Mới chuyển việc, dự kiến không có thưởng: Sắm Tết thế nào?
Những người trẻ vừa mới chuyển việc đang khá “vật lộn' tính toán tiêu Tết thế nào cho hiệu quả khi lương thưởng không còn như trước.
- 23-11-2023Năm ngoái nhận thưởng 30 triệu, năm nay hội freelancer hụt hẫng, phải tiết kiệm sắm Tết trước nửa năm
- 18-11-2023Vợ chồng dự tính chi 30 triệu sắm Tết: Phần lớn nên mua từ sớm nhưng có một số thứ nên sắm sát giờ
- 06-11-2023Sắm Tết từ tháng 11 rồi phải chi gấp đôi để mua lại toàn bộ quần áo
Cuối năm dự kiến không có lương tháng 13, giảm thưởng
Ánh Ngọc (26 tuổi, Hà Nội) đã bị cắt giảm nhân sự vào tháng 5 năm nay. Đến tháng 11 cô bạn bắt đầu làm chính thức sau khoảng thời gian dài đằng đẵng tìm việc. Do vậy, cô bạn dự đoán năm nay sẽ không có thưởng Tết.
Năm ngoái ngoài lương tháng 13, Ánh Ngọc nhận được thêm 8 triệu thưởng Tết, tổng cộng khoảng 23 triệu. Khoản chi Tết gần như không phải tính toán nhiều. “Mình vẫn còn độc thân nên Tết chỉ có khoản biếu gia đình, mua ít bánh kẹo để đón khách. Song, vì năm ngoái mình chi tiêu khá thả tay, năm nay dự kiến không có khoản thưởng Tết nên mình khá lo lắng".
Bên cạnh đó, do không muốn về quê trong thời gian thất nghiệp, cô bạn đã phải dùng số tiền tiết kiệm để trang trải chi phí sinh hoạt ở Hà Nội. Có thể nói rằng tài chính cá nhân của Ánh Ngọc không được tốt như năm ngoái.
Cũng chuyển việc trong năm nay, Mạnh An (27 tuổi, Hà Nội) đang “vật lộn” lên kế hoạch tiêu Tết. Công ty cũ vì có thâm niên nên năm ngoái Mạnh An nhận được khoản thưởng kha khá, gồm lương tháng 13, tiền KPI và thưởng theo thâm niên.
Tuy nhiên, giữa năm nay cậu bạn đã quyết định chuyển sang lĩnh vực mới để thử thách bản thân. Cho đến thời điểm tính thưởng Tết, Mạnh An chỉ làm khoảng 5, 6 tháng, lương tháng 13 không được nhận đủ. Do kinh tế khó khăn, có khả năng cậu bạn không có thưởng KPI công việc.
“Song, dù kinh tế khó khăn đến mấy, mọi người vẫn cố gắng để có 1 cái Tết chỉn chu nhất. Việc giảm bớt các khoản chi là cần thiết nhưng không thể quá nhiều. Chẳng hạn, tiền thưởng Tết năm ngoái là 20 triệu, năm nay còn khoảng 5,6 triệu, giảm đến 70% nhưng mình không thể cắt tiền tiêu Tết theo phần trăm đó”.
“Chuyển mình" thay đổi để tiêu Tết phù hợp hơn
Trong những lúc như này, Mạnh An lại càng cảm nhận được tầm quan trọng của khoản tiền tiết kiệm và chi tiêu có nguyên tắc. “Mình dự tính sẽ dùng quỹ khẩn cấp để chi tiêu Tết năm nay. Bên cạnh đó, mình cũng sẽ cắt giảm khoản chi mua quần áo mới cho Tết, tụ tập ăn uống hay mua đồ trang trí nhà cửa. Còn những khoản như biếu Tết cho gia đình, mình vẫn giữ nguyên".
Năm nay Mạnh An dự tính chi Tết khoảng 17 triệu đồng, giảm 8 triệu so với năm ngoái. Cậu bạn cũng nhấn mạnh rằng mọi người nên có một khoản tiền phòng hờ những trường hợp không thể không tiêu tiền như Tết. Nếu chỉ dựa vào thưởng Tết, rất khó để cân đối chi tiêu vì đây là số tiền thay đổi theo từng năm.
Còn đối Ánh Ngọc, trước đó, cô bạn thường sát Tết mới bắt đầu sắm sửa vì khá lười. Còn hiện tại dù mới đầu tháng 12 Dương lịch, cô bạn đã sắm Tết gồm mua trước một số quần áo cũng như quà cáp cho ông bà.
“Vào ngày sale lớn nhất năm 11/11, mình đã mua một số món đồ gia dụng để tặng bố mẹ và một số sản phẩm liên quan đến sức khỏe cho ông bà. Trong những dịp này, các sản phẩm thường chiết khấu khá lớn nên mình cũng tiết kiệm được kha khá".
Ngoài ra, bắt đầu tháng 11, cô bạn đã trích một khoản tiền nho nhỏ hàng tháng để dành biếu gia đình ngày Tết. Thông thường, ngoài tặng quà, Ánh Ngọc còn lì xì cho ông bà, bố mẹ và các cháu họ hàng.
“Mình cũng giảm những khoản chi cuối năm, tích góp nhiều tiền hơn cho Tết. Năm nay, cho đến giờ Hà Nội không quá lạnh nên mình không cần sắm đồ đông mới. Bên cạnh đó, mình cũng thường xuyên đề nghị đi ăn với bạn bè ở những quán có mức giá vừa phải chứ không còn chi tiêu tận hưởng mùa lễ hội hết mình như năm ngoái".
Phụ nữ Việt Nam