MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Modern Diplomacy: Việt Nam là ngoại lệ không chỉ trong giai đoạn Covid-19

Modern Diplomacy: Việt Nam là ngoại lệ không chỉ trong giai đoạn Covid-19

Trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều dấu ấn vượt bậc. Theo Modern Diplomacy, tăng trưởng 6,2% vào năm 2016 với 2 động lực chính là công nghiệp và xây dựng đã tạo đà thăng hoa cho nền kinh tế trong những năm sau đó.

Những kết quả nổi bật trên đã góp phần tạo ra một "sân chơi" bình đẳng, thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân tại Việt Nam. Đến năm 2019, nhu cầu nội địa cũng như sản xuất theo hướng xuất khẩu đã gia tăng mạnh mẽ. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2016-2019, thế giới cùng lúc đã trải qua nhiều suy thoái. Thế nhưng Việt Nam lại là một ngoại lệ.

Thậm chí trong suy thoái do đại dịch, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đạt 2,9%, là một trong những con số cao nhất khu vực châu Á. Tổng sản phẩm quốc nội từ 200 tỷ USD đã tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2020. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người vào khoảng 2.100 USD năm 2016 đến nay đạt gần 2.700 USD. Như vậy, chỉ trong 5 năm, GDP và thu nhập bình quân đầu người tăng gần 33%.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, Việt Nam đã thực hiện rất tốt trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng Covid-19 và đang trên đà phục hồi. Thặng dư thương mại cùng dự trữ ngoại hối đang gia tăng. Những tổn thất do du lịch quốc tế và lượng kiều hối giảm mạnh cũng được bù đắp bằng xuất khẩu tăng mạnh mẽ. Dự kiến tăng trưởng năm 2021 đạt 6,7% cùng với tỷ lệ lạm phát duy trì ổn định ở mức 3,8%.

Đặc biệt, khi đang phải chống chịu hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cho thấy khả năng vực dậy mạnh mẽ để trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á, cũng như điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Việt Nam đã cho thấy nhiều nỗ lực thúc đẩy năng suất và cải cách thể chế nhằm giảm thâm hụt ngân sách. Thông qua việc tăng thuế môi trường cùng nhiều nỗ lực khác, nợ công đã giảm xuống còn 55% từ mức 60% vào cuối năm 2016, đồng thời minh bạch trong quản lý thuế được thúc đẩy.

Những quyết tâm của Chính phủ đã tạo ra các điều kiện thị trường thuận lợi và sự linh hoạt trong chính sách tỷ giá hối đoái. Các biện pháp tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại được thực hiện và đảm bảo giá tiền đồng dao động trong biên độ hẹp. Nhờ vậy, Việt Nam có thể gia tăng dự trữ ngoại hối và ổn định nền kinh tế trước mọi biến động tiền tệ.

"Với 55% dân số trong độ tuổi lao động trẻ và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, Việt Nam đang cho thấy một tương lai đầy hứa hẹn", Modern Diplomacy kết luận.

Hoài Thương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên