Một startup thời trang Việt vượt qua GrabFood, L’Oreal, P&G, giành giải chiến dịch thương mại hiệu quả nhất của TikTok: "Livestream đã cứu sống chúng tôi"
Chiến dịch của The Bad God giúp tạo ra mức GMV gấp 17 lần so với doanh số bán hàng tự nhiên, được TikTok đánh giá cao hơn cả những chiến dịch của L’Oreal hay P&G về mặt thương mại. Livestream bán hàng trên TikTok từng là lựa chọn cuối cùng để cứu startup 3 năm tuổi này khỏi khủng hoảng, nhưng giờ đây lại trở thành "vũ khí tối thượng".
- 06-05-2024Startup công nghệ thủy sản phục vụ 5.000 người nuôi tôm ở Long An, Cà Mau và Bạc Liêu muốn huy động tối đa 20 triệu USD trong vòng gọi vốn mới
- 03-05-2024Nhân lực bán dẫn Việt Nam nhìn từ nhận định của CEO NVIDIA: Một số quốc gia có dầu mỏ, cao su, Việt Nam lại có những startup trẻ học vấn tầm cỡ thế giới trở về gây dựng quê nhà
- 02-05-2024FPT Smart Cloud tăng gấp đôi nguồn lực hỗ trợ Startup công nghệ
Hôm 25/5 tại TP.HCM, lễ trao giải TikTok Ad Awards lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, vinh danh những chiến dịch, thương hiệu và agency xuất sắc có nhiều đóng góp nổi bật cho ngành quảng cáo trong năm qua. Hơn 125 bài dự thi đã được gửi cho 4 hạng mục:
- Best Branding Campaign: Chiến dịch xây dựng thương hiệu tốt nhất.
- Best Commerce Campaign: Chiến dịch thương mại tốt nhất.
- Best Performance Campaign: Chiến dịch tối ưu hiệu suất tốt nhất.
- Best Local Hero Campaign: Chiến dịch của các doanh nghiệp nhỏ đem lại tác động và hiệu quả thực tiễn nhờ sử dụng công cụ quảng cáo của TikTok.
Đáng chú ý, The Bad God – một thương hiệu thời trang nam 3 năm tuổi của Việt Nam đã xuất sắc giành giải vàng ở tận 2 hạng mục là Best Local Hero Campaign và Best Commerce Campaign.
Ở hạng mục Best Commerce Campaign, The Bad God đã vượt qua những đối thủ sừng sỏ trong danh sách đề cử như GrabFood, L'Oreal Vietnam, P&G Vietnam để giành giải cao nhất. Một số tiêu chí chấm giải hạng mục này là chỉ số tăng trưởng doanh thu, số đơn hàng, thành tựu nổi bật so với mặt bằng ngành trên TikTok…
Case study điển hình về chiến dịch thương mại trên TikTok
Chiến dịch giúp The Bad God được vinh danh là Super Brand Day, diễn ra từ ngày 11 – 16/10/2023 để kỷ niệm sinh nhật 2 tuổi của thương hiệu. Mục tiêu của chiến dịch không chỉ dừng lại ở tối đa hóa doanh số, mà còn hướng đến đem lại trải nghiệm mua sắm "lần đầu xuất hiện tại Việt Nam": một buổi trình diễn thời trang và âm nhạc kéo dài 72 tiếng với sự góp mặt của 14 KOL (người có tầm ảnh hưởng).
Theo chia sẻ từ phía The Bad God, chiến dịch này là thử thách lớn đối với một doanh nghiệp còn non trẻ. Chi phí cần bỏ ra còn gấp 15 lần so với mức thông thường, đòi hỏi hiệu suất vượt trội.
Cuối cùng, với sự hỗ trợ từ agency Meta Ecom, chiến dịch Super Brand Day của The Bad God đã trở thành case study điển hình về cách kể chuyện thương hiệu và tạo ra doanh số bán hàng trên TikTok.
Mặc dù chi tiêu quảng cáo tăng 15 lần so với mức trung bình hàng ngày, nhưng nhãn hàng vẫn đảm bảo ROAS (lợi tức trên chi tiêu quảng cáo) là 13, cho thấy hiệu quả tài chính của chiến dịch. Bên cạnh đó, chiến dịch giúp tạo ra GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa) ở mức đáng kinh ngạc: gấp 17 lần doanh số bán hàng tự nhiên. Ngoài ra, số đơn đặt hàng từ quảng cáo tăng vọt 14 lần.
Kết quả là The Bad God đã đạt vị trí số 1 trong ngành hàng thời trang và có GMV cao nhất trong tất cả các chiến dịch ngày siêu thương hiệu. Điều này dẫn đến mức tăng GMV gấp 7 lần so với thông thường, đồng thời tăng mức độ hiển thị sản phẩm lên tới 420%, đảm bảo độ nhận diện lâu dài cho thương hiệu. Super Brand Day đã thu hút tổng cộng 30.000 người xem.
"Livestream trên TikTok thực sự đã cứu sống The Bad God"
Trong video giới thiệu chiến dịch, The Bad God cho biết sau một số thành công ban đầu khi mới khởi nghiệp, công ty từng rơi vào khủng hoảng vì thiếu ý tưởng cho sản phẩm, doanh số giảm mạnh. Để giải quyết tình trạng này, The Bad God quyết định mở cửa hàng offline, nhưng cuối cùng mất trắng 500 triệu đồng vì biến đổi chi phí thi công, đồng thời phải trả thêm đủ loại phí khác.
Livestream trên TikTok là phương án cuối cùng của The Bad God tại thời điểm đó, nhưng rồi họ nhận ra đây chính là con đường phát triển đầy tiềm năng. Công ty quyết định dồn lực livestream 24/24. Cửa hàng offline chỉ tiếp cận được 4-5 lượt khách mỗi ngày, nhưng hình thức mới này giúp họ có thể tiếp cận 4.000 – 5.000 lượt khách trong mỗi phiên.
"The Bad God trên TikTok không khác gì cửa hàng online đúng nghĩa. Nhờ livestream trong thời gian dài, chúng tôi đã phủ sóng toàn bộ nền tảng. Độ nhận diện thương hiệu cũng tăng, doanh số online và offline dần trở lại, thậm chí cao hơn lúc đầu. Livestream trên TikTok thực sự đã cứu sống The Bad God", đại diện công ty nói trong video của chiến dịch.
Chia sẻ thêm với chúng tôi về con đường phát triển thông qua TikTok, anh Bùi Mạnh Quân – Founder của The Bad God chỉ ra rằng với các kênh thương mại điện tử khác, thương hiệu sẽ bị giới hạn về mức độ tương tác với khách hàng, còn TikTok tạo ra khả năng tương tác vô cùng lớn.
"Mỗi khi livestream, chúng tôi luôn cố tạo cho khách hàng cảm giác họ đang vào cửa hàng mua sắm. Việc livestream 24/24 cũng giống như mở một cửa hàng offline, không thể chỉ mở bán 2-4 tiếng. Mọi người sẽ không dồn vào xem khi bạn livestream trong thời gian dài, nhưng mình sẽ tính tổng lưu lượng vào gian hàng trong một ngày. Chắc chắn nhiều hơn những bên chỉ livestream 2 tiếng", ông chủ The Bad God phân tích.
Bên cạnh đó, anh còn tiết lộ ý tưởng "nhân chuỗi cửa hàng" trên TikTok, như cách các cửa hàng offline phát triển.
"Chúng tôi chỉ cần mở thêm kênh để bán hàng, livestream. Việc này cũng giống như mở chuỗi cửa hàng online. Trên các sàn thương mại điện tử khác chúng tôi khó làm việc này", anh cho hay.
Cách livestream của The Bad God cũng tạo ra điểm khác biệt so với các thương hiệu khác. Anh Quân cho biết thay vì chỉ tạo ra không khí ồn ào, những tiếng hò hét, thương hiệu thời trang của anh đem đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm hơn.
"Chúng tôi có những phiên live tại kho, người bán nhập vai nhân viên đóng hàng, hoặc những phiên live trên phố đi bộ thu hút đông đảo công chúng, tạo ra sự tò mò… Chúng tôi biết rằng không phải khách nào cũng thích hò hét mà có những người thích sự nhẹ nhàng, từ tốn, nên mở những phiên live như vậy để thêm đối tượng người xem, từ đó mở rộng tệp khách hàng", anh Quân chia sẻ.
An ninh tiền tệ