Một vấn đề mà người càng giàu càng sợ hãi, nhưng cách họ ám ảnh lại khác xa người thường: Chi cả tỷ USD tìm kiếm ước vọng “trên trời”
Sở hữu khối tài sản tiêu mấy đời không hết, nhưng đứng trước vấn đề này, họ cũng sợ hãi không khác gì người thường.
- 05-06-2023Cú sốc lần đầu bị sa thải, tôi nhận ra: "Như bị tát thẳng vào mặt, nhưng điều diễn ra sau đó mới đáng ngạc nhiên"
- 03-06-2023Góc bếp sang xịn từng centimet của cô chủ 9x Hà Nội: Đầu tư không gian như “nhà hàng 5 sao”, bát đũa cũng có concept riêng cho mỗi bữa ăn
- 03-06-2023Người trường thọ sẽ có chung 4 điểm khi đi đứng, ai sở hữu đủ thì thật đáng ghen tị
Nỗi sợ hãi của những người quá giàu có
Năm 2021, Jeff Bezos (59 tuổi), một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, đã rót tiền vào Altos Labs, công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học tập trung vào "lập trình trẻ hóa tế bào để khôi phục sức khỏe, với mục tiêu đẩy lùi bệnh tật, kéo dài tuổi thọ".
Và ông chủ Amazon không phải là người đàn ông siêu giàu duy nhất muốn kéo dài tuổi thọ.
Ngoài Bezos, Yuri Milner (61 tuổi), tỷ phú sinh ra ở Nga, cũng ủng hộ nhiệt tình, đầu tư rất nhiều tiền vào các dự án của Altos.
Tỷ phú Christian Angermayer (44 tuổi) cũng nói rằng ông muốn sống thêm 50 năm nữa để được hưởng lợi từ các phương pháp điều trị kéo dài tuổi thọ trong tương lai. Chỉ trong 5 năm gần đây, ông đã đầu tư 4,4 tỷ USD vào công cuộc chống lão hóa, kéo dài cuộc sống.
Ông chủ Amazon đầu tư vào Altos Labs, một công ty khởi nghiệp chuyên khám phá cách đảo ngược quá trình lão hóa. Ảnh: The Washington Post via Getty Im
Có thể thấy, tuổi thọ đã trở thành một sự "ám ảnh" không hề nhỏ với các tỷ phú, doanh nhân hàng đầu. Trong khi người thường chỉ thay đổi thói quen sống, cố gắng nâng cấp chất lượng sống, thì họ lại trực tiếp chi hàng tỷ USD cho những ước vọng "trên trời": Cuộc sống vĩnh cửu.
Khi người giàu cố gắng thoát khỏi "ràng buộc sinh tử"
Rami Kaminski, MD, Kaminski, người sáng lập và giám đốc của Viện Tâm thần học Tích hợp (TiiPS), cho biết: "Khi đã có thể đến sao Hỏa, làm được những điều tưởng chừng không thể, những người siêu giàu lại tiếp tục cố gắng thoát khỏi ràng buộc sinh tử. Mỗi ngày khi nhìn vào gương, họ như được nhắc nhở rằng, cơ thể được làm bằng carbon. Nó đang xuống cấp và phải được tái chế."
Peter Thiel, người đồng sáng lập PayPal nói với Business Insider vào năm 2012, "Hầu hết mọi người đều cho rằng sinh tử là điều tự nhiên, là một phần của cuộc sống. Nhưng tôi nghĩ rằng sinh tử cũng là một vấn đề có thể được giải quyết." Tỷ phú 55 tuổi này cũng là người ủng hộ nhiệt tình cho quỹ Methuselah Mouse Prize nhằm cải thiện đáng kể sức khỏe và tuổi thọ.
Hàng tỷ USD được đầu tư để tìm kiếm "suối nguồn tuổi trẻ". Ảnh: The New York Times
Mong muốn giải quyết vấn đề sinh tử, kéo dài tuổi thọ của giới siêu giàu được hiện thực hóa bằng hàng tỷ USD cho các công ty, dự án công nghệ sinh học.
Altos trở thành công ty công nghệ sinh học bắt đầu hoạt động với số vốn lớn nhất, nhờ khoản đầu tư khổng lồ từ Jeff Bezos và Yuri Milner. Được giám sát bởi các nhóm gồm những người nổi tiếng trong lĩnh vực, từng đạt giải Nobel, Altos mở hai phòng thí nghiệm ở California (Mỹ), một phòng thí nghiệm ở Cambridge (Anh) và hợp tác với các nhà khoa học của Nhật Bản.
Một doanh nghiệp khác có tên là Calico cũng đang thực hiện các nghiên cứu có thể loại bỏ mọi bệnh tật. Đứng đằng sau doanh nghiệp này là những người đồng sáng lập Google, Sergey Brin và Larry Page.
Mục tiêu của Calico là "Tìm kiếm (các) câu trả lời cho những câu hỏi sinh học thách thức nhất của thời đại chúng ta: Con người già đi như thế nào? Liệu chúng ta có thể phát triển các biện pháp can thiệp để cho phép con người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn?"
Trong khi đó, Elon Musk của Tesla lại muốn con người trở nên "bất tử" thông qua… não bộ.
Vị tỷ phú này cho rằng, ông đã bắt đầu một số dự án mạo hiểm để đạt được sự "cộng sinh" giữa não người và trí tuệ nhân tạo.
CEO SpaceX dường như tin rằng con người cuối cùng sẽ có thể sống mãi mãi, bằng cách tải bộ não của họ vào robot. "Tôi nghĩ điều đó là có thể," Elon Musk, 51 tuổi, đã chia sẻ với Mathias Döpfner, một doanh nhân và nhà báo người Đức.
"Đó sẽ là một cách sống vĩnh cửu khác, bởi vì chúng ta sẽ tải lên những tính cách của mình vào một con robot. Hay nói rõ hơn, một ngày nào đó, mọi người sẽ có thể tải những ký ức của họ vào Tesla Bot, được gọi là Optimus, nó cũng sẽ bắt đầu cuộc sống thực hiện các nhiệm vụ bình thường như đi mua sắm", tỷ phú thiên tài Elon Musk nói.
Elon Musk quan tâm đến bộ não hơn là cơ thể. Ảnh: Getty Images
Tại sao giới siêu giàu là người "ám ảnh nhất" về cuộc sống vĩnh cửu?
Khoa học hiện đại đã làm được rất nhiều điều đáng kinh ngạc cho sức khỏe con người. Chúng ta sống lâu hơn nhiều so với trước đây và chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể. Nhưng có rất nhiều người giàu không chỉ muốn sống lâu hơn. Họ muốn sống mãi mãi.
"Sinh tử là vấn đề duy nhất không thể tác động bằng tiền, và có thể ‘hạ gục’ những người siêu giàu. Khi đã sở hữu rất nhiều quyền lực, phương tiện và vật chất, có trong tay số tiền vô hạn, không có gì ngạc nhiên khi họ bắt đầu sợ chết. Tìm cách vượt qua giới hạn về tuổi thọ là điều dễ hiểu", chuyên gia tâm lý Rami Kaminski nhận định.
"Khi một cá nhân tiếp xúc với sự giàu có và quyền lực dư thừa trong một khoảng thời gian dài, điều đó có thể thay đổi toàn bộ thế giới quan của họ. Họ tin rằng bản thân đặc biệt và tốt hơn những người khác," Dr. Bethany Cook, một nhà trị liệu tâm lý nói với The New York Post.
"Tại sao họ sẵn sàng rót tiền đầu tư cho ước vọng ‘trên trời’ đó? Đơn giản là vì họ muốn duy trì quyền lực và sự giàu có của mình càng lâu càng tốt", chuyên gia nói.
Trong khi một số người coi việc tìm kiếm sự sống vĩnh cửu của các tỷ phú là điều thú vị, thì không ít chuyên gia lại thấy điều đó thật đáng lo ngại.
Rami Kaminski đưa ra lời cảnh báo: "Có thể sẽ có một bước đột phá về tuổi thọ, nhưng sau đó chúng ta sẽ làm gì với nhân loại? Đi ngược lại với tự nhiên chưa bao giờ là một lựa chọn tốt".
*Nguồn: NYP
Nhịp sống thị trường