MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ sẽ hối thúc Ukraine đàm phán trong cuộc đối đầu sinh tử với Nga?

16-10-2024 - 20:50 PM | Tài chính quốc tế

Xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã gây mệt mỏi cho giới chức Mỹ - nhà tài trợ hàng đầu cho Ukraine trong cuộc đối đầu quân sự một mất một còn với Nga. Hiện nay, Mỹ đang nghiêng dần về phương án hối thúc Ukraine đàm phán với Nga và chấp nhận thực tế mới trên chiến trường.

Khát vọng đóng băng chiến sự Nga - Ukraine ngày một lớn

Cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài mà chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Nhiều nước bên ngoài Ukraine và Nga bắt đầu thảo luận và mong muốn giải pháp thương lượng để chấm dứt xung đột này.

Mỹ sẽ hối thúc Ukraine đàm phán trong cuộc đối đầu sinh tử với Nga?- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky trong cuộc đối đầu lịch sử ở thế kỷ 21. Ảnh: Getty.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby mới đây nhận định: “Chấm dứt thông qua đàm phán là kết quả có khả năng cao nhất”. Trong khi đó, Tổng thống Séc Petr Pavel, vốn ủng hộ Kiev trong thời gian dài, đã nói ngắn gọn: Ukraine “sẽ phải có đầu óc thực tế” và hiểu rằng “kết quả khả dĩ nhất cho cuộc chiến này sẽ là để cho một bộ phận lãnh thổ Ukraine nằm dưới quyền kiểm soát của Nga, một cách tạm thời”.

Người Ukraine ngày càng bị hối thúc phải chấp nhận từ bỏ con đường kháng cự để theo đuổi hành trình “thực tế”. Một câu hỏi được đặt ra ở đây là nếu người Ukraine chấp nhận như vậy, liệu Nga có tiếp tục xốc tới để giành quyền kiểm soát đối với phần lãnh thổ còn lại của Ukraine hay không?

Những người ủng hộ Ukraine đàm phán và chấp nhận một số nhượng bộ về lãnh thổ không phủ nhận “nguy cơ” nêu trên đối với Ukraine và họ nỗ lực tìm cách xử lý thông qua nhiều phương thức khác nhau. Cụ thể, họ mong muốn đất nước Ukraine hậu chiến sẽ được quyền tiếp cận đầy đủ đối với vũ khí Mỹ và NATO, các chương trình đào tạo và hỗ trợ quân sự khác.

Trong “Kế hoạch hòa bình của ông Trump dành cho Ukraine”, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Ukraine sẽ nhận được 100 tỷ USD từ một quỹ đặc biệt của NATO và thêm 500 tỷ USD nữa từ các khoản “cho vay, cho thuê” của Mỹ để mua sắm vũ khí.

Những người khác thì kêu gọi thực hiện “viện trợ quân sự bền vững thời bình” để “giúp Kiev tạo ra một sự răn đe đáng tin cậy”.

Ngay cả ứng viên Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cũng cho rằng cần có một số bảo đảm về mặt an ninh cho Ukraine để Nga không tấn công vào Ukraine một lần nữa. Ông Vance kêu gọi xây dựng một khu phi quân sự được bảo vệ chặt chẽ, nằm giữa lực lượng Nga và lực lượng Ukraine. Khi đó sẽ xuất hiện một trong hai kịch bản sau: Quốc tế thiết lập một lực lượng gìn giữ hòa bình giữa quân đội hai nước, hoặc phương Tây giúp Ukraine xây dựng một quân đội đủ mạnh để giữ nguyên hiện trạng khu phi quân sự này.

Mỹ sẽ hối thúc Ukraine đàm phán trong cuộc đối đầu sinh tử với Nga?- Ảnh 2.

Quả bóng trong chân Mỹ và sự hài lòng về “thắng lợi chiến lược”

Ở đây, đa số cho rằng trở ngại lớn nhất cho một dàn xếp hòa bình như vậy nằm ở Ukraine do họ khước từ nhượng bộ những lãnh thổ họ đánh mất vào tay Nga. Nhưng nhân tố quyết định lại nằm ở phương Tây. Nếu Mỹ và NATO muốn thì họ đủ khả năng ép Kiev làm theo. Vì có một điều rõ ràng là Ukraine khó lòng tiếp tục chiến đấu nếu thiếu sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước phương Tây.

Tất nhiên về phía Nga, họ cũng gặp những vấn đề nhất định. Trước năm 2022, Ukraine tương đối yếu và bị chia rẽ về chính trị. Vào cuối năm 2021, Ukraine chỉ có hơn 200.000 binh sĩ thường trực trong khi Nga có tới hơn 900.000 quân thường trực.

Thế nhưng, ba năm sau, tình hình có nhiều thay đổi theo hướng bất lợi cho Nga. Ukraine hiện giờ có hơn 900.000 quân thường trực và hàng trăm ngàn quân dự bị đã trải qua huấn luyện và thực chiến. Lực lượng như vậy của Ukraine thậm chí còn lớn hơn cả quân số của Anh, Đức và Ba Lan cộng lại. Đã vậy, theo đề xuất của cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Vào mùa hè 2024 này, NATO đã lập một trung tâm thường trực tại Wiesbaden, Đức, với 700 nhân viên để giám sát việc huấn luyện và “phát triển dài hạn” quân đội Ukraine, gia tăng mức độ phối hợp chung giữa lực lượng vũ trang Ukraine và NATO, cũng như để quản lý việc phân phối và sửa chữa lượng lớn vũ khí khí tài gửi cho Ukraine trong hiện tại và trong tương lai. Mỹ và NATO còn được cho là có kế hoạch tiếp tục cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine như họ vẫn làm trong suốt cuộc xung đột Nga - Ukraine vừa qua.

Nhiều quan chức Mỹ và châu Âu sẽ hài lòng với kết quả trên. Một bộ phận trong số họ còn gọi đây là “chiến thắng chiến lược đích thực”. Theo họ, với thực tế hiện nay, Nga đang đối mặt với “thất bại chiến lược” khi vấp phải sự thù địch ở nhiều nơi dọc biên giới với không chỉ Ukraine mà còn cả các nước khác.

Mỹ sẽ hối thúc Ukraine đàm phán trong cuộc đối đầu sinh tử với Nga?- Ảnh 3.

Đồng thời, giới chức Mỹ vẫn theo đuổi một chính sách đối ngoại tránh đẩy họ vào thế chiến tranh trực tiếp với nước Nga. Họ đang trong thế tiến thoái lưỡng nan: Không muốn chi hàng tỷ USD mỗi năm cho cuộc chiến mà phương Tây khó giành chiến thắng, nhưng cũng không muốn mang tiếng để cho Ukraine thất bại, với nhiều hệ lụy khó lường.

Trong bối cảnh ấy, bên cạnh việc vạch ra biên giới Ukraine mới trong thực tế, những vấn đề chính yếu trong bất cứ cuộc đàm phán thực sự nào giữa Nga và Ukraine sẽ liên quan quy mô quân đội Ukraine và bản chất mối quan hệ giữa lực lượng này với Mỹ và NATO.

Thời gian qua, viện trợ quân sự trực tiếp từ chính phủ các nước phương Tây dành cho chính phủ Ukraine, việc huấn luyện và chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine trong xung đột với Nga là không mang tính trung lập. Nói cách khác, những nỗ lực như vậy đã khiến Mỹ và đồng minh của mình trở thành bên tham chiến trên thực tế.

Trong đàm phán dự kiến, Tổng thống Nga Putin sẽ muốn giới hạn viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine (nhất là viện trợ từ Mỹ). Ông Putin cũng có khả năng yêu cầu giảm quy mô quân đội Ukraine xuống mức trước xung đột quân sự hoặc gần như vậy, để lực lượng này không còn khả năng “đánh vào nước Nga”, theo đánh giá của Nga.



Theo Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch

VOV

Trở lên trên