MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở Trung tâm dưỡng lão 2 năm tại Hà Nội không có khách nhưng nhờ “điên” người đàn ông này tạo ra thay đổi lớn

10-01-2019 - 17:55 PM | Sống

Đang là trợ lý giám đốc tại BVĐK Thanh Nhàn (Hà Nội), ông Nguyễn Tuấn Ngọc quyết định xin nghỉ “một cục” về mở Trung tâm dưỡng lão. Thời điểm ấy, khái niệm Nhà dưỡng lão được ví như nhà “tù” dành cho những người cô đơn, bất hạnh.

Khởi nghiệp trong "tâm bão"

Trước đây, nhiều người quan niệm đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão là bất hiếu. Cùng với khái niệm "nhà dưỡng lão" chỉ dành cho những người già neo đơn, không nơi nương tựa, ông Nguyễn Tuấn Ngọc có quyết định khá "điên" khi mở Trung tâm dưỡng lão. Để thực hiện ý tưởng "điên" ấy, ông Ngọc bán hết nhà, tài sản đang có cộng với số tiền nghỉ việc "một cục".

Số tiền gom được không nhiều, khu đất ông chọn dựng nhà dưỡng lão xa tít tận xã Minh Khai (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Khu này vốn là nhà kho cũ, dùng để máy nông cụ của Công ty Vườn quả du lịch Từ Liêm, cỏ dại xung quanh mọc quá đầu người. Nhân viên những ngày đầu cũng chỉ vỏn vẹn 5 người.

Năm 2001, Trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động nhưng ngoài 10 cụ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn Trung tâm nhận nuôi miễn phí thì không tuyển ai. Mọi người hầu như quay lưng lại với trung tâm vì định kiến dư luận.

Mở Trung tâm dưỡng lão 2 năm tại Hà Nội không có khách nhưng nhờ “điên” người đàn ông này tạo ra thay đổi lớn - Ảnh 1.

Kể về giai đoạn đó ông Ngọc chia sẻ, hai năm đầu thành lập hầu như Trung tâm không thu được một đồng tiền phí nào. Hàng ngày có nhiều người vào Trung tâm nhưng vì tò mò thì nhiều chứ ít người vào mục đích gửi gắm người nhà.

"Thời điểm đó có nhiều cụ con cái làm ăn xa, ở nhà một mình cô quạnh nên đã đăng ký vào Trung tâm. Nhưng ở được vài bữa lại ôm đồ về vì sợ hàng xóm biết sẽ cười con cháu tội bất hiếu. Trước tình cảnh ấy nhiều người nhắn tin, bảo ‘điên’ thế đủ rồi, nên dừng lại. Nhưng chính những điều ấy đã khích lệ tôi phải thực hiện bằng được ý tưởng của mình" – ông Nguyễn Tuấn Ngọc chia sẻ.

Trải qua 2 năm đầu vắng bóng, bước sang năm thứ 3, Trung tâm bắt đầu đón những vị khách đầu tiên. Song những người đầu tiên đến với Trung tâm chủ yếu là người già đau ốm, tai biến, bị liệt. Coi đây là thử thách và cũng là cơ hội khẳng định thương hiệu nên ông Ngọc dốc sức chăm sóc, phục hồi và đem lại nụ cười cho các cụ.

Lâu dần "tiếng lành đồn xa", mọi người dần biết đến Trung tâm và bước đầu đã có thay đổi về nhận thức đối với hoạt động này. Từ đó, ngày càng có nhiều gia đình gửi gắm người thân của mình vào trung tâm dưỡng lão

Nhiều câu lạc bộ cho người già và người 103 tuổi

Trải qua 17 năm đi vào hoạt động, hiện nay Trung tâm đã xây dựng, mở rộng và phát triển thành hệ thống gồm 3 cơ sở. Mô hình chăm sóc dưỡng lão tại Trung tâm được thực hiện theo tiêu chuẩn của Nhật Bản và Đức.

Theo đó ngoài khu vui chơi, khu chăm sóc tích cực của Trung tâm được đầu tư thiết bị y tế đầy đủ, đảm bảo xử lý ban đầu cho các cụ khi có tai biến thứ phát xảy ra và chuyển tới các bệnh viện chuyên khoa điều trị kịp thời.

Đối với không gian riêng, Trung tâm thiết kế một căn hộ nhỏ gồm một phòng ngủ, một phòng khách, phòng ăn, một buồng tắm và có y tá riêng thường trực. Chế độ ăn phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng bệnh lý của từng người.

Mở Trung tâm dưỡng lão 2 năm tại Hà Nội không có khách nhưng nhờ “điên” người đàn ông này tạo ra thay đổi lớn - Ảnh 2.

Đặc biệt các cụ ở Trung tâm được tham gia các hoạt động văn hóa tinh thần, giao lưu câu lạc bộ như: Thơ ca, cờ tướng, khiêu vũ, tham quan, lễ chùa hoặc hoạt động tâm linh.

Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 300 cụ có độ tuổi trung bình là 73 tuổi, trong đó người cao tuổi nhất hiện đã 103 tuổi. Tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng khi đã vào đây, tất cả mọi người đều gắn kết như trong một gia đình.

Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức sinh nhật cho các cụ. Nhiều cụ khi được nhận quà sinh nhật rất xúc động. Đặc biệt, vào những dịp Tết, Trung tâm đều tổ chức vui Tết cho các cụ không có điều kiện về đón Tết với gia đình. Phòng ở của các cụ đều được trang trí đào, quất... Đêm giao thừa, ban giám đốc sẽ đến chúc Tết, mừng tuổi để các cụ bớt đi cảm giác cô đơn.

Nói về cơ duyên đưa mình đến với nghiệp chăm sóc người già, ông Nguyễn Tuấn Ngọc chia sẻ: "Nhiều người bảo tôi nhờ ‘điên’ nên có thành công hôm nay. Nhưng đó là tình cảm thật, xuất phát từ cái tâm".

Giám đốc trung tâm này cho biết, ngay từ những năm còn là trợ lý giám đốc bệnh viện, ông luôn trăn trở phải làm thế nào để chăm sóc tốt cho bệnh nhân, đặc biệt là những người cao tuổi. Ngay ở thành phố, nhiều người có điều kiện kinh tế nhưng con cái bận rộn nên họ vẫn bị cô đơn trong chính ngôi nhà mình.

"Chính những điều này đã thôi thúc tôi mạnh dạn tìm con đường đi cho chính mình và cũng là cách để thay đổi nhận thức của mọi người về Nhà dưỡng lão", ông Ngọc nói.

Những câu chuyện đẹp ở trại dưỡng lão

Một mối tình đẹp giữa cụ Nguyễn Thị Liệu và cụ ông Bùi Thế Năng nở hoa ngay tại chính Trung tâm. Do tuổi cao sức yếu, con cái lại ở xa, ông Năng và bà Liệu đã chọn Trung tâm Thiên Đức làm nơi dưỡng già.

Tại đây ông bà gặp nhau, cùng bầu bạn, trò chuyện đến tâm đầu ý hợp lúc nào không hay. Họ chăm sóc nhau từng bữa ăn giấc ngủ, bằng những câu hỏi thăm, quan tâm hàng ngày. Giờ cụ Năng đã mất nhưng với cụ Liệu và những người ở Trung tâm Thiên Đức thì cuộc hội ngộ tri kỷ ấy vẫn sẽ mãi là những kỉ niệm đẹp.

Mở Trung tâm dưỡng lão 2 năm tại Hà Nội không có khách nhưng nhờ “điên” người đàn ông này tạo ra thay đổi lớn - Ảnh 3.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho ông Nguyễn Tuấn Ngọc.

Ngoài việc đón các cụ ông cụ bà từ bên ngoài, Trung tâm có chính sách miễn, giảm phí cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, hiện nay tại Trung tâm đang nuôi dưỡng 20 cụ già thuộc đối tượng neo đơn, không nơi nương tựa. Trong số này có cụ già công dân nước Nhật. Vượt qua nhiều rào cản về tính pháp lý, bất đồng ngôn ngữ, bệnh tật của bệnh nhân, Trung tâm đã chăm sóc để công dân Nhật Bản này có thể phục hồi sức khỏe và trở về Nhật Bản an toàn vào ngày 31/1/2018.

Không chỉ chăm sóc y tế miễn phí trong khoảng thời gian 7 năm rưỡi, Trung tâm còn có nhiều hoạt động hỗ trợ để người công dân Nhật Bản đó về nước an toàn như: khám sức khỏe trước khi lên máy bay, chuẩn bị toàn bộ tư trang mới, cử điều dưỡng viên đi cùng về đến Nhật Bản an toàn

Trước việc làm nhân văn này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đã thay mặt Chính phủ Nhật Bản trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho ông Đỗ Tuấn Ngọc.

Hương Lan

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên