MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2022: Dịch bệnh và những loại virus gây bệnh phức tạp, nguy cơ tử vong tới 90% và chưa có vaccine phòng ngừa

23-12-2022 - 08:38 AM | Tài chính quốc tế

Năm 2022: Dịch bệnh và những loại virus gây bệnh phức tạp, nguy cơ tử vong tới 90% và chưa có vaccine phòng ngừa

Năm 2022, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang có nhiều diễn biến mới thì nhân loại tiếp tục phải đối diện với sự trở lại của hàng loạt loại virus, dịch bệnh nguy hiểm.

Kể từ cuối năm 2019, thế giới đã phải tập làm quen với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19. Đến năm 2022, cuộc chiến của chúng ta không đơn thuần chỉ là nghiên cứu về virus SARS-CoV-2, phát triển vaccine, phân loại và cách ly người nhiễm. Mà còn phải quan tâm đến tình trạng hậu COVID-19.

Trong năm qua, đã có nhiều người đã phải đối mặt với một số biến chứng ngay cả khi đã hồi phục sau khi trở thành F0. Ở trẻ nhỏ, hội chứng MIS-C trở nên phổ biến. Đây là tình trạng viêm các cơ quan khác nhau bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở trẻ em vào thời điểm khoảng 4 - 8 tuần sau khi mắc COVID-19. Ở người lớn, tình trạng hậu COVID-19 xuất hiện vô cùng đa dạng, nhẹ thì rụng tóc, nặng thì tràn khí màng phổi.

Năm 2022: Dịch bệnh và những loại virus gây bệnh phức tạp, nguy cơ tử vong tới 90% và chưa có vaccine phòng ngừa - Ảnh 1.

Năm 2022, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang có nhiều diễn biến mới thì nhân loại tiếp tục phải đối diện với sự trở lại của hàng loạt loại virus, dịch bệnh nguy hiểm.

Đậu mùa khỉ: Căn bệnh mà WHO tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Hôm 23/7/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở hơn 70 quốc gia là bất thường và được xem là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Tổng giám đốc WHO mô tả bệnh đậu mùa khỉ là một mối đe dọa sức khỏe đang ngày càng gia tăng. Ông kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới tăng cường giám sát, truy vết, xét nghiệm và đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao được tiếp cận với vắc-xin và thuốc kháng virus.

Trái ngược với Covid-19, bệnh đậu khỉ không phải là một loại virus mới. Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện bệnh đậu mùa ở khỉ vào năm 1958 trên những con khỉ bị nuôi nhốt dùng để nghiên cứu ở Đan Mạch. Xác nhận trường hợp đầu tiên ở người bị nhiễm virus vào năm 1970 tại quốc gia Zaire, nay được gọi là Cộng hòa Dân chủ Congo.

Năm 2022: Dịch bệnh và những loại virus gây bệnh phức tạp, nguy cơ tử vong tới 90% và chưa có vaccine phòng ngừa - Ảnh 2.

Đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ thuộc cùng họ virus với bệnh đậu mùa, mặc dù nó gây bệnh nhẹ hơn. Trước đây, việc lây truyền bệnh đậu mùa khỉ giữa người với người là tương đối hiếm và virus này thường lây nhiễm từ động vật sang người. Nhưng bệnh đậu mùa khỉ hiện đang lây lan hiệu quả hơn giữa người với người.

Theo thống kê của WHO, trong năm nay có 81.107 ca mắc và 55 ca tử vong do đậu mùa khỉ được ghi nhận tại 110 quốc gia. Tại nước ta tính đến thời điểm này đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh.

Virus Langya (LayV)

Trong khi đậu mùa khỉ đang dấy lên nhiều lo ngại cho thế giới, Trung Quốc bỗng phát hiện thêm một loại virus nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật.

Đó là virus Langya Henipavirus – còn gọi là virus Langya (LayV). Tính đến tháng 8/2022, loại virus này đã lây nhiễm cho 35 trường hợp ở các tỉnh Hà Nam và Sơn Đông, miền đông Trung Quốc.

Nghiên cứu được công bố trước đó tiết lộ rằng virus Langya lần đầu được phát hiện vào cuối năm 2018.

Năm 2022: Dịch bệnh và những loại virus gây bệnh phức tạp, nguy cơ tử vong tới 90% và chưa có vaccine phòng ngừa - Ảnh 3.

Virus Langya (LayV).

Virus Langya thuộc họ Henipavirus, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh cho động vật ở châu Á - Thái Bình Dương. Loại virus này có cùng họ với virus Hendra (HeV) và virus Nipah (NiV) - cả hai đều có khả năng lây nhiễm sang người. Trong đó, virus Nipah lây lan qua các giọt đường hô hấp giống như COVID-19, nhưng nguy hiểm hơn nhiều vì có tỷ lệ tử vong chiếm tới 3/4 ca mắc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê Nipah có nhiều khả năng gây ra đại dịch tiếp theo.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm thấy virus Langya ở 71 trong số 262 con chuột chù - một loài động vật có vú nhỏ giống như chuột chũi - ở các tỉnh Hà Nam và Sơn Đông. Virus này cũng được phát hiện ở chó (5%) và dê (2%).

Hiện tại, chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị virus Langya. Giải pháp duy nhất là chăm sóc hỗ trợ để kiểm soát các biến chứng liên quan đến bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Virus Marburg: Nguy cơ tử vong tới 90% và chưa có vaccine phòng ngừa

Tháng 7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát lên thông tin gây lo ngại về căn bệnh nguy hiểm do virus Marburg gây ra, khi quốc gia châu Phi Ghana xác nhận đã có 2 trường hợp tử vong dương tính với virus này. Hơn 90 người tiếp xúc khác đang được theo dõi.

Theo WHO, bệnh do virus Marburg là một bệnh có độc lực cao, gây sốt xuất huyết, với tỷ lệ tử vong lên đến 88%. Loại virus này cùng họ với virus gây bệnh Ebola. Thời gian ủ bệnh do virus Marburg dao động từ 2 đến 21 ngày.

Marburg có lẽ đã được truyền sang người từ dơi ăn quả châu Phi do tiếp xúc lâu dài từ những người làm việc trong các hầm mỏ và hang động có đàn dơi Rousettus. Nó không phải là một bệnh lây truyền qua không khí.

Một khi ai đó bị nhiễm, virus có thể lây lan dễ dàng giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể người như máu, nước bọt hoặc nước tiểu. Nhân viên y tế là đối tượng rủi ro cao nhất khi họ phải tiếp xúc với bệnh nhân, cùng các thi thể vẫn có khả năng lây nhiễm.

Năm 2022: Dịch bệnh và những loại virus gây bệnh phức tạp, nguy cơ tử vong tới 90% và chưa có vaccine phòng ngừa - Ảnh 4.

Virus Marburg.

Các trường hợp đầu tiên của virus Marburg được xác định ở châu Âu vào năm 1967. Đã có 2 đợt bùng phát ở Đức và Serbia, có ít nhất 7 trường hợp tử vong đã được báo cáo. Trong 2 đợt bùng phát này, nguồn lây nhiễm được xác định là do khỉ xanh châu Phi nhập khẩu từ Uganda hoặc mô của chúng trong khi tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Theo WHO, bệnh bắt đầu "đột ngột", với biểu hiện sốt cao, đau đầu dữ dội và khó chịu. Đau nhức cơ và chuột rút cũng là những dấu hiệu phổ biến.

"Cúm lạc đà" MERS-CoV

Gần đây nhất, cúm lạc đà là MERS-CoV là loại bệnh đang khiến thế giới lo ngại khi lần lượt 5 cầu thủ Pháp nhiễm cúm lạc đà trước trận chung kết World Cup 2022.

"Cúm lạc đà" là hội chứng hô hấp Trung Đông do virus Corona (CoV) gây ra, bệnh có liên quan đến việc tiếp xúc với lạc đà hoặc ăn thịt và sữa của chúng chưa được nấu chín.

MERS là chữ viết tắt của cụm từ Middle East Respiratory Syndrome. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở Saudi Arabia vào năm 2012, gây suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong ở nhiều người nhiễm bệnh.

Năm 2022: Dịch bệnh và những loại virus gây bệnh phức tạp, nguy cơ tử vong tới 90% và chưa có vaccine phòng ngừa - Ảnh 5.

"Cúm lạc đà" MERS-CoV.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tháng 11/2022 cho thấy: Thế giới đã ghi nhận 2.601 ca nhiễm ở người và 935 trường hợp tử vong với tỉ lệ tử vong là 36%.

MERS-CoV có thể dẫn đến suy hô hấp hoặc suy thận, thậm chí gây tử vong. Những người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn như người lớn tuổi, có hệ thống miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh phổi.

Trước khi World Cup Qatar 2022 diễn ra, thông tin từ nghiên cứu được công bố trên tạp chí New Microbes and New Infections cho thấy việc thu hút số lượng lớn người hâm mộ trên khắp thế giới tập trung về Qatar cũng có thể dẫn tới nguy cơ lây lan một số bệnh nhiễm trùng như Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ và đặc biệt là MERS.

Các chuyên gia cảnh báo những người hâm mộ bóng đá về nguy cơ mang theo mầm bệnh cúm lạc đà vào thời điểm quay về nước sau khi World Cup ở Qatar kết thúc.

Theo Đậu Đậu

Tổ quốc

Trở lên trên