MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ, Trung Quốc, châu Á và tương lai khó đoán của bức tranh thương mại toàn cầu

17-05-2017 - 10:19 AM | Tài chính quốc tế

Thế giới, và cả châu Á, đang ở trạng thái cân bằng nhưng không hề ổn định.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng “bảo hộ sẽ đem tới sự thịnh vượng và sức mạnh lớn”. Ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc lại tin rằng cần phải “thúc đẩy thương mại và đầu tư, chủ nghĩa tự do và mở cửa tạo điều kiện phát triển, nói không với chủ nghĩa bảo hộ”. Vậy sự trái ngược trong hai quan điểm trên sẽ tác động như thế nào tới tương lai của động lực phát triển của thương mại châu Á?

Đây là một câu hỏi có ý nghĩa quan trọng với toàn thế giới. Hiện nay, phần lớn những nền kinh tế năng động nhất thế giới, bao gồm hai “gã khổng lồ” Trung Quốc và Ấn Độ, đều nằm tại khu vực châu Á, cụ thể là Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự đoán tỉ trọng của các nền kinh tế mới nổi tại châu Á trong tổng sản lượng thế giới (với sức mua tương đương) sẽ tăng từ gần 9% trong năm 1980 lên 38% trong năm 2021, không chênh lệch nhiều so với các quốc gia tiên tiến.

Cam kết thương mại tự do của Mỹ đã tạo ra một môi trường giúp châu Á phát triển. Mở rộng thương mại đóng vai trò quyết định giúp châu Á tăng trưởng kinh tế nhanh, thông qua khai thác lợi thế so sánh, quy mô kinh tế, tiếp cận chuyên môn và tăng cường cạnh tranh.

Kết quả khá bất ngờ, đặc biệt là ở Trung Quốc. Tỉ trọng xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc đã tăng từ khoảng 1% vào năm 1981 lên 4% vào năm 2000 – ngay trước khi quốc gia này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 – và lên 14% vào năm 2015.

Tỉ trọng xuất khẩu hàng hoá của các nền kinh tế châu Á mới nổi tăng vọt từ 4% vào năm 1981 lên 14% vào năm 2015. Trong khi đó, tỉ trọng của Nhật Bản lại giảm từ 10% vào năm 1993 xuống còn 4% vào năm 2015. Nhìn chung, tỉ trọng xuất khẩu hàng hoá của châu Á so với thế giới (bao gồm tái xuất khẩu) đạt 33% trong năm 2015.

WTO (thành lập năm 1995) và trước đó là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT – 1947) đã đưa ra khung thể chế chính cho tăng trưởng thương mại tại châu Á. GATT thúc đẩy tự do hoá thương mại toàn cầu thông qua tám vòng đàm phán đa phương. Vòng đàm phán cuối cùng dưới thời GATT là Vòng đàm phán Uruguay được thông qua vào năm 1994. Vòng đàm phán Doha bắt đầu vào năm 2001 và vòng đàm phán gần nhất dưới thời WTO vẫn chưa kết thúc.

Khác với châu Âu, các hiệp định thương mại khu vực, ngoại trừ Asean, đều không đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển thương mại tại châu Á. Bên cạnh đó, giữa Mỹ và Hàn Quốc có một hiệp định thương mại song phương quan trọng. Ngoài ra, giữa Asean và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có Asean Cộng Ba (Asean Plus Three – APT). Tuy nhiên, APT giống một tổ chức phối hợp hơn là một hiệp định thương mại.

Dù có một số dấu hiệu phục hồi, nhưng tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu đang dần chậm lại kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Từ năm 2012 đến 2015, tăng trưởng khối lượng hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu trung bình từ các nền kinh tế châu Á mới nổi chỉ chiếm hơn 4%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trước khủng hoảng ở giai đoạn 2007-2008 và mức tăng trưởng GDP trung bình của khu vực.

Quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới cũng đang chững lại. Chủ nghĩa bảo hộ ngày càng phát triển, nhưng đây không phải là lý do đằng sau tốc độ tăng trưởng chậm của thương mại toàn cầu. Thay vào đó, sự “vắng mặt” của quá trình tự do hoá cùng sự kiệt quệ các cơ hội phân chia các chuỗi cung ứng qua biên giới mới là nguyên nhân chính.

Tuy nhiên, IMF lại cho rằng nhu cầu giảm – đặc biệt là đầu tư giảm – mới là yếu tố quan trọng nhất khiến thương mại toàn cầu phát triển chậm. Điều này cho thấy thương mại toàn cầu có thể phục hồi trở lại, nhưng điều này phụ huộc vào chính sách thương mại.

Trước sự phát triển kinh tế và chính trị của Trung Quốc, và quá trình tự do hoá thất bại trong WTO, cựu tổng thống Barack Obama đã quyết định thúc đẩy Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu. TPP được ký kết vào tháng 2 năm 2016 với sự tham gia của Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. Tuy nhiên, vào ngày 23/01/2017, tân tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP. Các nước còn lại vẫn đang theo đuổi 1 TPP không có Mỹ.

Việc Mỹ rút khỏi TPP đã trao cơ hội cho Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Ngoài một số thành viên của TPP, thành viên của RCEP còn có thêm Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Lào, Myanma, Phillipin và Thái Lan.

Với hai quốc gia đông dân nhất thế giới, các nước thành viên RCEP đóng góp 31% tổng lượng hàng hoá xuất khẩu toàn thế giới và có tổng GDP cao hơn tổng GDP của các quốc gia TPP.

Dù mục tiêu của RCEP thấp hơn TPP, nhưng RCEP có thể xây dựng nền tảng cho một khu vực thương mại tự do tại châu Á và tây Thái Bình Dương trong tương lai do Trung Quốc đứng đầu. Tuy nhiên, RCEP chỉ có hiệu lực khi Trung Quốc hình thành một thị trường rộng mở cho các quốc gia khác.

Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” do Trung Quốc khởi xướng vào năm 2013 có thể đẩy nhanh quá trình hình thành một thị trường như trên. Mục tiêu là sử dụng vốn và khả năng tổ chức của Trung Quốc nhằm thúc đẩy cung ứng cơ sở hạ tầng trên lục địa Á-Âu và ở cả những khu vực khác.

Nếu thành công, sáng kiến này sẽ đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế trong một hệ thống kinh tế với trung tâm là Trung Quốc. Nhu cầu cơ sở hạ tầng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương là vô cùng lớn, và các nguồn lực bổ sung của Trung Quốc là hữu dụng.

Thế giới, và cả châu Á, đang ở trạng thái cân bằng nhưng không hề ổn định. Mỹ đang quay lưng với vai trò sau chiến tranh của mình – một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của châu Á. Liệu một trật tự mới xoay quanh Trung Quốc có khiến tình hình hỗn loạn?

Những người lạc quan coi đây là cơ hội; nhưng những người bi quan lại tin rằng đây là nguy cơ. Còn thực tế hiện nay lại là sự kết hợp của cả hai.

Quỳnh Mai

Financial Times

Trở lên trên