MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mục tiêu tăng trưởng năm 2021: Liệu có khả thi?

Giá cả nhiều mặt hàng và nguyên, nhiên liệu trên thế giới tăng mạnh trong những tháng vừa qua, cộng với tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, điều này sẽ tác động như thế nào đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021? Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
290 bài viết

Thời gian qua, giá nhiều mặt hàng trên thế giới tăng mạnh, điều này sẽ tác động như thế nào đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam, thưa ông?

Đúng vậy, trên thế giới giá xăng dầu, nguyên vật liệu, rồi giá lương thực, thực phẩm thời gian qua đều tăng mạnh, tính bình quân đến nay, rổ hàng hóa trên thế giới đã tăng khoảng 23% so với cuối năm 2020. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng lo ngại lạm phát cao sẽ xảy ra. Lạm phát toàn cầu năm nay dự báo sẽ tăng lên mức 2,8% (từ mức 2% của năm 2020).

Mục tiêu tăng trưởng năm 2021: Liệu có khả thi? - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Tuy nhiên, giá cả hàng hóa trên thế giới tác động đến mức độ nào và liệu Việt Nam có đối mặt với nguy cơ lạm phát quá cao không? Theo tôi là có tạo áp lực, nhưng không quá lớn. Chúng tôi dự báo lạm phát (CPI bình quân) của Việt Nam năm 2021 sẽ tăng vào khoảng 3,4-3,6%. Vì 3 lý do chính, thứ nhất, sức cầu trong nước vẫn còn yếu, dù giá cả có giảm nhưng người dân vẫn chưa thể đi du lịch được, cũng không đi ăn ở nhà hàng, khách sạn nhiều được do dịch bệnh còn phức tạp ở nhiều địa phương. Doanh số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 5/2021 giảm 3,1% so với tháng 4 và giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, dù năm ngoái tăng rất thấp; dự kiến tháng 6 tiếp tục giảm, điều đó cho thấy sức cầu tiêu dùng trong nước vẫn còn yếu.

Thứ 2, vòng quay của đồng tiền năm 2021 vẫn rất chậm, giảm mạnh từ mức 5,6 lần năm 1999 xuống 1 lần vào năm 2013 và chỉ còn khoảng 0,65 lần năm nay; trong khi, vòng quay đồng tiền càng nhanh thì lạm phát càng cao và ngược lại.

Lý do thứ 3 khiến lạm phát năm nay khó vượt 4% đó là, Chính phủ rất kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nên chỉ đạo phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa, giá cả hài hòa hơn, nhịp nhàng hơn. Theo đó, các mặt hàng thiết yếu do nhà nước quản lý như: Y tế, giáo dục, điện…sẽ chưa tăng, vì vậy năm nay chúng ta có thể tự tin với việc kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2021: Liệu có khả thi? - Ảnh 2.

Lạm phát năm 2021 khó vượt 4%

Bên cạnh giá cả nhiều mặt hàng tăng, tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Điều này sẽ tác động như thế nào đến một số lĩnh vực kinh tế trong nước, thưa ông?

Có thể nói, dịch Covid-19 mà cụ thể là làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu vào cuối tháng 4/2021 đã tác động lớn đến phục hồi, tăng trưởng kinh tế và việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm nay. Trong đó, một trong những lĩnh vực tác động lớn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, vì dịch đã đánh thẳng vào các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, Bắc Ninh, Bắc Giang là 2 địa bàn chiếm 10% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 15% giá trị xuất khẩu toàn quốc.

Lĩnh vực thứ 2 chịu tác động là xuất khẩu, đây cũng là lý do 5 tháng đầu năm nhập siêu 370 triệu USD, nguyên nhân là do một số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã phải ngừng hoạt động để phòng, chống dịch, khiến cho xuất khẩu những mặt hàng như: Điện tử, điện máy, điện thoại, linh kiện chỉ tăng gần 20%, thấp hơn mức tăng chung là trên 30%.

Lĩnh vực thứ 3 chịu tác động nhiều bởi dịch Covid-19 là tiêu dùng; nhiều cửa hàng, cửa hiệu tại các địa phương phải đóng cửa, nhất tại tại TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội bị giãn cách, trong khi hai thị trường này đóng góp đến 39% GDP toàn quốc, nên chắc chắn tiêu dùng tại đây cùng một số địa phuong khác bị giảm, chưa kể tầng lớp trung lưu ở hai Thành phố này rất nhiều. Lĩnh vực thứ 4 là lĩnh vực vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống… cũng bị tác động rất mạnh, trong đó du lịch, vận tải hàng không thì gần như "đóng băng".

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng đang bắt đầu ngấm tác động (do có độ trễ), nợ xấu đang tăng và áp lực trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng theo tinh thần Thông tư 03 của Ngân hành Nhà nước vừa có hiệu lực hơn 1 tháng, sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay và năm tới.

Với những tác động trên, theo ông năm 2021 chúng ta có đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% như Chính phủ đề ra không?

Theo tôi, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam khó đạt được mục tiêu như mong muốn đề ra là 6,5%, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Hồi đầu năm, chúng tôi dự báo năm 2021 tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5-6,7%, nhưng thời điểm hiện tại chúng tôi đã điều chỉnh hạ mức dự báo tăng trưởng năm nay xuống còn từ 6,1-6,3% (theo kịch bản cơ sở), tức là giảm khoảng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm.

Xin cảm ơn ông!


Theo Nguyễn Hòa

Báo Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên