MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Món ăn đưa cơm trong ngày nắng nóng cung cấp nhiều lợi khuẩn, ăn sai lại gây nguy hiểm

06-06-2023 - 14:20 PM | Sống

Dưa, cà muối là món ăn quen thuộc giúp kích thích tiêu hoá, tạo cảm giác thèm ăn. Đây cũng là món ăn cung cấp nhiều lợi khuẩn tiêu hoá tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, dưa, cà muối là món ăn không nên ăn nhiều.

Trong những ngày nắng nóng, các món ăn như dưa, cà muối, kim chi là những thực phẩm giúp 'đưa cơm'. Tuy nhiên, thường xuyên ăn những thực phẩm muối chua này với số lượng nhiều lại gây ra những hệ luỵ cho sức khoẻ.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, dưa cà muối là món ăn truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam và của nhiều nước trên thế giới. Dưa, cà muối với vị chua thanh giúp 'đưa cơm' trong những ngày hè nắng nóng, kích thích vị giác, tạo cảm giác ngon miệng.

Dưa, cà muối còn cung cấp nhiều lợi khuẩn tốt cho đường tiêu hoá. Ăn dưa muối giúp tăng cường kích thích tiêu hoá và nhuận tràng. Dưa muối chua có tác dụng làm cân bằng lợi khuẩn đường ruột, giúp cho hệ tiêu hoá khoẻ mạnh.

Tuy nhiên, quá trình muối chua thường phải dùng muối, do vậy các món ăn này thường sẽ mặn. Ăn thực phẩm mặn kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao, ung thư đường tiêu hoá như dạ dày, đại tràng và một số loại ung thư khác (thực quản, ung niêm mạc miệng).

Món ăn 'đưa cơm' trong ngày nắng nóng cung cấp nhiều lợi khuẩn, ăn sai lại gây nguy - Ảnh 1.

Dưa muối, ảnh ST

"Dưa, cà muối là món ăn ngon miệng nhưng có chứa nhiều muối. Trung bình một người ăn 50g dưa, cà muối đã dung nạp vào cơ thể khoảng 6g muối. Mức muối này đã thừa nhu cầu tiêu thụ muối trong ngày, chưa kể muối còn đến từ các thực phẩm khác",  PGS Lâm cho hay.

Người mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc bệnh viêm dạ dày, ung thư dạ dày không nên ăn dưa, cà muối. Người bị bệnh tim ăn nhiều hành muối gây hiện tượng không lưu thông máu trong cơ thể, tăng huyết áp.

Người có bệnh lý về thận, người bị suy thận không nên dùng những sản phẩm có nồng độ muối cao bởi sẽ gây hiện tượng tích nước.

Do vậy, để đảm bảo sức khoẻ, chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên ăn dưa, cà muối với lượng vừa phải. Chỉ nên ăn dưới 30g dưa, cà muối (vài ba miếng) để đảm không bị thừa muối. Ăn mặn có liên quan tới tăng huyết áp và những biến cố tim mạch. Ăn thực phẩm muối chua còn làm tăng nguy cơ viêm dạ dày, viêm đại tràng.

PGS Lâm khuyến cáo, quá trình muối chua nếu không lên men tốt sẽ làm tăng chất nitrosamine (chất không tốt chơ cơ thể).

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm lượng nitrat cao trong dưa, cà muối chưa chín (muối xổi) bị chuyển hóa thành nitrit do vi sinh vật có trong nước dưa, cà muối tác động. Khi nitrit đi vào dạ dày, dưới tác động của môi trường dạ dày sẽ kết hợp các axit amin trong thực phẩm khác trở thành nitrosamine không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đối với dưa, cà muối vừa đủ thời gian, đủ độ chua thì nitrit giảm xuống rất nhanh, hạn chế nguy hại đến sức khỏe.

PGS Lâm nhấn mạnh không nên ăn quá nhiều cà muối xổi hay dưa muối chưa chín vẫn có vị cay nồng để tránh nguy hại cho sức khỏe. Để ăn dưa, cà muối an toàn, vị chuyên gia khuyên:

- Không nên muối dưa, cà bằng vại sành làm từ nguồn đất nung vì có thể nhiễm kim loại nặng;

- Không muối dưa, cà bằng những đồ nhựa có nhiều màu sắc;

- Không muối dưa, cà bằng thùng sơn vì quá trình lên men chua sẽ tác dụng với các chất tổn dư trong thùng sơn và sinh ra chất gây hại cho sức khoẻ;

- Không nên ăn dưa, cà muối đã để lâu. Dưa, cà bị khú, đóng màng trắng, vàng, nấm đen thường là do bị nhiễm nấm aspergilus flavor. Loại nấm này có thể sản sinh ra chất độc gây hại cho gan gây ra căn bệnh ung thư gan;

- Không nên ăn cà muối khi còn xanh vì có chứa chất độc solanine;

- Chỉ ăn dưa, cà muối đảm bảo chất lượng, đủ độ chín.

Theo Ngọc Minh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên