MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở ngân hàng 100% vốn tại Lào, Vietcombank đang hướng tới mục tiêu gì?

19-10-2018 - 11:01 AM | Tài chính - ngân hàng

Là ngân hàng chậm chân hơn so với các đối thủ cạnh tranh như BIDV, VietinBank, và thậm chí là Sacombank hay MB, nhưng theo chủ tịch Vietcombank Lào là ông Phạm Mạnh Thắng thì ngân hàng vẫn đang khá tự tin với thị trường sơ khởi nhưng đầy tiềm năng này.

Vietcombank chính thức đưa ngân hàng con 100% tại Lào vào hoạt động

Ngày 12/7/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được thành lập Ngân hàng 100% vốn của Vietcombank  tại Lào. Đến nay, sau hơn 1 năm chuẩn bị, Vietcombank đã chính thức khai trương để ngân hàng con tại Lào đi vào hoạt động.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Phạm Mạnh Thắng – Phó TGĐ Vietcombank kiêm Chủ tịch Ngân hàng TNHH MTV Ngoại thương Việt Nam tại Lào (Vietcombank Lào).

PV: Thưa ông, ngày 12/7/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chấp thuận việc thành lập Ngân hàng 100% vốn của Vietcombank tại Lào. Ông có thể cho biết một số lý do tại sao Vietcombank lại chọn thị trường Lào để thành lập ngân hàng 100% vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh?

Ông Phạm Mạnh Thắng: Trước tiên, phải khẳng định rằng việc mở rộng phát triển mạng lưới trong và ngoài nước của Vietcombank là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần triển khai trong quá trình hiện thực hóa đề án cơ cấu lại hệ thống Vietcombank đến năm 2020 đã được Thống đốc NHNN Việt Nam phê duyệt với tầm nhìn và sứ mệnh trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực; một trong 300 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Để có thể hiểu được lý do Vietcombank lựa chọn thị trường Lào, cần nhìn nhận qua nhiều góc độ khác nhau.

Nhìn trên góc độ ngoại giao, quan hệ hữu nghị Việt-Lào là mối quan hệ truyền thống, đoàn kết và hợp tác toàn diện từ lịch sử tới hiện tại giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn có những chủ trương và sử dụng tối đa nguồn lực có thể để hỗ trợ Lào trong công cuộc phát triển. Là một định chế tài chính lớn của Việt Nam, Vietcombank nhận thức rõ ràng trách nhiệm của mình trong việc triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà Nước. Đây là một trong những lý do để Vietcombank lựa chọn Lào là thị trường gần gũi, có quan hệ tốt đẹp để thành lập chi nhánh, đánh dấu sự hiển diện đầy đủ đầu tiên của Vietcombank trong hoạt động kinh doanh tài chính ngân hàng bên ngoài biên giới quốc gia.

Mở ngân hàng 100% vốn tại Lào, Vietcombank đang hướng tới mục tiêu gì? - Ảnh 1.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank kiêm chủ tịch Vietcombank Lào

Nhìn trên góc độ địa lý, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, có đường biên giới dài khoảng 2.340 km, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam, giao thông đi lại giữa 2 nước khá tiện lợi giúp cho việc giao thương giữa 2 nước rất dễ dàng. Đồng thời Lào là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập vào thị trường của hơn 150 triệu dân tiểu vùng Mekong.

Nhìn trên góc độ kinh tế, Lào là một nước khá ổn định và đang phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao trong nhiều năm (tăng trưởng GDP trung bình 2013 – 2017 đạt 7,4%), thu nhập bình quân đầu người của Lào đến năm 2017 đạt  2.472USD/người. Về lạm phát, theo NHTW Lào, trong 3 năm gần đây nhất chỉ số lạm phát của Lào chỉ số ở mức dưới 1,6%. Đồng thời đây cũng là quốc gia có tiềm năng lớn về khoáng sản, thuỷ điện, nông lâm nghiệp, cộng với nguồn lao động dồi dào, nhu cầu về vốn và các dịch vụ tài chính để phát triển kinh tế tại đây rất lớn. Việc nhanh chóng tham gia vào thị trường Lào sẽ góp phần đáp ứng được các nhu cầu trên và là một cơ hội đầu tư đầy tiềm năng, triển vọng đối với Vietcombank.

Nhìn trên góc độ tài chính ngân hàng, thị trường tài chính Lào hiện đang ở giai đoạn đầu của bước phát triển mới, Lào có thị trường vốn đã bắt đầu định hình và thị trường chứng khoán vừa chính thức hoạt động. Đây sẽ là một cơ hội mới để Vietcombank cung cấp các gói dịch vụ tài chính hoàn hảo cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào cũng như các doanh nghiệp tại Lào, qua đó gián tiếp thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều và mở rộng hợp tác thương mại giữa hai nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị Việt – Lào.

Như vậy có thể nói xét về các phương diện ngoại giao, địa lý, thị trường, Lào là một đất nước phù hợp để chúng tôi lựa chọn mở rộng hoạt động kinh doanh phù hợp với chiến lược và tầm nhìn đến năm 2020 của Vietcombank.

Ông có thể chia sẻ những thuận lợi và thách thức ca Vietcombank khi m Ngân hàng 100% vốn ti Lào?

Ông Phạm Mạnh Thắng: Đầu tiên, tôi xin được đề cập đến những thách thức.

Đối với thị trường Lào, Vietcombank chậm hơn so với một số ngân hàng Việt Nam Có thể kể đến như BIDV, VietinBank đã xuất hiện khá lâu tại Lào, ngoài ra còn có Sacombank, Vietbank, MBBank. Như vậy sự cạnh tranh trong chính nội bộ các ngân hàng của Việt Nam tại đây là khá lớn trong tương lai. Mặc dù Vietcombank đã khẳng định được vị thế của mình tại thị trường Việt Nam tuy nhiên đối với một thị trường mới là Lào việc triển khai quảng bá thương hiệu, cung cấp dịch vụ, tìm kiếm và chăm sóc khách hàng sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, để triển khai một ngân hàng cần rất nhiều công đoạn, từ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin, mạng lưới bán hàng, đội ngũ chăm sóc khách hàng… Thách thức lớn nhất của Vietcombank trong quá trình triển khai là vấn đề thời gian khi một mặt chúng tôi phải hoàn thiện bộ máy, cơ sở hạ tầng, vật chất, mặt khác phải đẩy nhanh quá trình này để có thể cung cấp dịch vụ đến khách hàng tại Lào nhanh nhất vì thực tế như tôi đã nói ở trên, Vietcombank đang chậm chân so với các ngân hàng của Việt Nam chứ chưa nói đến các ngân hàng nội địa của nước bạn.

Một thách thức khác cũng khá quan trọng đó chính là hệ thống luật pháp của Lào còn đang trong quá trình hoàn thiện; nền kinh tế dựa nhiều vào nông nghiệp và tài nguyên cùng các khoản đầu tư tài trợ từ nước ngoài. Về hệ thống tín dụng, các ngân hàng thương mại quốc doanh Lào đóng vai trò quan trọng và chiếm thị phần lớn trong hệ thống. Các hoạt động trên thị trường 1, thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) chỉ ở mức sơ khai với chỉ vài ngân hàng tham gia giao dịch nhỏ lẻ. Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ ngân hàng còn ở mức chưa cao, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng do NHTW chủ trì mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm.

Bên cạnh những thách thức như tôi đã nói ở trên, Vietcombank cũng có những thuận lợi nhất định. Trước tiên đó chính là mối quan hệ ngoại giao đặc biệt sâu sắc giữa Việt Nam và Lào sẽ giúp cho các hoạt động của Vietcombank được hỗ trợ tốt hơn.

Thị trường tài chính ngân hàng còn sơ khởi của Lào tuy là một thách thức nhưng đây có thể coi là một cơ hội cho Vietcombank do hiện tại Vietcombank đã có những kinh nghiệm, những bài học trong 55 năm hình thành và phát triển. Chúng tôi sẽ mang những hệ thống sẵn có, những quy trình đã được xây dựng chuẩn, các sản phẩm dịch vụ đã được khẳng định trên thị trường Việt Nam để nhanh chóng triển khai cho thị trường Lào.

Bên cạnh đó, với việc thành lập Ngân hàng con 100% Vốn tại Lào, Vietcombank có thể tận dụng mạng lưới khách hàng hiện có của Vietcombank: khoảng 40 doanh nghiệp với 46 dự án đầu tư sang Lào (với tổng quy mô vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD) đang có quan hệ tín dụng với Vietcombank.

Với những thuận lợi và thách thức đã xác định như vậy, ông có thể cho biết những kế hoạch và định hướng của Ban lãnh đạo Vietcombank để phát triển ngân hàng tại Lào trong tương lai?

Ông Phạm Mạnh Thắng: Về cơ bản, Vietcombank Lào được thừa hưởng uy tín và thương hiệu Vietcombank với nền tảng hạ tầng công nghệ hiện đại; sản phẩm dịch vụ đa dạng; hệ thống quản lý rủi ro, giám sát hoạt động chặt chẽ. Nhằm mục đích tạo sức cạnh tranh với các ngân hàng khác, dự kiến Vietcombank Lào sẽ tập trung khai thác và phục vụ các đối tượng khách hàng có mối quan hệ vững chắc với ngân hàng mẹ tại Việt Nam. Đồng thời, không ngừng nghiên cứu đổi mới sản phẩm dịch vụ đảm bảo thích ứng và phù hợp với môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân tại Lào. Cụ thể hóa điều này, trong các năm đầu, Vietcombank Lào sẽ tập trung vào các khách hàng là các Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào (hiện tại khoảng hơn 200 doanh nghiệp), đặc biệt là tiếp cận các dự án đã được cấp phép và đang trong giai đoạn xin cấp phép cùng với doanh nghiệp hiện là khách hàng Vietcombank tại Việt Nam. Mở rộng một phần ra các Doanh nghiệp, cá nhân tại Lào để chiếm thị phần.

Về sản phẩm huy động vốn, Vietcombank Lào sẽ xây dựng chính sách huy động nguồn vốn với lãi suất huy động cạnh tranh, linh hoạt, phù hợp với diễn biến của thị trường và nhu cầu của các khách hàng.

Về tín dụng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào khu vực các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư FDI tại Lào như viễn thông, bảo hiểm, năng lượng, hóa chất, xăng dầu, phân phối hàng tiêu dùng.. chú trọng tiếp cận các doanh nghiệp là Tập đoàn, Tổng công ty lớn tại Lào trong các lĩnh vực thiết yếu như thiết bị y tế, hàng tiêu dùng, phân phối ô tô, may mặc.

Về hoạt động dịch vụ, triển khai Cung cấp các sản phẩm TTQT, bảo lãnh cho các khách hàng doanh nghiệp kinh doanh XNK, xây dựng; Tập trung phát triển các sản phẩm ngân hàng điện tử, các sản phẩm thẻ , phát triển hệ thống ATM,/POS nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với xu hướng và thị hiếu của các khách hàng đặc biệt là giới trẻ bản địa; Cung cấp các dịch vụ ngân quỹ, quản lý dòng tiền, tư vấn, kiều hối.

Về kế hoạch triển khai, Vietcombank Lào tiến hành xây dựng hệ thống Core-banking, hệ thống máy chủ, hệ thống khôi phục dữ liệu, các phần mềm kết nối trực tuyến 24/24h giữa hệ thống giữa Vietcombank Lào với Ngân hàng mẹ để kịp thời nắm bắt các biến động trong hoạt động của Vietcombank Lào, tăng cường công tác giám sát… Xây dựng các chương trình phần mềm tin học, hiện đại hóa công nghệ thông tin, đầu tư hạ tầng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và an toàn kinh doanh.

Về nguồn nhân lực, ban đầu Vietcombank sẽ cử các nhân sự có chất lượng từ Việt Nam sang hỗ trợ song song với việc tuyển mới các nhân sự tại địa phương để hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức.

Về phát triển mạng lưới, Vietcombank Lào sẽ xây dựng các phòng giao dịch, chi nhánh tại các địa phương theo lộ trình trên nhu cầu của khách hàng và nhân sự của Vietcombank Lào.

Tận dụng tối đa sự hỗ trợ nguồn lực và mối quan hệ của Vietcombank tại Việt Nam, Ban lãnh đạo mong muốn Vietcombank Lào sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và khẳng định vị thế dẫn đầu tại các thị trường Vietcombank hiện diện.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông và chúc Vietcombank Lào sẽ có được những bước khởi đầu thành công như kỳ vọng và sẽ hoàn thành vượt mức các mục tiêu chiến lược do Vietcombank đề ra trong giai đoạn tới!

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên