn Hòa (nguyên Phó Tổng Giám đốc MHBS).
Sau phần kiểm tra căn cước các bên, các luật sư nêu ý kiến. Luật sư Trương Thị Minh Thơ và hầu hết luật sư của các bị cáo khác đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập đại diện kiểm toán viên, giám định viên. Bị cáo Huỳnh Nam Dũng cho rằng cần thiết phải có sự triệu tập kiểm toán viên, giám định viên để đối chất tại tòa.
Luật sư Vũ Xuân Nam, bào chữa cho bị cáo Huỳnh Nam Dũng đề nghị giám định lại kết quả thiệt hại của vụ án vì đây là tài liệu cơ bản để buộc tội bị cáo.
Chủ tọa cho biết, trước khi phiên tòa diễn ra, HĐXX đã nhiều lần nhận được đơn của bị cáo Huỳnh Nam Dũng về việc cần triệu tập kiểm toán viên, giám định viên. Tòa đã tiến hành triệu tập kiểm toán viên, giám định viên. Hiện mới có đại diện của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có mặt tại tòa, đại diện của Ngân hàng Nhà nước do một số lý do dự kiến có mặt tại tòa trong chiều nay, chậm nhất là phiên xử sáng mai (20/11).
Về đề nghị giám định lại, HĐXX cho biết giám định lại đã có trong hồ sơ, HĐXX sẽ xem xét trong phần xét hỏi, tranh tụng. Phía cơ quan xét xử cũng cho hay, chờ sự có mặt của đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu ý kiến xem có cần giám định lại thiệt hại hay không.
Phiên tòa chuyển sang phần xét hỏi. Trước đó, đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng.
Trong giai đoạn từ năm 2011-2014, ông Huỳnh Nam Dũng và Nguyễn Phước Hòa thông qua việc họp Hội đồng quản lý tài sản nợ - tài sản của MHB để thống nhất chủ trương chuyển 4.975 tỷ đồng cho MHBS với nội dung hợp tác đầu tư trái phiếu chính phủ.
Thực chất, Lữ Thị Thanh Bình, nguyên tổng giám đốc MHBS đã sử dụng 3.357 tỷ đồng trong số tiền trên đem gửi có kỳ hạn ngay tại các chi nhánh trong hệ thống của MHB để hưởng lãi suất hơn 45 tỷ đồng. Công ty MHBS đã sử dụng 1.558 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu, trong đó sử dụng hơn 966 tỷ đồng để ký các hợp tác đầu tư môi giới, mua bán trái phiếu chính phủ của chính MHB thông qua một số công ty trung gian. Việc môi giới, mua bán trái phiếu quay vòng như trên đã để cho các công ty trung gian và MHBS được hưởng lợi, dẫn đến thiệt hại cho MHB tổng số tiền hơn 349 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, thông qua hành vi trên bị cáo Dũng hưởng lợi 460 triệu đồng; Lê Nguyên Ngọc hưởng lợi 568 triệu đồng, Nhân hưởng lợi 930 triệu đồng, Hùng hưởng lợi 151 triệu đồng, Đoàn Hồng Ngọc hưởng lợi 131 triệu đồng và Liêm hưởng lợi 280 triệu đồng.
Trong quá trình điều tra cũng như trước phiên xét xử, ông Huỳnh Nam Dũng liên tục gửi đơn kêu oan lên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, TAND TP.HCM về việc phát sinh khoản nợ của MHBS đối với MHB là từ 2010 trước đó MHBS đã phát hành trái phiếu bán cho Ngân hàng ACB, tổng giá trị là 400 tỷ đồng, thời hạn 3 năm với sự bảo lãnh của ngân hàng MHB. Nếu MHBS không trả được, ACB sẽ xử lý nợ bằng cách lấy khoản tiền của MHB đang gửi tại ACB.
Đơn của cựu Chủ tịch MHB và MHBS nêu, sau khi MHBS bán trái phiếu cho ACB, khoản tiền này được đem cho khách hàng vay. Tuy nhiên khách hàng chiếm dụng vốn nên MHBS không thu hồi được gây nợ xấu. Như vậy sai phạm xảy ra tại MHBS trong năm 2010, chứ không phải việc MHB chuyển tiền cho MHBS sử dụng sai mục đích trong giai đoạn 2011-2014.