MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một "thế lực" đe dọa hàng triệu người lao động châu Á, chỉ riêng 1 ngành đã có thể thiệt hại 65 tỷ USD

28-04-2024 - 09:35 AM | Tài chính quốc tế

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thế lực này đang là mối đe dọa hiện hữu đối với an toàn của hàng triệu người lao động trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đó là biến đổi khí hậu. Trên thực tế, nhân dịp Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc (28/4), bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của ILO chia sẻ, từ những đợt nắng nóng khắc nghiệt đến chất lượng không khí tồi tệ, nhiều người lao động tại khu vực này đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề và thường xuyên phải tiếp tục làm việc mà không có sự bảo vệ hay có biện pháp khắc phục phù hợp, ngay cả khi điều kiện nguy hiểm.

Một

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của ILO. Ảnh: ILO

Thứ nhất, căng thẳng nhiệt có lẽ được coi là thách thức rõ ràng nhất. Khi nhiệt độ tăng cao, những người lao động ở ngoài trở trong lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, vận tải, đánh bắt thủy sản đặc biệt dễ bị tổn thương và phải đối mặt với nguy cơ cao mắc những bệnh liên quan đến nhiệt độ như say nắng.

Ngoài ra, những người lao động trong nhà cũng có nguy cơ, nhất là những người tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt hoặc làm việc ở ttrong không gian với hệ thống thông gió kém. Trên thực tế, các nhà máy, khu chế biến thực phẩm, lò gạch hoặc kho hàng đều có thể gây nguy hiểm cho người lao động giống như việc lao động dưới trời nắng nóng.

Vì vậy, theo bà Chihoko Asada-Miyakawa: "Các quy định, thực thi, chiến lược giảm thiểu, đào tạo và nâng cao nhận thức tốt hơn đều có thể tạo ra sự khác biệt. Việc trao quyền cho người lao động và cho phép họ ngừng làm việc vì thời tiết quá nóng mà không lo mất lương hoặc mất việc làm, là điều vô cùng quan trọng".

Thứ hai, ô nhiễm không khí trầm trọng do biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Cụ thể, tại các thành phố như Bắc Kinh, New Delhi và Bangkok, chất lượng không khí kém là thực tế hàng ngày và gây ra rủi ro sức khỏe đáng kể cho người lao động tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm. 

Trước mắt, theo Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của ILO, đối với một tài xế giao hàng hoặc người bán hàng rong phải hít thở không khí độc hại này cả ngày, cần có những giải pháp tức thì, chẳng hạn nhưu nâng cao nhận thức, trang bị bảo hộ và điều chỉnh mô hình làm việc để giúp giảm thiểu tác động (bất cứ khi nào có thể).

Thứ ba, tần suất và cường độ ngày càng tăng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đặt ra những thách thức khác cho an toàn và sức khỏe của người lao động. Minh chứng là từ lốc xoáy, lũ lụt đến hạn hán và cháy rừng, thiên tai đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, đe dọa nguồn sinh kế của người lao động và gây thiệt hại kinh tế đáng kể.

Đơn cử như ngành may mặc, theo một nghiên cứu gần đây của Viện Toàn cầu về Lao động thuộc Đại học Cornell, nắng nóng và lũ lụt có thể khiến ngành này thiệt hại 65 tỷ USD tiền xuất khẩu và 950.000 việc làm vào năm 2030.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa nhấn mạnh, không phải tất cả người lao động đều bị ảnh hưởng như nhau. Bởi những người dễ bị tổn thương, lao động phi chính thức, người lao động di cư và những người với hoàn cảnh thiệt thòi là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngoài ra, phụ nữ cũng bị ảnh hưởng một cách không cân xứng. 

Hơn nữa, bất bình đẳng kéo dài và hạn chế tiếp cận tài nguyên cũng được coi là nguyên nhân gây cản trở khả năng thích ứng với những thay đổi về môi trường của người lao động.

Cần bảo vệ người lao động trước biến đổi khí hậu

Một

Nắng nóng là một trong những nguyên nhân đe dọa hàng triệu người lao động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Todayonline

"Trước những thách thức này, chúng ta cần có hành động phối hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn và sức khỏe của người lao động trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Điểm khởi đầu phải là các khuôn khổ pháp lý vững chắc, điều cần thiết để thực thi những tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ người lao động khỏi các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu", bà Chihoko Asada-Miyakawa cho biết.

Trước đó, năm 2022, Hội nghị Lao động Quốc tế đã nhất trí đưa "môi trường làm việc an toàn và lành mạnh" vào khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc của ILO. Điều này đã có những tác động sâu sắc đến chính sách và thực tiễn.

Đến nay, mặc dù một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã ban hành luật và hướng dẫn để giải quyết vấn đề nhiệt độ nóng quá mức tại nơi làm việc nhưng việc bảo vệ người lao động khỏi những tác động khác của biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều hạn chế.

"Chúng ta cần có những chính sách toàn diện tích hợp khả năng chống chịu biến đổi khí hậu vào các khuôn khổ an toàn vệ sinh lao động hiện hành, đánh giá rủi ro và các biện pháp phòng ngừa. Đối thoại xã hội giữa chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cũng như các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực này là điều cần thiết nhằm xây dựng các chính sách hiệu quả, thiết thực và linh hoạt ở cấp độ nơi làm việc", Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của ILO cho biết.

Theo Minh Hằng

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên