"Mua iPhone 15 luôn đi, đừng thấp thỏm đợi iPhone 16 nữa": Có chờ đến iPhone 20 cũng chẳng có gì mới đâu?
Apple dường như tin rằng sự nhàm chán sẽ tạo nên biểu tượng vĩ đại. iPhone "chẳng cần trở thành Ferrari nếu bản thân đã là chiếc xe tải tốt"?
- 16-11-2023Có nên sử dụng cáp điện thoại Android cho iPhone 15?
- 14-11-2023Giá 30 triệu nhưng iPhone 15 Pro Max không làm được một thứ mà đến điện thoại 300 nghìn của Nokia cũng có
- 13-11-2023iPhone giá 11 triệu đồng lộ diện hấp dẫn: Ngoại hình sang xịn, có điểm giống iPhone 15 Pro Max
- 05-11-2023Huawei như "phượng hoàng tái sinh", lập kỳ tích xuất thần ở Trung Quốc: Ai nói iPhone 15 mới là nhất?
Fan hâm mộ Apple liên tục chờ đợi sẽ có một cuộc cách mạng về thiết kế và tính năng trên iPhone sau nhiều năm, nhưng cứ mỗi sự kiện ra mắt diễn ra, người dùng lại thất vọng khi chẳng có gì mới. Họ vẫn chờ đợi qua các năm với hy vọng nhỏ nhoi rằng năm sau rồi sẽ tốt hơn năm trước.
Nhưng từ iPhone 12, đến 13, 14 và giờ là 15, mọi thứ vẫn vậy. Với những đồn đoán về thế hệ iPhone 16 sẽ có những chuyển biến mới, niềm tin vào kế hoạch cách tân của Apple vẫn chưa sụp đổ. Thế nhưng, giới chuyên gia công nghệ cho rằng dù có là thế hệ 20 đi chăng nữa thì iPhone vẫn cứ nhàm chán thế thôi. Vì sao vậy?
Vì sao iPhone nhàm chán mà bán vẫn chạy?
Theo Insider, nhiều người cho rằng các sản phẩm của Apple đã trở nên nhàm chán vì công ty đã cạn kiệt ý tưởng đổi mới.
Hãng công nghệ Mỹ chỉ mang đến những thay đổi nhỏ về phần mềm trên các dòng iPhone, trong khi tập trung tạo ra kính thực tế ảo hỗn hợp Vision Pro, một sản phẩm không ai cần và giải quyết các vấn đề không ai có.
Apple cũng không tiên phong những xu hướng mới trên điện thoại thông minh như phát triển màn hình gập, cho phép người dùng có cả hai trải nghiệm màn hình nhỏ và lớn.
Nhưng sự thật là có một lý do rất chính đáng khiến Apple không thực hiện những thay đổi mạnh mẽ đối với sản phẩm của mình. Công ty nhận ra rằng những sản phẩm ít cải tiến, ổn định và đáng tin cậy mới giúp hãng đứng đầu thị trường.
Công bằng mà nói, dưới thời CEO Tim Cook, Apple đã có một số sản phẩm mới gây tiếng vang lớn: chẳng hạn như Apple Watch và Air Pods. Nhưng chung quy lại chúng chỉ là những phụ kiện.
So với thời Steve Jobs, Apple không thường xuyên tung ra những sản phẩm khác biệt hoàn toàn so với thế hệ trước. Thay vào đó, hãng có xu hướng tập trung vào nỗ lực cải tiến những thứ đã làm tốt trên sản phẩm hiện có.
Cách làm này dĩ nhiến khiến điện thoại trở nên nhàm chán. Đó cũng là lý do các sự kiện ra mắt iPhone không còn tạo cảm giác hào hứng đối với công chúng. Nhưng có một sự mâu thuẫn ở đây là chính việc không thay đổi quá nhiều lại tạo nên sự nhất quán và đáng tin cậy, giúp thiết bị giữ được giá trị lâu dài.
Có một sự thật là người dùng thích cái mới nhưng thâm tâm lại hướng đến sự nhất quán. Họ không muốn liên tục phải học những cách sử dụng mới cho những tính năng đã quen thuộc chỉ vì nhà sản xuất thiết bị cố gắng tạo ra sự khác biệt, giống như cách mà Microsoft hay làm.
Hãy nhìn vào lĩnh vực xe cộ. Mặc dù Ferrari là chiếc xe tuyệt vời, nhưng hầu hết chúng ta sẽ không bao giờ cố gắng để dành tiền để mua một chiếc.
Đa số sẽ chọn một chiếc sedan Honda hoặc một chiếc xe tải Ford hoặc nếu có đủ ngân sách thì là BMW hoặc Tesla. Chúng ta luôn chọn thứ gì đó trông đẹp mắt, đáng tin cậy, an toàn, phù hợp với nhu cầu và sẽ giữ giá trị theo thời gian.
Đại đa số người dùng sẽ không trả tiền cho những công nghệ mới hào nhoáng mà không mang lại điều gì hữu ích cho cuộc sống của họ.
Không cần trở thành Ferrari
Mới đây, giới công nghệ xôn xao với Humane Ai Pin, một thiết bị trị giá 600 USD (cộng với phí đăng ký hàng tháng là 24 USD) được thiết kế để thay thế điện thoại thông minh.
Thay vì cầm trên tay, sản phẩm sẽ được kẹp vào quần áo. Đây được coi là sản phẩm mới sáng tạo kết hợp giữa sử dụng AI và các tính năng như trên điện thoại, nhưng khả năng thành công của nó vẫn còn để ngỏ.
Ngược lại, các sản phẩm của Apple được thiết kế với tính thẩm mỹ tối giản, hiện đại và quan trọng nhất là đáp ứng tối ưu nhu cầu của người dùng. Chúng được làm bằng vật liệu chất lượng cao và có kiểu dáng đẹp, phong cách.
Vì Apple không thay đổi liên tục nên thiết kế của iPhone đã trở nên cổ điển và mang tính biểu tượng, tương tự như Macbook.
Ví dụ về các sản phẩm cổ điển khác có kiểu dáng không thay đổi nhiều theo thời gian có thể kể đến Rolex Submariner, chiếc đồng hồ mà ngày nay trông vẫn khá giống với chiếc 007 đeo trong bộ phim Dr. No năm 1962.
Những ví dụ khác có thể kể đến như Porsche 911, chai thủy tinh Coca-Cola, Sperry Docksiders. Những thiết kế mang tính biểu tượng bán rất chạy trong nhiều thập kỷ. Những thiết kế ngớ ngẩn thường không làm được như vậy.
Nhưng trong trường hợp của Apple, hãng thậm chí có thể làm cho những sản phẩm ngớ ngẩn trông thật ngầu. Apple biến những chiếc tai nghe "bị cắt dây" trở thành món phụ kiện thời thượng.
AppleWatch Ultra khá to và cồng kềnh nhưng chiếc đồng hồ này trở thành niềm yêu thích của nhiều người, thậm chí với cả những đối tượng không được nhắm đến từ đầu như nhà thám hiểm, thợ lặn.
Tim Cook có thể nhàm chán và buồn tẻ nhưng ông đã giúp Apple đạt mức vốn hóa thị trường 3 nghìn tỷ USD, trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.
Sự thật là Apple ít muốn đổi mới hơn vì họ đã thu hút được lượng người dùng lớn và trung thành, những người ưa thích các sản phẩm ổn định.
Tất nhiên, có rủi ro lớn khi quá chậm để thay đổi, đặc biệt là trong ngành công nghệ. Apple cần phải bắt kịp các lĩnh vực mà họ từng dẫn đầu nhưng hiện đang tụt lại phía sau, chẳng hạn như AI.
Sau cùng, ngay cả khi ai đó chê sản phẩm của Apple nhàm chán thì chúng vẫn là sự lựa chọn tuyệt vời cho những người đang tìm kiếm thiết bị công nghệ trường tồn, chất lượng cao, thân thiện với người dùng và đáng tin cậy. Apple không cần phải trở thành Ferrari khi đã là một chiếc xe tải Ford đủ tốt.
Đời sống và Pháp luật