MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nạn nhân bất đắc dĩ tiếp theo của cuộc khủng hoảng năng lượng tại quốc gia giàu nhất châu Âu

24-12-2022 - 21:25 PM | Tài chính quốc tế

Nạn nhân bất đắc dĩ tiếp theo của cuộc khủng hoảng năng lượng tại quốc gia giàu nhất châu Âu

Ngành chăn nuôi lợn nối tiếp danh sách các ngành công nghiệp của Đức gặp khó khăn bởi cuộc khủng hoảng năng lượng.

Đàn lợn ở Đức đã giảm số lượng xuống mức thấp kỷ lục, trong bối cảnh các nhà sản xuất phải vật lộn với chi phí đầu vào tăng cao.

Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết trong một thông cáo báo chí rằng đàn lợn và số lượng trang trại chăn nuôi lợn giảm do “tình hình kinh tế khó khăn kéo dài”. Cơ quan này cho biết thêm rằng chi phí năng lượng, phân bón và thức ăn gia súc tăng mạnh đã đẩy chi phí sản phẩm lên cao.

Theo Destatis, Đức có 21,3 triệu con lợn tính đến ngày 3/11, giảm hơn 10% so với năm 2021 và giảm gần 20% so với năm 2020. Đây là mức thấp nhất mọi thời đại.

Số trang trại lợn ở Đức cũng giảm 1.900 trong năm 2022, sau khi giảm 1.600 trang trại trong khoảng thời gian từ năm 2020-2021.

Dữ liệu Destatis cho thấy chi phí sản xuất tất cả các loại thịt trong tháng 10 đã tăng gần 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành công nghiệp của Đức vốn đã phải vật lộn với tình trạng giá năng lượng tăng chóng mặt trong năm qua. Dữ liệu còn cho thấy một cú hích khác là cuộc xung đột tại Ukraine từ cuối tháng 2.

Nhiều nhà sản xuất trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm hóa chất, thủy tinh và kim loại, đã cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, một số nhà sản xuất đang sa thải nhân viên và chuyển một số bộ phận ra nước ngoài.

Nhà kinh tế cấp cao Marc Schattenberg tại Deutsche Bank Research cho biết có tới 2 triệu công nhân ở Đức có thể sẽ nghỉ phép vào mùa xuân, khi chủ lao động phải vật lộn với giá năng lượng cao và nguy cơ thiếu khí đốt.

Đối với các trang trại chăn nuôi lợn, chi phí năng lượng không phải vấn đề duy nhất. Theo hiệp hội ngành thịt ở Đức, sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi tại miền đông nước Đức cùng với việc giảm xuất khẩu sang Trung Quốc cũng khiến các nhà sản xuất phải đau đầu.

Theo CNN


Thiên Di

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên