Năm 2017, cổ phiếu nào của ngành thép sẽ hấp dẫn?
Đã có một phong độ tuyệt vời trong năm 2016, ngành thép tiếp tục được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi trong năm 2017. Tuy nhiên, cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành vẫn là những cổ phiếu được đánh giá cao hơn.
- 20-12-2016Điều chỉnh công suất, cơ cấu sản phẩm dự án thép 3 tỷ USD của Hoà Phát
- 20-12-2016Thép nội địa được cứu
- 28-07-20166 tháng đầu năm, ngành nào "ngon" được như ngành thép
Trong báo cáo tháng 12/2016 của CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) về ngành thép, các chuyên gia phân tích đã đánh giá tích cực về ngành thép khi năm 2017, ngành này được dự báo sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi.
Thứ nhất, giá nguyên liệu được kì vọng điều chỉnh giảm sau cú tăng vọt năm 2016. Hai nhà xuất khẩu quặng sắt lớn là Úc và Brazil đang có động thái tăng công suất để tranh giành thêm thị phần. Tồn kho quặng sắt ở Trung Quốc đang gần chạm mốc đỉnh cũ giai đoạn 2014-2015 trong khi nước này đang chủ trương thu hẹp sản xuất ngành thép. Đồng thời, khả năng tăng giá của loại nguyên liệu than cốc trong 2017 là không cao do nhà sản xuất than cốc lớn trên thế giới là Úc tiếp tục tăng công suất trở lại bù đắp cho sự sụt giảm tại Trung Quốc.
Thứ hai, mặt bằng giá bán thép tăng nhờ chi phí sản xuất tăng (do mặt bằng giá nguyên liệu cao hơn so với năm 2016) và đồng USD tăng giá khiến cho chi phí nhập nguyên liệu quặng sắt và thép phế tăng lên. Theo tính toán của VCBS dựa trên những giả định về giá nguyên liệu giảm, để các doanh nghiệp lò điện duy trì tỉ lệ sinh lời 1,5%-2% thì giá bán thép trung bình năm 2017 tối thiểu ở mức 10,8 triệu đồng/tấn.
Thứ ba, các chuyên gia cũng nhận định, sản lượng tiêu thụ thép trong 2017 sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu từ dân dụng và đầu tư công. Ngành thép nội địa đang trong điều kiện đang được bảo hộ bằng thuế tự vệ cho tới năm 2020, nên vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm tới.
Nhìn lại năm 2016, nhiều cổ phiếu ngành thép đã có sự tăng giá ngoạn mục vượt xa mức tăng của VN-Index. VCBS đánh giá cơ hội đầu tư vẫn còn trong năm 2017-2018 với 2 doanh nghiệp đầu ngành.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG)
Điểm nhấn của HPG là doanh nghiệp tự sản xuất được phôi thép theo phương pháp lò cao (BOF). Đặc thù ngành thép Việt Nam đang có mức độ cạnh tranh về giá lớn, dẫn tới chi phí sản xuất trở thành yếu tố lựa chọn doanh nghiệp tiềm năng. Do đó, Hòa Phát tiếp tục là một điểm sáng trong năm tới khi giá nguyên liệu giảm. Ngoài ra, HPQ là một trong số ít doanh nghiệp được hưởng lợi khi Việt Nam áp thuế tự vệ lên sản phẩm thép Trung Quốc.
Mặt khác, bước sang năm 2017, khu liên hợp giai đoạn 3 của Hòa Phát sẽ chạy tối đa công suất trong cả năm, nâng sản lượng sản xuất lên tới hơn 2 triệu tấn/năm. Đồng thời, theo kế hoạch, giữa năm 2017, HPG cũng hoàn thành việc tăng công suất mảng ống thép từ việc cải tạo và nâng cấp nhà máy Đà Nẵng và Bình Dương.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG)
Triển vọng năm 2017 của Hoa Sen đến từ sự mở rộng hệ thống đại lí. HSG là doanh nghiệp tôn mạ có hệ thống phân phối hàng đầu với 212 đại lý trực thuộc (9T2016). Trong năm tới, HSG tiếp tục có kế hoạch mở rộng số đại lý lên 300 và tiến đến các khu vực miền Trung và miền Bắc. Đồng thời, đầu năm 2017, nhà máy ống thép và ống nhựa Hà Nam và nhà máy tôn mạ Nhơn Hội (Bình Định) sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, khu liên hợp Cà Ná có thể gây ra gánh nặng về vay nợ, và tạo ra nhu cầu tăng vốn đối với tập đoàn trong ngắn hạn.
VCBS