Một phụ nữ Hà Nội bị "bạn trai online" thông báo lừa hơn 1 tỷ đồng trước khi chặn liên lạc
Tin lời bạn trai online, người phụ nữ ở Hà Nội đã nạp 1 tỷ đồng vào quỹ phúc lợi dầu khí. Vài ngày sau, đối tượng nhắn tin thông báo đã lừa chị L. và chặn liên lạc với chị.
- 16-05-2024Clip dễ hiểu: Cảnh giác trước chiêu giả mạo Công an phường để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- 14-05-2024Giả mạo cổng thông tin Bộ Công an để giăng bẫy lừa đảo
Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua đã cảnh báo nhiều trường hợp khi tham gia hẹn hò online đã bị dụ dỗ đầu tư tài chính rồi bị chiếm đoạt tài sản, có trường hợp lên tới hàng tỷ đồng.
Thủ đoạn của các đối tượng là tìm các "con mồi" thông qua ứng dụng hẹn hò trực tuyến và tạo các tài khoản với thông tin giả mạo. Sau khi kết bạn và tạo được mức độ tin tưởng, các đối tượng sẽ chuyển sang chủ đề tài chính, khuyến khích nạn nhân tham gia đầu tư vào các quỹ tài chính để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, mới đây nhất là trường hợp chị L (SN: 1984; trú tại: Ba Vì, Hà Nội) có hẹn hò online và nói chuyện với một tài khoản facebook, giới thiệu làm Phó phòng kế toán một công ty thăm dò, khai thác dầu khí.
Ngày 27/4, đối tượng gạ chị L tham gia đầu tư vào quỹ phúc lợi dầu khí để hưởng phần trăm sinh lời. Do tin tưởng người bạn trai này, chị L đã lập tài khoản đăng ký tham gia. Đối tượng sau đó đã hướng dẫn chị L nạp hơn 1 tỷ đồng để đầu tư. Đến đầu tháng 5/2024, đối tượng nhắn tin thông báo đã lừa chị L để chiếm đoạt số tiền này và chặn liên lạc với chị. Sau đó nạn nhân đã đến Công an huyện Ba Vì trình báo.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò online và lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ qua mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò online. Cẩn trọng khi tham gia ứng dụng, trang web đầu tư tài chính online vì rất có thể sẽ gặp nhiều rủi ro.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
....
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Đời sống và pháp luật