MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng cao chất lượng kiểm toán là giải pháp chống thất thoát ngân sách

Năm 2018 là năm mà Kiểm toán Nhà Nước (KTNN) để lại nhiều dấu ấn, được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành các cuộc kiểm toán ở những lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Báo Lao Động có cuộc trao đổi với Ủy viên TƯ Đảng - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trước thềm năm mới, về những đột phá của đơn vị này năm qua, cũng như kế hoạch hành động mà KTNN đặc biệt lưu tâm trong năm 2019.

Thưa Tổng Kiểm toán, năm qua vừa qua Kiểm toán Nhà nước để lại nhiều dấu ấn trong công tác kiểm toán. Khép lại năm cũ, ông cảm thấy mình thực sự lưu tâm nhất, hay là tâm đắc nhất với điều gì?

Để nói là “tâm đắc” thì tôi không muốn dùng từ này. Vì với cơ quan kiểm toán mà nói, thành công của chúng tôi lại là sai phạm của những đơn vị khác. Phát hiện ra sai phạm, thất thoát ngân sách, chưa bao giờ là một điều đáng vui mừng.

Nếu để nói “lưu tâm”, tôi muốn nhắc đến các cuộc kiểm toán BT trong năm 2018. Chúng tôi mong tới đây những phát hiện, kiến nghị của KTNN sẽ được các cấp lãnh đạo lắng nghe và có những điều chỉnh để tránh thất thu ngân sách.

Trong năm 2018, qua kiểm toán các dự án BT ở TP.Hà Nội và một số địa phương khác, KTNN phát hiện thất thoát ngân sách hàng nghìn tỉ đồng.

Quá trình kiểm toán các dự án BT cho thấy những thất thoát này là rất lớn, thất thoát kép diễn ra từ hai đầu: Một là lãng phí từ  giá  công trình quá cao và chất lượng công trình thấp, hai là thất thoát từ giá đất quá thấp.

Chúng ta thường cho rằng công trình BT là do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nên giao cho họ lập dự án, tự lập thiết kế, dự toán và tự phê duyệt nên không tránh khỏi việc cố ý kê khống khối lượng công trình, giám sát chất lượng lỏng lẻo. Từ đó mà giá trị công trình vừa đắt, vừa kém chất lượng.

Về cơ bản, tôi vui về kết quả kiểm toán năm 2018 thu được, đã làm tăng thu giảm chi cho ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỉ đồng và đưa ra các kiến nghị  sửa đổi một số chính sách pháp luật liên quan, uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời những dự án trọng điểm quốc gia, những lĩnh vực mà dư luận quan tâm, tăng cường siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính và tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng chính thức trở thành Chủ tịch của ASOSAI nhiệm kỳ 5 năm. Xin hỏi sáng kiến chủ đề  “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã được KTNN triển khai như thế nào, thưa ông?

Với vai trò là Chủ tịch ASOSAI 14, KTNN Việt Nam đã đưa ra chủ đề kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững. Chúng tôi chọn chủ đề này theo  mục tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ do Liên Hợp Quốc khởi xướng.

Đối với chúng tôi, Kiểm toán môi trường hiện nay là một loại kiểm toán mới, chúng ta chưa có kinh nghiệm và đang vấp phải rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là quy trình kiểm toán môi trường chỉ mới được KTNN xây dựng, ban hành trong tháng 12.2018 vừa qua, sau thời gian thực nghiệm kiểm toán và nghiên cứu tài liệu của nước ngoài.

Khó khăn nữa là nguồn nhân lực thực hiện kiểm toán môi trường ít kinh nghiệm, số lượng rất mỏng; hệ thống các chỉ tiêu để  đánh giá so sánh chưa được xây dựng… Quan trọng nhất là vấn đề  thu thập các số liệu, các loại tài liệu, xác định đơn vị cung cấp hồ sơ để phục vụ cho việc kiểm toán môi trường rất khó khăn vì số liệu hồ sơ phân tán nhiều nơi, việc lưu trữ  thiếu chặt chẽ nên cũng rất khó khăn khi thu thập.

Tuy nhiên, năm vừa  qua chúng tôi cũng bắt tay vào thực hiện nhiều cuộc kiểm toán môi trường và thu được nhiều kết quả. Ví dụ như các cuộc kiểm toán môi trường khu công nghiệp Bắc Ninh hay kiểm toán môi trường đối với Nhiệt điện Vĩnh Tân 4; hoặc kiểm toán đối với việc quản lý, sử dụng túi nylon khó phân huỷ ở TPHCM; kiểm toán khai thác khoáng sản ở Hải Phòng… đều thu được kết quả tốt.

Ngoài vấn đề kiểm toán môi trường, thì trong năm 2019 KTNN còn đặt mối quan tâm hàng đầu cho những vấn đề nào nữa, thưa ông?

Trong kế hoạch kiểm toán 2019, điều chúng tôi quan tâm nhất là kiểm toán sử dụng đất đai đối với doanh nghiệp trong và sau cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, kiểm toán quỹ phát triển doanh nghiệp. Đây là 2 cuộc kiểm toán do Quốc hội giao cho KTNN phải hoàn thành, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tháng 5 năm 2019.

Chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu, dự kiến tháng 2.2019 sẽ hoàn thành 2 cuộc kiểm toán này cùng với cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách 2017, nhằm  phục vụ cho việc phê chuẩn quyết toán ngân sách và hoàn thiện chính sách quản lý đất đai, tiến tới việc sửa Luật Đất đai cũng như tăng cường quản lý đất đai.

Thứ hai, chúng tôi tập trung vào cuộc kiểm toán vấn đề đổi đất lấy công trình theo hợp đồng BT, phục vụ cho cơ chế hoàn thiện đất đai, đồng thời bịt các lỗ hổng trong thất thoát ngân sách.

Thứ nữa, chúng tôi tập trung kiểm toán về  quản lý thuế xuất nhập khẩu, kiểm toán một số tập đoàn kinh tế lớn;  kiểm toán đầu tư từ nguồn vốn ODA, kiểm toán nợ công và kiểm toán nguồn trái phiếu chính phủ, các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, kiểm toán công nghệ thông tin.

Tôi được biết năm 2018 cũng là năm mà Kiểm toán Nhà nước có những đột phá rất mới mẻ trong việc đưa công nghệ thông tin vào công tác kiểm toán. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Trong năm 2018, chúng tôi đã xây dựng Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và khung kiến trúc CNTT đến năm 2030, dựa trên hai nền tảng: Nền tảng về số hóa dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (AI). Với mục tiêu sau này  KTNN sẽ kết nối những dữ liệu  của quốc gia và các đơn vị được kiểm toán để thu thập thông tin phục vụ công tác kiểm toán.

Dự kiến năm 2021, các cuộc kiểm toán sẽ thực hiện tại cơ quan kiểm toán, có nghĩa là  kiểm toán viên chỉ cần ngồi ở trụ sở cơ quan làm việc, thực hiện các cuộc kiểm toán với dữ liệu đã có. Khi cần xác minh, phỏng vấn làm rõ, kiểm tra hiện trường thì mới xuống đơn vị được kiểm toán. Thực hiện việc này ngoài tiện ích thu được tiết kiệm thời gian, kinh phí còn hạn chế vấn đề tiêu cực và gian lận.

Hiện nay chúng tôi đang xây dựng phần mềm kiểm toán ngân sách, kiểm toán doanh nghiệp, kiểm toán ngân hàng thương mại và các phần mềm công cụ khác. Hoặc  áp dụng công nghệ viễn thám trong vấn đề khai thác khoáng sản, chẳng hạn kiểm toán trong vấn đề khai thác mỏ đá để phát hiện ra các khối lượng khoáng sản đã được khai thác. Từ đó tính ra được thuế tài nguyên môi trường mà các đơn vị còn gian lận để truy thu về ngân sách nhà nước.

Chúng tôi xác định sẽ đẩy mạnh công nghệ thông tin lên một tầm cao mới trong công tác kiểm toán nhằm đạt mục tiêu chính xác, hiệu quả.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của Tổng Kiểm toán. Chúc ngành KTNN một năm mới thành công tốt đẹp!

Tính đến 28.12.2018, KTNN đã phát hành 190 báo cáo kiểm toán, duyệt 246 báo cáo kiểm toán. Xử lý tài chính 78.063 tỉ, trong đó tăng thu giảm chi gần 40.192 tỉ.


Theo Lê Thanh Uyên

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên