MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một tuyến Metro mất 70.000 tỷ đồng, TPHCM làm 6 tuyến, tiền đâu?

Một tuyến Metro mất 70.000 tỷ đồng, TPHCM làm 6 tuyến, tiền đâu?

"Với room nhỏ như thế này, TPHCM không thể có được tầm nhìn. Chỉ cần 1 tuyến metro đã mất 70 nghìn tỷ đồng, nhưng TPHCM cần đến 6 tuyến và rất nhiều công trình khác" - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nói.

Tại tại Hội thảo chuyên đề “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023”, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, lâu nay giải ngân đầu tư công có câu cửa miệng “có tiền mà không tiêu được” để nói về tình trạng ách tắc, chậm tiến độ. Tuy nhiên, tại TPHCM không chỉ gặp lời nguyền này mà còn đang rơi vào tình trạng “muốn tiêu mà không có tiền”.

Theo ông Hoan, kế hoạch đầu tư công của TPHCM trong nhiệm kỳ này được Quốc hội, Chính phủ thông qua khoảng 146 nghìn tỷ đồng. Song số tiền này chỉ vừa đủ giải quyết những dự án trước đây. Còn nhiệm kỳ này thành phố không có dự án nào được triển khai vì không được bố trí vốn dù ngân sách đủ đáp ứng.

Trên thực tế, TPHCM đã có phân tích và dự báo nguồn thu tăng thêm trong 5 năm tới khoảng 119 nghìn tỷ đồng. Nhưng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hiện chưa được bố trí.

“Chúng tôi muốn sử dụng phải xin ý kiến của Chính phủ, Quốc hội. Nếu không xác định sớm, mục tiêu phát triển Đại hội Đảng của thành phố đã đề ra có khả năng không thực hiện được. TPHCM đã báo cáo Bộ Tài chính và rất sốt ruột mong có kết luận sớm, ông Hoan nói.

Cũng theo ông Hoan, hiện TPHCM có nhiều dự án cần đầu tư như nhà hát, bệnh viện, quảng trường, các tuyến metro, đường trên cao. Tính ra cần khoảng vài trăm nghìn tỷ đồng, nhưng trần nợ công của thành phố theo Nghị quyết 54 chỉ được 90% (tương đương 70 nghìn tỷ đồng).

“Với room nhỏ như thế này, TPHCM không thể có được tầm nhìn. Chỉ cần 1 tuyến metro đã mất 70 nghìn tỷ đồng, nhưng TPHCM cần đến 6 tuyến và rất nhiều công trình khác. Việc không được đầu tư nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng, gây nguy cơ tụt lùi cho TPHCM và khiến hạ tầng ngày càng xuống cấp", ông Hoan nói.

Một tuyến Metro mất 70.000 tỷ đồng, TPHCM làm 6 tuyến, tiền đâu? - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện TPHCM gặp tình trạng muốn tiêu đầu tư công cũng không có tiền

Vị này cũng cho rằng, TPHCM bỏ ra 1 đồng nhưng thu đến vài nghìn đồng đóng góp cho ngân sách cả nước. Giải quyết điểm các nghẽn không chỉ tạo động lực cho thành phố mà còn hỗ trợ cho cả nước. Do đó, cần cho thành phố "nợ thêm chút”.

Cũng theo ông Hoan, chính sách đầu tư công của Việt Nam hiện tập trung quá nhiều đến nguồn lực Nhà nước. Chẳng hạn, Luật PPP ( Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ), đến nay không cho áp dụng với lĩnh vực văn hóa, thể thao. Trong vòng 30 năm qua, thành phố chưa xây dựng cơ sở văn hóa, thể thao nào hiện đại, trong khi quy định cứ yêu cầu phải sử dụng ngân sách dù nguồn lực có hạn.

“Dùng tiền ngân sách làm chưa biết bao giờ xong vì quy trình rất phức tạp. Nhưng nếu tư nhân thực hiện, chỉ cần 5 năm. Chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành, đơn vị cần xem lại chính sách. Có thể sửa luật hơi khó, nhưng cho thành phố làm thí điểm để giải tỏa áp lực”, ông Hoan nói.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đồng tình, hiện có nhiều điểm cần điều chỉnh, sửa đổi cho TPHCM, nhưng quan trọng Trung ương có dám dành tiền tiêu cho thành phố. Mục tiêu của chúng ta đã nêu rõ trong giai đoạn tới TPHCM phấn đấu trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, có thể huy động hàng chục tỷ USD. Do đó, cần bố trí nguồn vốn đủ đáp ứng cho TPHCM tạo động lực phát triển cho thành phố và cả vùng trọng điểm Đồng Nam Bộ.

Về vấn đề văn hóa, theo ông Võ Trí Thành, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cũng đã nêu rõ phải phát triển ngang bằng kinh tế "nhà hát phải ngang bằng xí nghiệp", thậm chí hơn. Sắp tới trong quy chế, quy hoạch liên kết vùng, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu để giải tỏa bất cập này.

Theo Dương Hưng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên