Mỗi năm trường đổi mẫu đồng phục một lần, phụ huynh méo mặt chạy theo
Khác với trước đây, đồng phục ở các trường hiện nay thường được thiết kế theo phong cách và chi tiết nhận diện riêng khiến phụ huynh tiêu tốn nhiều tiền để sắm.
- 22-09-2023Hàng xóm dựng hàng rào vô lý chia đôi lối thang máy chung cư, người phụ nữ phá đổ nhận về bài học đắt giá
- 20-09-2023Người phụ nữ thuê 1.500m2 đồi trọc, bỏ hơn 10 tỷ đồng làm điều mọi người gọi là 'điên rồ' nhưng chỉ hơn 1 năm sau đã thu được 'trái ngọt'
- 19-09-2023Loại quả là 'thần dược', nhiều vitamin C gấp 4 lần cam, phòng ung thư, hạ đường huyết
Trước khi vào năm học, chị Lê Thanh Hải (37 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không có ý định đăng ký mua đồng phục cho con vì những bộ mua trước đó vẫn còn mặc tốt, tiết kiệm được một khoản tiền. Tuy nhiên, sau đó trường tách ra làm 2 cơ sở, con chị chuyển sang cơ sở 2 học gần nhà, cũng vì thế kéo theo mẫu đồng phục của học sinh cũng buộc phải đổi, chị đành "quay xe" phút chót.
Chị cho biết, combo đồng phục tối thiểu ở trường bao gồm: bộ quần, áo sơ mi kèm cà vạt, bộ đồ thể dục và áo khoác mùa đông.
Nhà trường không quy định mỗi học sinh cần mua bao nhiêu món đồ, nhưng vì con học cả tuần, cần mặc đồng phục nên dù kinh tế eo hẹp chị cũng cố mua 2 combo cho con. Tổng chi phí phải chi khoảng 1,6 triệu đồng cho khoản này.
Nhiều hôm gấp đồ cho con, chị lại thấy tiếc những bộ đồng phục còn mới từ năm trước nhưng phải xếp xó trong tủ chỉ vì trường đổi mẫu mã.
" Thời tôi đi học, đồng phục chỉ là áo trắng và quần xanh, thế nên có thể tận dụng lại quần áo của anh chị. Còn bây giờ, mỗi trường một mẫu, dù đồ còn mới cũng không biết cho ai" , chị kể. Chị thường cất riêng đồng phục cũ của con, có đợt từ thiện thì sẽ mang cho những em cần chúng.
Chưa hết, mục đích của đồng phục là tạo môi trường đồng bộ trong trường học. Tuy nhiên, trường thay đổi, cách điệu thiết kế trang phục khiến điều này vô tình bị phá vỡ. Chẳng hạn, quần và váy cùng tông màu xanh nhưng năm sau trường lại chọn màu vải sáng hoặc trầm hơn năm trước một chút. Chỉ sự thay đổi nhỏ này cũng khiến mọi thứ trở nên lộn xộn.
Đồng thời, phụ huynh này cũng cho biết thêm, chị đăng ký mua nhích một size để tiết kiệm chi phí, để năm sau khi con lớn hơn, nhưng mặc bộ quần áo rộng thùng thình, trông con lọt thỏm, chị lại phải mang ra tiệm sửa.
" Nếu chỉ tính riêng đồng phục thì tôi nghĩ bố mẹ nào cũng cố để con được đầy đủ. Nhưng đầu năm, trăm khoản phải chi, mỗi thứ một ít, gom lại cũng tiền triệu. Thế nên, việc các trường đổi mẫu đồng phục cũng trở thành gánh nặng với phụ huynh", chị đánh giá.
Anh Võ Lục (quận 6, TP.HCM) xác định mua đồng phục cho con là chuyện đương nhiên. Song, phụ huynh này cho rằng, trường nên thống nhất một mẫu đồng phục cho cả ba năm học, thay vì mỗi năm thay đổi một ít chi tiết, phụ huynh lại phải "vã mồ hôi" vì lo khoản chi phí kèm theo.
"Tôi rút kinh nghiệm từ những năm trước, chất liệu đồng phục rất nóng, không thấm hút mồ hôi, hơn nữa giá cả cũng không phù hợp. Tuy nhiên, đến khi nhìn lại mẫu mã mới của trường, tôi đi khắp các cửa hàng đều không có, vì năm nay váy được may cách điệu. Tôi buộc phải đăng ký mua ở trường dù biết giá đắt" , phụ huynh này nói.
Theo anh, nếu trường quy định thống nhất về mẫu đồng phục thì phụ huynh cũng nhẹ gánh khoản chi phí này. Những năm học sau, con vẫn có thể sử dụng được đồng phục từ năm học trước. Nếu ai có nhu cầu thì mua thêm, chứ không phải mua mới từ đầu.
Anh Lục bức xúc, có năm trường chỉ thay đổi một tiểu tiết nhỏ trên bộ quần áo. Phụ huynh dù muốn hay không vẫn đành "bấm bụng" chi tiền mua vì sợ con thua kém bạn bè và khác biệt so với số đông. " Váy đồng phục năm trước là mẫu có ba đường ly, năm sau trường thay đổi thành mẫu xếp ly toàn bộ. Tôi thấy sự thay đổi này không cần thiết nhưng vẫn phải mua cho con thôi" , anh nói.
PGS.TS Vũ Lệ Hoa (Giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, xu hướng xã hội hiện đại hướng tới sự tiện dụng và yếu tố đẹp trong trang phục là điều tất yếu. Tuy nhiên, đối với đồng phục học sinh, nhà trường cần căn cứ, tùy theo điều kiện kinh tế của phụ huynh từng khu vực để có định hướng phù hợp và đặc biệt, không được áp đặt.
"Trước khi đưa ra quyết định nào đó, các nhà quản lý trường học cần xem xét thận trọng, lắng nghe ý kiến của phụ huynh. Mỗi một quyết định đều liên quan tới nhiều học sinh, nhiều gia đình với các điều kiện kinh tế, trình độ khác nhau", cô Hoa nói và nhấn mạnh, nhà trường cần lấy học sinh làm trung tâm, tránh thương mại hóa trường học.
Trường học không nên quy định mỗi học sinh phải mua bao nhiêu bộ, vì việc này dễ dẫn đến những hiểu lầm lạm thu. Vấn đề này để mỗi phụ huynh tự quyết định theo điều kiện tài chính riêng của họ.
Bên cạnh đó, nếu trường muốn mục tiêu, nguyện vọng giáo dục đạt hiệu quả thì đừng bỏ qua công tác tuyên truyền, giải thích cho phụ huynh hiểu, tránh lập lờ. Tiêu chí đồng phục cần hài hòa với điều kiện kinh tế, để khoản chi này không trở thành gánh nặng đối với phụ huynh dịp đầu năm học.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, chỉ cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng phục nhà trường phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh và văn hóa của địa phương, được hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận.
Nhà trường có thể cung cấp mẫu (kiểu dáng, màu sắc, logo...) để phụ huynh chủ động mua sắm cho học sinh. Các trường không được để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.
VTC News