Mức sàn nào cho tỷ giá USD/VND?
Theo ghi nhận từ thành viên tham gia thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã trở lại mua lượng lớn ngoại tệ, chặn đà rơi của tỷ giá USD/VND.
- 10-07-2019Tỷ giá trung tâm lập đỉnh mới, ngân hàng giảm sâu giá USD
- 10-07-2019Chuyên gia dự báo thế nào về lãi suất, tỷ giá từ nay đến cuối năm?
- 09-07-2019Tỷ giá bất ngờ giảm mạnh
Diễn biến trên thể hiện cuối tuần qua, khi giá USD trên thị trường liên ngân hàng chính thức rơi về mốc 23.200 VND - mức giá mà Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết mua vào.
“Xuống sàn” là từ mà lãnh đạo chuyên trách của một ngân hàng thương mại dùng để nói về tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng cuối tuần qua, khi trao đổi với BizLIVE. Lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước trở lại mua vào theo ước tính của thành viên này khá lớn.
“Mức sàn” nói trên được xác định ở 23.200 VND của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, mức áp dụng từ ngày 02/01/2019 cho đến nay.
Trong ngắn hạn, đó cũng là “mức sàn” đối với tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng. Giá USD bán ra trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng giữ chênh cao hơn từ 50 - 60 VND so với mức này mà khó giảm sâu hơn nữa.
Về lý thuyết, với biên độ +/-3% theo tỷ giá trung tâm, mức sàn của tỷ giá USD/VND hiện nằm sâu dưới ngưỡng trên; như với tỷ giá trung tâm công bố ngày 15/7 ở 23.063 VND, giá sàn được xác định ở 22.371 VND. Nhưng với mức chặn 23.200 VND của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, giá USD của các ngân hàng thương mại không xuyên qua để có thể tiếp cận mức giá sàn lý thuyết đó.
Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước không chặn mua như trên, tỷ giá USD/VND có thể xuống thêm trong đà rơi mạnh thể hiện từ cuối tháng 6 đến nay, cũng như trước diễn biến cung ngoại tệ thuận lợi.
Theo cập nhật của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu 1,59 tỷ USD, đặc biệt là sự trở lại xuất siêu mạnh vào cuối tháng 6.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng trên cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu. Tổng mua ròng của khối này nửa đầu năm 2019 lên tới 1,63 tỷ USD, riêng ở thị trường cổ phiếu mua ròng khoảng 1,2 tỷ USD. Chuỗi mua ròng này vẫn đang thể hiện trên sàn chứng khoán, kéo dài 7 phiên liên tiếp với quy mô khá lớn tính đến cuối tuần qua.
Về cục bộ, cũng trong tuần qua thị trường đón nhận thông tin Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng đã huy động được 300 triệu USD lô đầu tiên qua trái phiếu quốc tế, trong kế hoạch lên tới hơn 1,2 tỷ USD thời gian tới. Ở dòng chảy này còn có Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) với kế hoạch huy động về 200 triệu USD tới đây…
Ở một khía cạnh khác, nếu không có hoạt động chặn mua của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD/VND có thể sẽ tiếp tục rơi thêm. Ở giả thiết này, xu hướng rơi đó trở nên bất lợi khi VND lên giá mạnh, không tốt cho xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh kim ngạch có dấu hiệu chậm lại và sụt giảm trong tháng 6 vừa qua.
BizLive