Mỹ áp đặt thuế nhôm và thép: Nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại
Việc áp thuế có thể sẽ kéo theo các hành động pháp lý từ đối tác thương mại của Mỹ trong WTO và cả sự trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
- 05-03-2018BVSC: Ngành thép Việt sẽ chịu ảnh hưởng không nhiều nếu Mỹ áp mức thuế nhập khẩu mới
- 04-03-2018Sau nhôm, thép, ông Trump doạ đánh thuế ôtô nhập khẩu từ EU
- 28-02-2018VDSC: Mỹ đánh thuế nhập khẩu thép là động lực phát triển cho doanh nghiệp Việt
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ chính thức thông báo áp đặt mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm trong tuần này. Động thái của ông chủ Nhà Trắng đã gây sự phẫn nộ từ các nhà sản xuất nhôm, thép lớn như Trung Quốc, Canada. Các đối tác của Mỹ cũng cảnh báo sẽ cân nhắc các biện pháp trả đũa. Giới phân tích lo ngại, động thái từ Mỹ sẽ khơi mào cho một cuộc chiến thương mại mới.
Lý do mà chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo áp thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu vì đây là 2 nguyên liệu quan trọng cho ô tô, máy bay và các thiết bị gia dụng được sản xuất tại Mỹ. Ngoài ra, các ngành khác như công nghiệp xây dựng, dầu khí cũng sử dụng hai vật liệu này trong sản xuất đường ống, dây diện, cũng như các lon đựng đồ ăn, thức uống.
Nhập khẩu chiếm khoảng một phần ba trong tổng số 100 triệu tấn thép mà các doanh nghiệp Mỹ sử dụng hằng năm, và hơn 90% trong số 5,5 triệu tấn nhôm được sử dụng ở nước này. Trong nhiều năm, hàng nhập khẩu đã gây ra không ít vấn đề rắc rối, dẫn đến việc các nhà máy nhôm và thép của Mỹ phải đóng cửa.
Nhôm và thép nhập khẩu là 2 nguyên liệu quan trọng cho ô tô, máy bay và các thiết bị gia dụng được sản xuất tại Mỹ. (Ảnh minh họa: Daily Mail)
Do đó việc áp thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu có thể sẽ tạo điều kiện để phục hồi các nhà máy sản xuất nhôm, thép của Mỹ, tạo cơ hội việc làm cho người dân nước Mỹ theo chính sách nước Mỹ trên hết cũng như chính sách bảo hộ thương mại của tổng thống Đô nan Trăm với mục đích bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh quyết liệt từ nước ngoài.
Ông Donald Trump không phải là Tổng thống Mỹ duy nhất sử dụng chính sách thương mại để bảo vệ các ngành công nghiệp có tầm quan trọng chiến lược. Tuy nhiên, vấn đề là, vận dụng thế nào cho tối ưu và được sự đồng thuận trong nước là không dễ.
Hiện tại, chính trường Mỹ đang có sự chia rẽ rõ rệt liên quan đến việc đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu. Nhiều đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ chủ trương đánh thuế này của Tổng thống. Trong khi đó, các cố vấn Nhà Trắng đang có nhiều ý kiến khác nhau và những đảng viên Đảng Cộng hòa có quan điểm ủng hộ thương mại tự do thì kịch liệt phản đối ông Donald Trump.
Việc áp thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu của Mỹ đã khiến nhiều nước, kể cả những đồng minh thân cận của Mỹ, chỉ trích gay gắt vì những ảnh hưởng tiêu cực đến hàng hóa xuất khẩu của họ. Tuy nhiên, trong chuyện này các doanh nghiệp Mỹ cũng không đồng tình, bởi thuế mới sẽ khiến giá cả của nhiều mặt hàng từ ô tô đến bia tăng cao và buộc các công ty phải cắt giảm việc làm.
Có thể dễ dàng dự đoán, ngành ô tô và hàng không sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi giá nguyên liệu tăng cao, nhưng kể cả những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bia, đồ uống có gas, kẹo, đồ ăn đóng hộp và kể cả những vỉ thuốc đều phải dựa vào nhôm trong quá trình đóng gói. Các mặt hàng điện tử, điển hình như điện thoại iPhone của Apple, cũng sử dụng kim loại. Do đó, các tập đoàn lớn sẽ phải tính toán thật kỹ những tác động từ chính sách thuế mới của ông Trump.
Không chỉ lo ngại về việc giá cả tăng dẫn tới việc người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trực tiếp bị ảnh hưởng, nhiều quan chức Nhà Trắng cũng như giới doanh nghiệp Mỹ cũng lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nước đối tác. Một loạt các nước như Canada, Mexico, Liên minh châu Âu, Đức, Nhật, và Brazil đã bày tỏ sự tức giận và cũng đã đe dọa trả đũa quyết định của Mỹ mà họ cho là không thế chấp nhận được.
Không những đe dọa trả đũa song phương, một số nước còn có khả năng kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới. Việc áp thuế có thể sẽ kéo theo các hành động pháp lý từ đối tác thương mại của Mỹ trong WTO và cả sự trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp của nước này.
Đa số các chuyên gia kinh tế Mỹ đều có nhận định rằng, trong một cuộc chiến thương mại, số người thua cuộc sẽ nhiều hơn người thắng cuộc và các bên sẽ đều bị thiệt hại và bản thân tổng thống Donald Trump cũng biết rất rõ điều này, tuy nhiên ông lại tuyên bố rất tự tin rằng các cuộc chiến thương mại là điều tốt và rất dễ để thắng.
Một số chuyên gia Mỹ còn cho rằng, thông báo áp thuế của Tổng thống Donald Trumplà một cách rất riêng của ông để kéo các đối tác tới bàn thương lượng vì mọi thứ hiện vẫn chưa cụ thể, rõ ràng và vẫn chưa có văn bản sắc lệnh nào được ký kết chính thức. Việc đưa ra thông báo áp thuế có thể là cách để thử phản ứng từ các đối tác thương mại của Mỹ rồi sau đó sẽ có những điều chỉnh nhất định.
Xuất thân là một doanh nhân, nên ông Trump rất tự tin về khả năng đàm phán của mình nên có thể ông cũng đã áp dụng nghệ thuật này vào nhiệm kỳ tổng thống của mình. Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng chi tiết cụ thể trong sắc lệnh mà ông Trăm sẽ ký mới là yếu tố quan trọng hơn là thông báo áp thuế vừa rồi.
Một số nhà kinh tế khác thì cho rằng, tuyên bố của ông Trump là nhắm vào Trung Quốc, là cách để ông gây sức ép và tìm cách làm giảm thâm hụt thương mại với nước này, một trong những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Tuy nhiên, không phải là không có lo ngại về khả năng có một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nước khác và điều mà các nhà kinh tế Mỹ lo ngại nhất đó là các biện pháp đáp trả của các nước cùng với lý do mà Mỹ đã áp dụng, đó là an ninh quốc gia, đây sẽ là một tiền lệ xấu đối với thương mại quốc tế. Khi đó nền kinh tế của Mỹ chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể là sản xuất trong nước, giá cả tăng, chi phí cao, lao động mất việc làm và người dân Mỹ sẽ là những người chịu thiệt thòi nhất./.