Nằm trong top 10 địa phương đắt đỏ nhất nhưng tỉnh này lại có thu nhập thuộc top thấp nhất cả nước
Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của địa phương này xếp thứ 61/63 tỉnh, thành với hơn 2,1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tỉnh này lại có chi phí sinh hoạt nằm trong top 10 về mức độ đắt đỏ.
- 20-05-2023Tổng Giám đốc IMF: Việt Nam là ngôi sao sáng và sẽ tăng trưởng gấp đôi toàn cầu
- 20-05-2023Vốn FDI liên tục đổ vào Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, liệu Việt Nam có còn là điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp nước ngoài?
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (viết tắt theo tiếng Anh là SCOLI) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế - xã hội trong một thời gian nhất định (thường là một năm).
Chỉ số SCOLI phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương. Đồng thời, chỉ số này còn là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI) và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo sức mua tương đương.
Theo đó, mức giá sinh hoạt của Sơn La năm 2018 bằng 96,17% so với Hà Nội, xếp thứ 8 trên cả nước về mức độ đắt đỏ. Đến năm 2019, chỉ số SCOLI của địa phương tăng lên mức 96,41% và xếp thứ 7 trên cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2015.
Kể từ năm 2020 đến năm 2022, tỉnh Sơn La luôn nằm ở vị trí số 7 trong top các địa phương đắt đỏ nhất cả nước. Cụ thể, năm 2020, mức giá sinh hoạt của địa phương bằng 96,13% so với Hà Nội. Năm 2021, chỉ số SCOLI của tỉnh Sơn La giảm xuống còn 94,58%. Năm 2022, mức giá sinh hoạt của địa phương bằng 95,76% so với Hà Nội.
Mặc dù có mức giá sinh hoạt nằm ở top địa phương đắt đỏ, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Sơn La lại không cao. Trong giai đoạn từ 2018 - 2021, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh luôn ở nằm trong nhóm thấp nhất cả nước.
Cụ thể, năm 2018, thu nhập bình quân của người dân tại địa phương này chỉ đạt 1,482 triệu đồng/người/tháng vào năm 2018 và xếp thứ 62 trên cả nước.
Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 1,605 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ 61/63. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 1,75 triệu đồng/người/tháng và năm 2021 là 1,834 triệu đồng/tháng. Cả năm 2020 và năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Sơn La đều xếp thứ 62/63 tỉnh, thành.
Đến năm 2022, theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Sơn La lần đầu vượt ngưỡng 2 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên mức thu nhập vẫn xếp thứ 61/63 tỉnh, thành.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, năm 2022, thứ tự đắt đỏ giữa các vùng kinh tế không biến động so với năm 2021. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước. Vị trí thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chỉ số SCOLI năm 2022 bằng 99,42%, tiếp theo là Đông Nam Bộ 98,62%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 98,33%, Tây Nguyên 97,87% và cuối cùng là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 94,85%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế - xã hội năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao.
Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam phụ thuộc vào diễn biến thương mại toàn cầu suy giảm; căng thẳng địa chính trị, tranh chấp, trừng phạt nhau giữa các quốc gia; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ… làm cho đơn đặt hàng giảm, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới ở mức cao.
Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời đưa ra một loạt các giải pháp và quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý, điều hành giá thận trọng, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với các mục tiêu chung, đảm bảo mặt bằng giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát năm 2022 ở mức 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Bên cạnh đó, hàng hóa tiêu dùng dồi dào với hệ thống phân phối đa dạng nên mức giá hàng hóa, dịch vụ của các địa phương ít biến động. Do vậy, chỉ số SCOLI năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thay đổi nhiều so với năm 2021.
Nhịp sống kinh tế