Mỹ, TQ ráo riết cạnh tranh “vẽ lại bản đồ” ngành công nghiệp nghìn tỷ USD: Việt Nam có 2 lợi thế rất lớn
Đây được coi là một trong những ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn cầu và có quyết định sức mạnh kinh tế, liên quan mật thiết đến vị thế quốc gia.
- 06-06-2024Đô thị giáp ranh TP HCM sắp có dự án 1 tỷ USD, tập đoàn hơn 300 năm của Nhật Bản góp mặt
- 06-06-2024Nỗ lực kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng
- 06-06-2024Bất ngờ khách quốc tế
Đó là ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện nay, chip bán dẫn được coi là một phần không thể thiếu trong đời sống và có tác động đến hàng loạt ngành sản xuất. Ngành này đang được nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi, thậm chí đưa vào chiến lược phát triển hàng đầu. Vậy, Việt Nam ở đâu trên bản đồ chip bán dẫn thế giới?
Đây cũng là chủ đề trọng tâm được đề cập tới trong buổi tọa đàm "Vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu: Việt Nam ở đâu?" do CTCP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức vào đầu tháng 6/2024. Chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Việt Hải – Giám đốc công nghệ Công ty SNS – Sirius Network Solution, ông Phùng Việt Thắng – Giám đốc Intel Việt Nam và ông Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc.
Theo ông Phạm Sỹ Thành, trong những năm qua, Mỹ đã bắt đầu khởi động những hoạt động cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và công nghệ, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn. Đáng chú nhất là đạo luật về bán dẫn và khoa học công nghệ. Theo đó, ngày 9/8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật CHIPS & Science Act để thúc đẩy tự chủ về công nghệ và sản xuất bán dẫn ở quốc gia này. Đạo luật này cũng được coi là một trong những nỗ lực của nước Mỹ nhằm giải quyết tình trạng về thiếu hụt chip kéo dài, đồng thời làm giảm sự phụ thuộc sản xuất vào những quốc gia khác như Trung Quốc.
Đạo luật CHIPS & Science Act của Mỹ được ông Phùng Việt Thắng đánh giá là đã "vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu".
Theo ông Phùng Việt Thắng, nhu cầu về sử dụng bán dẫn ngày càng tăng lên trên toàn cầu. Vì sự quan trọng của bán dẫn nên mức độ quan tâm của các quốc gia hay các tập đoàn đa quốc gia, công ty bản địa đều được tăng lên. Trong đó, vai trò của quốc gia trong việc phát triển ngành công nghiệp dẫn là rất quan trọng.
Giám đốc Intel Việt Nam nhấn mạnh, rõ ràng ngành công nghiệp bán dẫn mặc dù có nhiều công đoạn nhưng mỗi công đoạn sẽ được phát triển ở đâu, đầu tư như thế nào, chúng sẽ mang lại tầm quan trọng của các công ty đa quốc gia và ảnh hưởng đến vị thế của quốc gia đó như thế nào. Từ đó, điều này sẽ dẫn tới việc thay đổi bản đồ bán dẫn ở trên toàn cầu.
Tiếp lời ông Thắng, ông Nguyễn Việt Hải – Giám đốc công nghệ Công ty SNS nhận định, với sự bùng nổ của AI, những con chip lượng tử sẽ thay đổi rất nhiều tương lai của con người. Điều này khó mà hình dung được trong khoảng 10 năm tới. Tuy nhiên, việc vẽ lại bản đồ bán dẫn thì không hẳn là như vậy.
"Chúng ta biết rằng để làm ra một con chip bán dẫn thì phải tốn rất nhiều thứ có liên quan đến ngành khoa học vật liệu, vật lý, hóa học, cơ khí… Hơn nữa, bán dẫn là "mặt trận" rất lớn. Bởi thực tế chỉ có những tập đoàn đa quốc gia có thể sản xuất được khâu cuối cùng đóng gói thành phẩm để sử dụng rộng rãi trong đại chúng", ông Nguyễn Việt Hải nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này chia sẻ thêm rằng, những năng lực về nghiên cứu cơ bản sẽ đóng một vai trò khá quyết định trong việc hình thành nên những công cụ, hệ thống sản xuất. "Vẽ lại bản đồ bán dẫn" ở đây chỉ một số quốc gia có tiềm lực về con người nhất định sẽ đóng một vai trò quyết định hơn so với những nước khác.
Đạo luật CHIPS & Science Act của Mỹ cam kết dành 280 tỷ USD cho việc thúc đẩy công nghệ cao. Trong đó, điểm nhấn là gói 52,7 tỷ USD cho việc sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn.
Theo đạo luật này, các công ty được trợ cấp sẽ được nhận chính sách ưu đãi nhằm mở rộng hoạt động sản xuất ở Mỹ và được khấu trừ 25% thuế. Thế nhưng, các công ty này phải cam kết là không được mở rộng sản xuất tại Trung Quốc, ngoại trừ chất bán dẫn kế thừa, trong vòng 10 năm. Đây là loại chip sản xuất bằng công nghệ 28 nanomet trở lên.
Nhiều thách thức trong quá trình tham gia vào sản xuất chip bán dẫn
Ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực cạnh tranh cao, nhất là từ các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Những quốc gia và khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip bán dẫn của mình từ 50 - 150 tỷ USD.
Hơn nữa, thách thức về mặt công nghệ cũng không nhỏ khi đòi hỏi đầu tư lớn và R&D để duy trì sự cạnh tranh. Công nghệ liên quan đến sự phát triển liên tục và sự đổi mới. Năng lực đổi mới của con người chúng ta không nhìn thấy giới hạn. Do đó, rất khó để nói rằng sẽ không làm được đâu.
Đồng tình với ông Nguyễn Việt Hải, ông Phùng Việt Thắng cho rằng, đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn không hẳn chỉ là việc của một công ty mà cần sự hỗ trợ của hệ thống rất lớn. Thứ nhất, đó là thách thức của công nghệ có liên quan tới những ngành khoa học cơ bản. Mỗi bước đi phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn đều có liên quan của công nghệ nghiên cứu khoa học cơ bản.
"Thứ hai, đây là cuộc chơi rất tốn tiền. Điều này không chỉ nằm ở vấn đề tài chính mà còn ở sự đảm bảo, hoàn thiện về mặt chính sách để cho sự đầu tư của các công ty được lâu dài. Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực ngành bán dẫn mặc dù là đa dạng nhưng lại cần yêu cầu rất sâu ở một số vị trí. Chính vì thế, sự đa dạng này cần phải đến từ bộ lọc rất lớn chứ không chỉ đến từ sự đào tạo hay tuyển dụng của một công ty.
Cuối cùng, còn một thách thức nữa là môi trường của các công ty liên quan đến bán dẫn, từ các khâu thiết kế cho đến sản xuất, kiểm thử, đóng gói cần phải có tầm nhìn, chiến lược rất lâu dài. Do đó, chính sách của các quốc gia để giúp ngành bán dẫn phát triển là rất quan trọng", ông Phùng Việt Thắng cho biết.
Sự can thiệp nhà nước trong từng doanh nghiệp nhất định là rất quan trọng. Bởi vì khi có những chính sách nhất định thì vẫn có thể tạo ra được những thị trường vừa phải, đủ để phát triển trong ngành. Thực tế là với những đứa trẻ tài năng thì nhiều khi với khoản tiền rất ít nhưng chúng vẫn có thể vươn lên được.
Cả hai vị chuyên gia đều đồng tình rằng bên cạnh vai trò của Chính phủ sẽ quan trọng trong từng giai đoạn nhất định, để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển bền vững và lâu dài thì vẫn cần đến thị trường.
Một trong những động lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn chính là sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI). Theo ông Phùng Việt Thắng, AI là xu hướng sẽ còn phát triển trên toàn cầu trong nhiều năm nữa. Việc áp dụng, ứng dụng AI vào trong cuộc sống, công việc, sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này cũng chính là một cái động lực càng ngày càng lớn đối với sự phát triển của công nghiệp bán dẫn.
"Sự phát triển của bán dẫn và AI sẽ song hành, ít nhất là trong thời gian rất dài nữa. Tuy nhiên, ngược lại, sự phát triển cúa bán dẫn sẽ tác động lại, hiện thực hóa những mong muốn, xử lý tính toán liên quan đến AI. Hai ngành này sẽ có tác động tương hỗ với nhau", anh Hải nhấn mạnh.
Việt Nam có chậm chân trong ngành công nghiệp bán dẫn?
Theo ông Nguyễn Việt Hải – Giám đốc công nghệ Công ty SNS, những nước xung quanh chúng ta hầu như nước nào cũng làm bán dẫn và họ làm từ rất lâu. Có lẽ Việt Nam là nước gần như là cuối cùng tham gia vào việc này một cách mạnh mẽ. Bán dẫn rất rộng và có rất nhiều phân khúc. Rõ ràng việc nên tham gia vào phân khúc nào, làm cái gì, là câu chuyện của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu có định hướng để làm theo phong trào thì sẽ tốt hơn. Câu chuyện làm cái gì, làm như thế nào sẽ rất phụ thuộc vào việc chúng ta tham gia được vào khâu nào trong chuỗi giá trị toàn cầu và chúng ta quyết tâm đến đâu để giành được vị trí trong chuỗi giá trị đó.
"Bài học của tôi sau khi làm việc với các bạn bè quốc tế là cuối cùng là mình không dám làm chứ không phải không làm được. Hơn nữa, Việt Nam có 2 lợi thế lớn khi tham gia vào cuộc đua bán dẫn. Đó là chúng ta có dân số trẻ và có nền tảng về STEM trong giáo dục khá là tốt. Ngoài ra, do đất nước chúng ta còn nghèo nên đây cũng được coi là một lợi thế", ông Nguyễn Việt Hải chia sẻ.
Về câu hỏi liệu Việt Nam có chậm chân hay không trong ngành công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Việt Hải chia sẻ: "Thực ra tôi nghĩ rằng thời điểm tham gia vào thị trường ngành công nghiệp bán dẫn là rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng đây là thời điểm khá phù hợp để Việt Nam tham gia vào được khi có sự phân bố lại bản đồ bán dẫn. Thời điểm này chúng ta tham gia không phải là chậm, nhưng có thành công hay không lại là chuyện khác.
Còn việc Việt Nam nên tham gia vào phân khúc nào trong ngành công nghiệp này thì đây là vấn đề phức tạp và cần phải có nhiều nghiên cứu, "tầm sư học đạo", học hỏi kinh nghiệm của các công ty nước ngoài… để từ đó xác định được chúng ta nên làm gì và làm như thế nào".
Theo ông Hải, các bạn trẻ hoàn toàn có thể tham gia những khóa học về bán dẫn ngay từ bây giờ để nâng cao năng lực của bản thân, đồng thời có thêm cơ hội để chen chân vào lĩnh vực này sớm.
"Thực ra chậm hay không là do chúng ta lựa chọn. Nếu chúng ta nhìn một cách hiện thực thì tất cả các sản phẩm trên đời này đều có đời sống. Do đó, chúng ta có thể chọn nhảy vào đoạn nào đó trong đời sống của nó. Theo tôi, Việt Nam hoàn toàn có rất nhiều cơ hội để mà tiếp nhận và thu hút sự đầu tư của các hãng toàn cầu về bán dẫn", ông Phùng Việt Thắng chia sẻ thêm.
Tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 24/4 tại Hà Nội, Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã có sự tăng trưởng nhanh và tác động lớn ở nhiều quốc gia và nền kinh tế trên thế giới.
Cụ thể, từ năm 2001 - 2021, ngành công nghiệp này đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023. Ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Đời sống và Pháp luật