MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ-Trung ăn miếng trả miếng: Hàng Việt bị vạ lây

Coi chừng hàng hóa của Trung Quốc tìm cách chuyển sang Việt Nam để tránh chịu thuế cao của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15-6 đã công bố quyết định đánh thuế mạnh trị giá 50 tỉ USD lên 800 mặt hàng của Trung Quốc (TQ), trong đó có ô tô. Các sản phẩm này sẽ chịu mức thuế 25% bắt đầu từ ngày 6-7 tới. Ngay sau đó, TQ cũng đáp trả bằng chính sách sẽ áp thuế đối với 659 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ có trị giá 50 tỉ USD. Trong đó có xe hơi, nông phẩm, thủy sản, hóa phẩm, thiết bị y tế và năng lượng.

Các doanh nghiệp (DN), hiệp hội và chuyên gia cho rằng việc Mỹ-Trung liên tiếp đưa ra những biện pháp áp thuế kiểu ăn miếng trả miếng không chỉ gây tổn hại cho Mỹ và TQ mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam (VN).

Ông ĐỖ DUY THÁI, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Việt:

Thép Việt lo sốt vó

TQ gần như không thể xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ. Lý do là khi TQ bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá, thép cán nguội chịu mức thuế lên đến trên 522% và thép không gỉ chịu thuế trên 238%.

Do đó, TQ buộc phải tìm cách tiêu thụ lượng thép dư thừa bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các nước ASEAN. Trong đó, VN vừa có nhu cầu thép tăng trưởng mạnh, đồng thời là một xưởng gia công thép xuất khẩu đi rất nhiều nước, trong đó có Mỹ.

Vì vậy, VN cũng nằm trong “tầm ngắm” của Bộ Thương mại Mỹ khi nước này cho rằng TQ có thể đang dùng VN để né thuế phòng vệ thương mại. Bằng chứng là mới đây Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ đánh thuế chống bán phá giá lên đến 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với các mặt hàng thép cán nguội sản xuất tại VN nhưng sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc TQ.

Với mức thuế quá cao như vậy thì rất khó để thép VN có thể xuất khẩu sang Mỹ. Thế nên chúng tôi đã chuyển sang xuất khẩu vào thị trường Canada và các thị trường khác.

Theo tôi, VN cần đàm phán song phương với Mỹ để tháo gỡ những khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu nước ta vì vạ lây từ hàng TQ.

Ông NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia kinh tế:

Hàng Việt có thể bị “bức tử” nhưng...

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và TQ có thể kéo dài và ngày càng căng thẳng thì cả hai bên đều chịu thiệt hại. Khi đó có thể làm thay đổi cán cân thương mại của nước thứ ba mà ở đây là những tác động xấu với xuất khẩu của VN.

Tuy vậy, thách thức lẫn cơ hội sẽ đan xen khi hai nước này tạo rào cản về thuế quan lẫn nhau. Cụ thể, khi xuất khẩu sang Mỹ khó khăn, hàng TQ giảm thì đây là cơ hội cho hàng VN xuất khẩu vào Mỹ để bù đắp khoảng trống thị phần của hàng TQ như hàng dệt may, giày da, thủy sản...

Ngược lại, khi TQ giảm xuất khẩu hàng sang Mỹ, họ sẽ tìm cách xuất sang các nước xung quanh và VN bị cạnh tranh rất lớn. Hàng VN sang các quốc gia khác cũng gặp cạnh tranh nhiều hơn, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á, vì hàng TQ không bán được qua Mỹ sẽ bị dồn bán qua các nước lân cận.

Đồng thời các mặt hàng nội địa VN hiện đã bị hàng Thái Lan, TQ cạnh tranh sẽ còn bị cạnh tranh ráo riết hơn nữa và có thể bị “bức tử” dễ dàng.

Đây cũng là cơ hội tốt cho VN để tách khỏi sự lệ thuộc quá lớn vào thị trường TQ. Muốn vậy DN VN phải chủ động nguồn nguyên liệu, tăng chất lượng sản phẩm, mở rộng nhiều thị trường.

Mỹ-Trung ăn miếng trả miếng: Hàng Việt bị vạ lây - Ảnh 1.

Thị trường Mỹ tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trong ảnh:Đóng gói trái cây xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: QH

Ông TRẦN QUỐC MẠNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ VN (VIETCRAFT):

Coi chừng hàng Trung Quốc núp bóng

Mỹ là một trong bốn thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của VN. Khối lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm tháng đầu năm 2018 của VN đạt 3,3 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Nếu sản phẩm gỗ và nội thất của TQ nằm trong nhóm sản phẩm bị đánh thuế cao khi nhập khẩu vào Mỹ thì các đơn vị ngành gỗ và chế biến gỗ VN có thể được hưởng lợi. Hiện TQ đang đứng thứ nhất về xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ vào thị trường Mỹ, VN thứ năm. Hàng đồ gỗ VN sẽ có khả năng tăng thị phần tại thị trường này.

Thế nhưng cũng có những lo ngại khi trước đây Mỹ đánh thuế cao đối với hàng đồ gỗ, nội thất TQ, VN cũng bị vạ lây khi hàng TQ núp bóng hàng Việt xuất khẩu sang Mỹ. Vì lý do đó gỗ VN bị Mỹ đánh thuế cao.

Vì thế các DN Việt cần có kết nối tốt với các đối tác nhập khẩu Mỹ; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế thì mới có thể tận dụng được lợi thế.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng Giám đốc Vina T&T Group:

Cơ hội cho trái cây Việt

TQ và Mỹ vẫn là những thị trường lớn của trái cây cũng như nhiều nông sản khác của VN. Khi chiến tranh thương mại xảy ra, nhiều sản phẩm nông sản từ Mỹ sẽ hết đường vào TQ. Khi đó cơ hội có nông sản, đặc biệt là trái cây VN tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường vốn đã lớn nhất của nông sản Việt.

Với thị trường Mỹ cũng như vậy. Các sản phẩm rau quả của TQ cũng giảm khi xuất sang Mỹ nếu phải chịu mức thuế cao. Khi đó rau quả VN sẽ tăng thị phần tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không chỉ Mỹ mà TQ đều kiểm soát chặt nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, nông sản Việt phải quy hoạch vùng trồng các loại trái cây xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalG.A.P. và truy xuất được nguồn gốc, đầu tư công nghệ bảo quản, đóng gói… thì mới có thể cạnh tranh, tăng được thị phần.

Rất dễ bị tổn thương

Tại buổi họp báo công bố báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2018 mới đây, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại VN, cho rằng Mỹ và TQ là hai đối tác quan trọng với VN cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Mức độ phụ thuộc thương mại, phụ thuộc tăng trưởng vào xuất khẩu của nền kinh tế VN khá cao, nếu có sự đứt gãy trong xuất khẩu sẽ ảnh hưởng lớn.

"VN rất dễ bị tổn thương nếu gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và TQ. Nếu Mỹ và TQ tăng các loại thuế sẽ có tác động lan tỏa đến kinh tế VN" - ông khẳng định.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định tương tự và cho rằng VN cần có những biện pháp thận trọng, đề phòng hơn trước những diễn biến của cuộc chiến thương mại, không đẩy bản thân vào thế bất lợi và nhận những đòn trừng phạt không đáng có.


Theo Quang Huy

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên